Đào tạo nghề cho lao động nông thôn-lắng nghe tiếng nói phản ánh từ Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng

Văn Long Thứ sáu, ngày 04/11/2022 05:48 AM (GMT+7)
Trải qua 10 năm thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tại tỉnh Lâm Đồng, đã có hơn 2.200 người đồng bào dân tộc thiểu số được dạy nghề (chiếm 17% tổng số). Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã chia sẻ về những kết quả, khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Bình luận 0

Hơn 16.000 học viên học nghề

Vừa qua, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Tường Vi – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh về kết quả của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Tường Vi cho biết, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài. Cấp bách vì kỹ năng nghề của bà con quá thấp, không đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất. Lâu dài vì việc đào tạo không thể trong ngày một ngày hai mà là một quá trình.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Lâm Đồng: Việc vừa cấp bách vừa lâu dài - Ảnh 1.

Bà Nguyễn THị Tường Vi trao đổi với người dân trong một buổi tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón. Ảnh: CTV.

Chính vì vậy, để tổ chức triển khai tốt công tác dạy nghề hàng năm, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu đến các huyện, thành Hội về số lớp và số học viên. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, các huyện, thành Hội khảo sát nhu cầu, phân bổ và thông báo đến các cơ sở. Từ nhu cầu đăng ký của học viên ở các cơ sở, Trung tâm xây dựng kế hoạch mở lớp với nội dung và thời gian phù hợp với yêu cầu của từng địa phương.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Lâm Đồng: Việc vừa cấp bách vừa lâu dài - Ảnh 2.

Trong 10 năm qua, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã đào tạo cho hơn 16.000 học viên. Ảnh: CTV

"Do học viên của các lớp chủ yếu là hội viên nông dân, con em nông dân vừa tham gia sản xuất vừa tham gia các lớp học nghề nên tùy vào điều kiện Trung tâm sẽ mở các lớp theo hai hình thức: Đối với những huyện, thành gần, chúng tôi mở lớp tại Trung tâm, đối với các xã vùng sâu, vùng xa, chúng tôi sẽ mở các lớp lưu động tại các xã nhằm tạo tạo điều kiện thuận lợi trong việc ăn, ở, đi lại cho học viên.

Trong 10 năm qua Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp và phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố, các ban ngành liên quan mở hơn 200 lớp dạy nghề ngắn hạn với hơn 16.000 học viên tham gia. Trong đó, trực tiếp cấp 182 chứng chỉ, cấp 1.788 chứng nhận. Chứng chỉ, chứng nhận cấp cho học viên chủ yếu là các nghề như thú y, thêu tranh lụa, dệt thổ cẩm, trồng trọt, chăm sóc cà phê, cao su, sửa chữa máy nông nghiệp, cách ủ phân, bón phân, trồng dâu nuôi tằm, trồng nấm...Trong đó số học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số là 2.289 học viên chiếm khoảng 17 %", bà Vi cho biết.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Lâm Đồng: Việc làm vừa cấp bách vừa lâu dài - Ảnh 3.

Nghề trồng dâu nuôi tằm được người dân áp dụng phổ biến nhất tại Lâm Đồng sau các lớp học nghề. Ảnh: Văn Long.

Thiếu kinh phí

Bà Nguyễn Thị Tường Vi cho biết, mặc dù công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn đã được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, đặc biệt là vấn đề thiếu kinh phí.

Theo bà Vi, hiện nay do trung tâm đã đổi tên thành Trung tâm Hỗ trợ nông dân và kinh phí dạy nghề hàng năm không được cấp, là đơn vị tự chủ nên nguồn thu chỉ đủ để tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Lâm Đồng: Việc làm vừa cấp bách vừa lâu dài - Ảnh 4.

Một lớp tập huấn đầu bờ cho người dân tại Lâm Đồng được Hội nông dân tỉnh tổ chức. Ảnh: CTV.

Hơn nữa, do điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử, trình độ học vấn thấp, ngại cái mới, dễ bằng lòng với cái đã có. Người lao động không muốn dời nơi cư trú để đi học nghề; không muốn tự bỏ kinh phí, thời gian để tham gia học nghề khiến công tác đào tạo nghề cho người dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, số người được đào tạo nghề còn ít, chất lượng thấp, việc đào tạo nghề chưa phù hợp và tương xứng với thế mạnh, lợi thế từng vùng.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Lâm Đồng: Việc vừa cấp bách vừa lâu dài - Ảnh 3.

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tại Lâm Đồng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. Ảnh: CTV.

Ngoài ra, một bộ phận nông dân còn thụ động, trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp, chưa thực sự tự vươn lên, nên số hộ nghèo và cận nghèo còn lớn, khả năng chuyển đổi nghề khi bị mất đất hoặc cơ hội tham gia vào môi trường lao động các khu công nghiệp còn khó khăn.

Trong thời gian sắp tới, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan đổi mới, đa dạng các hình thức dạy nghề, kết hợp giữa dạy nghề tập trung và dạy nghề lưu động ở các vùng sâu, vùng xa, dạy nghề tại chỗ. Tăng cường liên kết đào tạo với các trường, các doanh nghiệp để tổ chức dạy nghề nhằm đáp ứng với nhu cầu của người sử dụng lao động như: Mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao, mô hình trồng cây con có hiệu quả, các mô hình hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Lâm Đồng: Việc làm vừa cấp bách vừa lâu dài - Ảnh 6.

Đến nay đã có hơn 2.200 người đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, chiếm 17% tổng số. Ảnh: Văn Long.

"Trong những năm tới, Hội Nông dân tỉnh kiến nghị Sở Tài chính và Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, Sở NNPTNT cân đối ngân sách từ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lâm Đồng cấp trực tiếp cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh để chủ động lên kế hoạch tập huấn, dạy nghề ngay từ đầu năm", bà Vi thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem