Hội viên mong sớm có lớp đào tạo nghề livestream bán hàng cho nông dân

Hải Đăng Thứ bảy, ngày 13/07/2024 09:34 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, nhiều hội viên, nông dân cho biết, sự bùng nổ của các kênh livestream như hiện nay giúp việc bán hàng, kinh doanh của bà con rất thuận tiện, hiệu quả. Tuy nhiên, các hội viên đề nghị sớm mở các lớp đào tạo livestream cho nông dân giúp mọi người bán hàng hiệu quả hơn.
Bình luận 0
Hội viên mong sớm có lớp đào tạo nghề livestream bán hàng cho nông dân- Ảnh 1.

Ông Vũ Hữu Hà cho vịt ăn tại trại của gia đình ở Văn Giang (Hưng Yên). Ảnh: HĐ

Là hộ chăn nuôi khá lớn ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang (Hưng Yên), ông Vũ Hữu Hà cho biết, hiện mỗi năm gia đình ông chăn nuôi hàng nghìn vịt thịt và trồng các loại cây cảnh. Tuy nhiên, đa phần các mặt hàng đều phải trông vào sức mua của các thương lái khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh.

"Có thời điểm khan hàng, sản phẩm sẽ được các lái săn đón, mua giá cao nhưng đến khi thị trường tiêu thụ khó khăn, họ lại "bỏ rơi" người dân hoặc ép giá khiến bà con khốn đốn", ông Hà bộc bạch.

Ông Hà cho biết, hiện nay các kênh bán hàng truyền thống đang dần kém hiệu quả thay vào đó là các kênh hiện đại như mạng xã hội facebook, zalo, tiktok... đã giúp người dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.

"Hiện, nhiều sinh viên ra trường hoặc thậm chí là nhiều người trẻ bỏ công ty về làng buôn bán trên mạng xã hội có thu nhập rất cao. Có người bán quần áo trên livestream có đêm thu cả vài chục triệu đến hàng trăm triệu", ông Hà kể và cho rằng: Nhiều người qua độ tuổi lao động lại có phần khó tiếp cận các thiết bị hiện đại nên gặp nhiều khó khăn hơn khi bán hàng trên các kênh mạng xã hội.

Theo ông Hà, đến nay việc mua và sử dụng điện thoại thông minh đã phổ biến, đơn giản hơn nên nếu mọi người được đào tạo bán hàng, sử dụng các kênh bán hàng hiện đại sẽ dễ tiếp cận hơn. "Chúng tôi rất mong nhà nước và địa phương sớm mở các lớp đào tạo bán hàng trên mạng để nhiều người dân được tiếp cận và có cách ứng xử, kinh doanh an toàn, hiệu quả trên mạng xã hội", ông Hà kiến nghị.

Cũng theo ông Hà, khi chiếc điện thoại thông minh đã phổ cập khắp nơi, thì cơ hội trở thành Facebooker, Youtuber hay TikToker để livestream bán hàng thực sự chia đều cho mọi người. Nếu người đô thị đang hào hứng livestream để bán hàng tiêu dùng thì người nông thôn hoàn toàn có thể livestream bán hàng nông sản.

Hội viên mong sớm có lớp đào tạo nghề livestream bán hàng cho nông dân- Ảnh 2.

Vợ chồng ông Vũ Văn Trọng đang sở hữu vườn cây quất bonsai khá lớn ở Văn Giang (Hưng Yên).

Vợ chồng ông Vũ Văn Trọng đang sở hữu vườn cây quất bonsai khá lớn ở Văn Giang (Hưng Yên), ông Trọng cho biết, hàng năm, vợ trồng ông làm ra hàng vạn lọ quất bonsai cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành. Tính ra, thu nhập của gia đình cũng lên đến hàng tỷ đồng/năm.

Nói về tương lai của nghề trồng quất lọ, ông Trọng bảo: Là cây cảnh trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, quất cảnh, nhất là loại quất bonsai lọ nhỏ của tôi có giá khá rẻ chỉ khoảng 200.000 đồng đến 400.000 đồng/lọ vừa phù hợp để chưng trong các nhà nhỏ hẹp trên phố, chung cư cao tầng ở các thành phố nên luôn đắt khách. 

Tuy vậy, lão nông này vẫn băn khoăn, lo lắng vì hiện sản phẩm quất bonsai đang rất phổ biến và bão hòa nên việc tiêu thụ sẽ ngày càng khó khăn hơn.

"Trước đây, các thương lái tìm về mua, đặt sản phẩm rất nhiều nhưng mấy năm gần đây, lượng khách mua giảm khá nhiều. Chúng tôi đang tìm cách tiêu thụ sản phẩm trên các kênh bán hàng khác để bớt khó khăn", ông Trọng chia sẻ.

Thời gian gần đây, vợ chồng ông Trọng đã tìm hiểu và tiếp cận, sử dụng mạng xã hội để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm. Tuy vậy, do thiếu kiến thức nên việc tiếp cận gặp nhiều khó khăn.

"Mạng xã hội có ưu điểm là thông tin nhanh nhưng đổi lại nếu không có kiến thức sẽ rất khó có thể làm việc, bán hàng hiệu quả", ông Trọng nói và cho rằng: Sử dụng mạng xã hội hay livestream bán hàng nông sản, cây con là một xu hướng tích cực, nhưng để sử dụng kênh mới này thành công thì phải cần những kỹ năng nhất định. 

Do đó, đào tạo nghề bán hàng trên mạng, livestream bán hàng cho nông dân rất cấp thiết. Theo tôi, nhà nước cần coi đào tạo nghề livestream bán hàng như một chương trình lớn mang tầm quốc gia sẽ có chính sách tiếp cận phù hợp và hỗ trợ nông dân hiệu quả hơn.

Ông Trọng cho biết thêm, nông sản tươi là mặt hàng nhiều rủi ro khi kinh doanh trực tuyến, do lợi nhuận cạnh tranh và giao nhận phức tạp nên livestream bán hàng nông sản tươi không thể tùy tiện và tùy hứng, mà phải được đào tạo nghề nghiêm túc về chuẩn bị nguồn hàng, đóng gói sản phẩm, tư vấn sử dụng, cam kết chất lượng… Ngay cả hình ảnh hình ảnh chủ thể livestream ở mỗi video cũng phải được tính toán hợp lý và thuyết phục.

"Theo đó, các bộ ngành, nhất Bộ NNPTNT, Bộ LĐTB và xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam... cần phối hợp nghiên cứu và đưa ra được kế hoạch đào tạo với các loại giáo trình, chương trình phù hợp với thực tiễn phát triển của nghề livestream mới có thể giúp đào tạo hiệu quả cho nông dân làm giàu", ông Trọng đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem