Hội viên, nông dân hiến kế tháo gỡ khó khăn chuyển đổi số nông nghiệp
Hội viên, nông dân hiến kế tháo gỡ khó khăn chuyển đổi số nông nghiệp
Hải Đăng
Thứ bảy, ngày 06/07/2024 11:16 AM (GMT+7)
Theo bà Lê Thị Hương, Giám đốc HTX Nhân Lý, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), trong thời gian qua, nông dân đã tích cực chuyển đổi số nông nghiệp và đã đạt kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, đa phần các mô hình chuyển đổi số vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát.
Bà Hương cho biết, đến nay HTX Nhân Lý đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa chất lượng cao như máy cấy, máy gặt, làm đất, máy bay không người lái... Tuy nhiên, đến nay, nhiều khâu sản xuất của bà con vẫn còn rất thủ công.
"HTX Nhân Lý có khoảng trên 100ha cấy các giống lúa lai, lúa thơm cho năng suất cao. Tuy vậy, chúng tôi vẫn rất trăn trở khi đưa các máy móc, thiết bị mới vào sản xuất", bà Hương nói.
Theo bà Hương, nguyên nhân khiến việc chuyển đổi số, đưa cơ giới hóa vào sản xuất gặp khó khăn là do nhận thức của cán bộ, nhân dân về chuyển đổi số còn hạn chế, chưa hiểu, chưa rõ nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, nhiều địa phương lúng túng trong thực hiện; ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa rộng khắp, còn nhỏ lẻ, mới chỉ thực hiện chủ yếu ở khâu bán hàng hoặc một số khâu nhất định mà chưa theo chuỗi sản xuất.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của các HTX, doanh nghiệp và người dân còn yếu, khó tiếp cận được với công nghệ tiên tiến. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.
"Nguồn lực về con người có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế. Nguồn lực về tài chính thực hiện chuyển đổi số chưa đầy đủ, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện. Chưa có các Đề án tổng thể về chuyển đổi số mà chủ yếu là các phần mềm riêng biệt, chưa kết nối, liên thông được với cơ sở dữ liệu quốc gia do Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp", bà Hương chia sẻ.
Bà Hương cho rằng: Các điều kiện đáp ứng chuyển đổi số ở các địa phương còn gặp khó khăn, chủ yếu các mô hình còn sản xuất ngoài trời, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, hiệu quả thấp nên khó áp dụng được công nghệ và thu hút doanh nghiệp công nghệ vào nông nghiệp. Cùng với đó là biến động mạnh về sản lượng do chu kỳ ngắn, điều kiện thời tiết, và khả năng bảo quản; tập quán và ý thức sản xuất tự do thiếu liên kết, trình độ ứng dụng công nghệ của đa phần nông dân hiện nay thấp cũng là một thách thức trong chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp.
Để giải quyết vấn đề trên, bà Hương kiến nghị ngành nông nghiệp cần tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai xây dựng mô hình điểm về chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp tạo thành công để nhân rộng sang các lĩnh vực khác.
Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa và đa dạng các hình thức tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân hiểu tầm quan trọng, xu thế tất yếu của chuyển đổi số; khuyến khích nông dân sử dụng các thiết bị điện tử để thay đổi tập quán sản xuất từ thủ công sang ứng dụng công nghệ. Xây dựng đội ngũ chuyên trách về chuyển đổi số trong nông nghiệp.
"Chúng ta phải đẩy mạnh tích tụ tập trung đất đai gắn với hỗ trợ đầu tư hạ tầng đường giao thông, kênh mương nội đồng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, hình thành sản xuất quy mô lớn tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, coi đây là nhân tố quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn", Giám đốc HTX Nhân Lý góp ý thêm.
Cũng theo bà Hương, nhà nước cần tiếp tục tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhất là chính sách hỗ trợ vốn vay tín dụng cho các tổ chức, cá nhân có nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số.
"Người dân sản xuất nông nghiệp đều có nhu cầu chuyển đổi số, đưa các thiết bị hiện đại vào đồng ruộng. Tuy nhiên, vấn đề vẫn nằm ở chi phí đầu tư, trong HTX Nhân Lý có nông dân đầu tư mua máy bay không người lái đưa vào sản xuất nhưng mua xong lại hết tiền, không có tiền mua xe tải để chở máy đi làm. Đến khi đi vay vốn cũng khó chồng khó vì gặp "rừng" thủ tục hành chính, điều kiện vay vốn", bà Hương nói thêm và kiến nghị: Các ngân hàng cần nởi lỏng hơn các điều kiện vay, các thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh, gọn hơn để nông dân dễ tiếp cận vốn vay để đầu tư làm ăn lớn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.