Hội Nông dân với công tác giám sát, phản biện xã hội: Phản biện, giám sát ngay từ đầu

Phương Đông Thứ năm, ngày 26/06/2014 07:14 AM (GMT+7)
Việc phản biện, giám sát của Hội NDVN cần tập trung vào các vấn đề liên quan mật thiết đến quyền lợi hợp pháp của người nông dân. Công tác này phải thực hiện ngay từ khi mới hình thành dự thảo chủ trương, chính sách, còn nếu giám sát, phản biện như hiện nay thì hiệu quả sẽ không cao...
Bình luận 0

Các ý kiến trên được đưa ra tại hội thảo đóng góp vào 2 dự thảo Hướng dẫn quy định về việc Hội NDVN tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Hướng dẫn thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các đoàn thể chính trị-xã hội do T.Ư Hội NDVN tổ chức ngày 25.6 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Lều Vũ Điều.

Góp ý ngay từ đầu

Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến tham luận đều khẳng định, từ trước đến nay, Hội NDVN vẫn tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia giám sát và phản biện xã hội theo chức năng, nhiệm vụ.

Nhưng với Quyết định (QĐ) 217 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị-xã hội; QĐ 218 của Bộ Chính trị quy định về việc MTTQVN, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, việc góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; giám sát và phản biện xã hội của Hội NDVN đã được thể chế hóa. QĐ 217, QĐ 218 tạo môi trường dân chủ để cán bộ, hội viên, ND thể hiện tiếng nói có trách nhiệm, đúng chủ trương, đường lối của Đảng về các vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các vấn đề liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội khác.

Các đại biểu đánh giá cao chất lượng 2 dự thảo hướng dẫn của T.Ư Hội NDVN và bổ sung ý kiến làm rõ hơn một số nội dung trong việc hướng dẫn thực hiện QĐ 217, QĐ 218. Ông Hoàng Trọng Thủy - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới đề nghị, cần bổ sung việc Hội ND tham gia góp ý với dự thảo nghị quyết, chương trình hoạt động của HĐND các cấp. “Hội ND góp ý là để góp phần tránh tình trạng “cục bộ, bản vị” trong phân bổ ngân sách và thực hiện các chính sách. Một khảo sát gần đây cho thấy có tới 68% số người dân được hỏi không được biết về quy hoạch, sử dụng đất đai và phân bổ ngân sách…”- ông Thủy bày tỏ quan điểm.

Một số đại biểu đề nghị cần bổ sung từ “dân chủ” trong hướng dẫn thực hiện QĐ 218 ở phần tổ chức thực hiện để qua đó khuyến khích, tạo môi trường dân chủ để cán bộ, hội viên, ND mạnh dạn góp ý. “Góp ý của Hội ND ngoài việc gửi cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp thì cần có báo cáo gửi Hội ND cấp trên bởi đây là một kênh thông tin quan trọng để Hội cấp trên tham khảo khi bày tỏ ý kiến với cấp ủy, chính quyền cùng cấp”- ông Phạm Hữu Văn- Phó ban Kinh tế T.Ư Hội đề nghị… Các đại biểu nhất trí, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Hội cần tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ND…

Giám sát, phản biện ngay từ đầu

Về hướng dẫn thực hiện QĐ 217, ông Hoàng Trọng Thủy đề nghị Hội ND cần giám sát, phản biện ngay từ đầu khi dự thảo chính sách. Theo ông Thủy, muốn có phản biện và phản biện có chất lượng thì phải có giám sát và giám sát có chất lượng. “Giám sát ngay từ đầu mới quan trọng chứ khi chính sách ra rồi mới giám sát thì đó là nhiệm vụ thường xuyên và thường hiệu quả không cao. Cần đưa nội dung Hội phản biện qua nghiên cứu văn bản và đơn thư khiếu nại, tố cáo của hội viên, ND; phản biện của Hội cũng rất cần có trong quá trình thực hiện để góp phần bổ sung hoàn thiện chủ trương, chính sách”- ông Thủy đề nghị.

"Một trong những chức năng quan trọng của Hội là phản biện chính sách, nên tôi thực sự không ngại vấn đề này. Là đại diện cho tiếng nói của ND, việc quan trọng nhất của tôi là làm sao góp ý xây dựng được những chính sách có ích cho ND...”.
 Ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội ND thành phố Hà Nội
 
Phần tổ chức thực hiện giám sát của hướng dẫn thực hiện QĐ 217, ông Lưu Văn Bính - Phó ban Tuyên huấn T.Ư Hội đề nghị bổ sung: Hội nắm bắt, phân tích, tham khảo thông tin từ “kênh” dư luận xã hội vào phần “các bước thực hiện giám sát”. Hầu hết các đại biểu đều nhất trí đề nghị T.Ư Hội cần thành lập tổ tư vấn giúp Ban Thường vụ thực hiện giám sát, phản biện mang tính trực tiếp, có chất lượng. “Để thực hiện QĐ 217, QĐ 218, các ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác để làm sao nắm bắt, phân tích thông tin, số liệu nhanh, chính xác giúp Thường trực, Ban Thường vụ đưa ra những ý kiến, đề xuất, kiến nghị xác đáng…”- nguyên Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Hà Phúc Mịch góp ý…

 


5 chính sách và phản biện chú ý

1. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/2001/CT-TTG “Về tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của ND”.

2. Tham mưu Ban Bí thư ban hành Kết luận Số 61-KL/TW61 về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp NDVN giai đoạn 2010-2020” (KL 61); Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 673 “Về việc Hội NDVN trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”.

3. Tham gia góp ý Luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, một số thay đổi có lợi cho ND: Thời hạn giao đất nông nghiệp cho ND từ 20 năm tăng lên 50 năm; hạn mức chuyển quyền sử dụng đất gấp 10 lần hạn mức giao đất…

4. Đề nghị Chính phủ sửa đổi một số điều không phù hợp trong Nghị định 41 “Về một số chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn”; Nghị định 61 “Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.

5. Trợ giúp pháp lý về việc Công ty Vedan bồi thường 100% thiệt hại cho gần 7.000 ND tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM với tổng số tiền gần 200 tỷ đồng; thanh toán toàn bộ chi phí kiểm tra, giám sát, phân tích mẫu, đánh giá môi trường... liên quan đến việc giải quyết vụ Vedan xả thải, mỗi địa phương 500 triệu đồng.
Anh trang (tổng hợp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem