Hội Nông dân TP Huế sắp ra mắt mô hình đi chợ kiểu mới giúp bảo vệ môi trường

An Sơn Thứ tư, ngày 07/12/2022 14:07 PM (GMT+7)
Đây là mô hình kinh doanh đầu tiên tại Huế cho phép người tiêu dùng được chiết các sản phẩm cần cho sinh hoạt cá nhân hằng ngày vào chai lọ cũ để vừa tiết kiệm chi phí vừa chung tay giảm rác nhựa từ bao bì các sản phẩm này.
Bình luận 0

Ngày 6/12, Hội Nông dân TP Huế cho biết, trong khuôn khổ dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại TP.Huế do Tổ chức WWF - Việt Nam tài trợ, Hội sẽ phối hợp với 2 cơ sở kinh doanh là cửa hàng Nông Dân (32 Phùng Hưng, TP.Huế) và cửa hàng Liên Minh Xanh (73 Thạch Hãn, TP.Huế) ra mắt cửa hàng sinh thái với mô hình trạm Refill station (trạm nạp đầy) trong thời gian tới.

Đây là mô hình kinh doanh đầu tiên tại Huế cho phép người tiêu dùng được chiết các sản phẩm cần cho sinh hoạt cá nhân hằng ngày vào chai lọ cũ để vừa tiết kiệm chi phí vừa chung tay giảm rác nhựa từ bao bì các sản phẩm này.

Hội Nông dân TP.Huế sắp ra mắt mô hình đi chợ kiểu mới giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Hội Nông dân TP.Huế sẽ phối hợp với cửa hàng Nông Dân và cửa hàng Liên Minh Xanh ở TP.Huế ra mắt cửa hàng sinh thái với mô hình trạm Refill station (trạm nạp đầy) trong thời gian tới (ảnh minh họa).

Đây sẽ là bước khởi đầu để hình thành lối sống sinh thái và tiêu dùng sinh thái, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động bán hàng trên địa bàn TP.Huế. Qua thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng, mô hình sẽ góp phần xây dựng TP.Huế sáng - xanh - sạch - đẹp.

Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là quá tải rác thải nhựa, hiện đang là vấn đề đáng quan tâm trên toàn cầu. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới, mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nhựa thải ra môi trường, nhưng chỉ 9% trong số đó là được tái chế.

Tại Việt Nam, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi năm, nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu. Hơn một nửa con số này là những sản phẩm nhựa dùng một lần bị vứt bỏ ra môi trường, và phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy.

Với mong muốn giảm thiểu lượng rác thải nhựa khó phân hủy bằng phương pháp bán hàng mới, gần đây một số địa phương trong nước đã triển khai mô hình Refill station. Refill station giới thiệu và nhân rộng cách "đi chợ kiểu mới", mà trong đó sản phẩm không nhất thiết phải đóng gói sẵn.

Người tiêu dùng chỉ cần mang chai lọ, giỏ đựng có sẵn của mình đến cửa hàng để lấy đủ lượng sản phẩm cần dùng và thanh toán. Phương pháp này vừa giúp tiết kiệm chi phí đóng gói bao bì, vừa giảm lượng rác thải trong hoạt động tiêu dùng cá nhân.

Việc khách hàng được giảm từ 1-2% trên tổng hóa đơn mau hang như một cách để khuyến khích mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, bắt đầu từ việc thay đổi những thói quen nhỏ nhất.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem