Hôn nhân và bi hài áp lực "Cặp đôi hoàn hảo"

Thứ hai, ngày 05/03/2012 11:16 AM (GMT+7)
Dân Việt - Ám ảnh về đánh giá của người khác, nhiều người đã ép vợ (chồng) mình phải sống theo chuẩn mực mà họ đề ra. Điều này cặp vợ chồng này khiến cho bạn đời của họ chết ngộp trong các yêu cầu đòi hỏi.
Bình luận 0

Học 3 bằng Thạc sĩ để đẹp lòng chồng

Chị Mai Ánh Nguyệt (Chung cư Mỹ Đình, Hà Nội) ngồi thở hắt mệt mỏi. Gương mặt bạc nhược, ngơ ngác. Nỗi đau khổ của chị chính là đã lấy người chồng quá học thức trong gia đình có truyền thống học hành. Gia đình chồng chị có 4 con, 3 trai, 1 gái thì cả dâu rể có đến 5 Tiến sĩ, hiện tại một đứa cháu của chị cả cũng đang học Thạc sĩ và mục tiêu là làm Tiến sĩ.

img
Nên trân trọng sở thích và giấc mơ của bạn đời

Chồng chị là PGS –TS, giảng viên một trường ĐH, lại là Trưởng họ. Anh nhất định rằng mình là cả phải làm gương cho các em, cho cả dòng tộc. Vì thế, vợ anh cũng không thể thua kém em trai, em dâu, nhất định cũng phải làm Tiến sĩ.

Nhưng với chị, học vấn là con đường xa vời và không cần thiết đối với chính chị. Chị làm ở Viện Nghiên cứu nhưng chỉ là nhân viên văn phòng. Công việc chính của chị là phô tô, xếp loại giấy tờ, văn bản để trình cho sếp ký. Tấm bằng Đại học KHXH đủ giúp chị hòan thành nhiệm vụ. Chị Nguyệt vui vẻ với công việc của mình.

Nhưng chồng chị luôn dồn ép, thúc giục vợ. Không chỉ dằn hắt, bực bội, hờn dỗi và móc máy về việc “ít chữ” của vợ, chồng chị còn “trao giải” bằng xe máy xịn, các chuyến du lịch nước ngòai nếu chị chịu “đi học”. Thấy vợ không chuyển, anh nói thẳng rằng “rất xấu hổ nếu sánh đôi với người vợ học thức thấp” như vậy. Rồi cả bố mẹ chồng, em chồng đều nói ra nói vào.

Cực chẳng đã chị phải cố gắng đi “bổ túc” cái bằng Thạc sĩ Luật, chẳng liên quan gì đến việc phô tô của chị. Chị tưởng học xong Thạc sĩ đã làm chồng vui lòng, nhưng anh lại thúc ép chị học Tiến sĩ. Trốn không được, chị lại xin đi học bằng Thạc sĩ Tiếng Anh, mặc dù chẳng bao giờ dùng đến.

Nhưng chồng vẫn không hài lòng. Chị tự thấy với năng lực của mình, chị không thể làm Tiến sĩ. Chị Nguyệt lại đang trốn tránh bằng cách đăng ký lớp Thạc sĩ “hot” nhất hiện nay: Quản trị kinh doanh. “Em đừng khen chị giỏi. Vì các lớp học Thạc sĩ buổi tối của chị đều học bằng tiền. Mỗi lớp chị chỉ học được vài mánh khóe sống.

Ví dụ như lớp Thạc sĩ Luật chị chẳng nắm được Luật nào nhưng hiểu rõ các chiêu “lách luật”… Càng học, chị càng thấy sự phù phiếm của bằng cấp. Ai thích học, thích giỏi thì học cho thực sự, còn nếu không thích, yêu cầu công việc không cần thì học chỉ tốn tiền và tốn thời gian và càng cảm thấy mình “vô học” hơn mà thôi” – chị ngậm ngùi.

Hôn nhân của chị chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Giống như một lô các bằng cấp vô giá trị mà chị cất trong tủ.

Bệnh cầu tòan

Anh Nguyễn Văn Đức (Ba Đình, Hà Nội) thì phát điên với một loạt các quy tắc của vợ. Sáng trưa chiều tối, lúc nào chị cũng yêu cầu anh ăn mặc tươm tất. Đi làm thì quần là áo lượt, chiều về thì thay bộ đồ ở nhà, tối mặc đồ ngủ và đều không được nhầu nhĩ. Nếu sánh đôi với chị ra ngoài đường thì luôn phải “tông xoẹt tông”, không được lệch màu. Đồ đạc trong nhà cũng luôn phải đúng chỗ, thẳng góc. Khi ăn không được nhai phát tiếng động, ngồi thẳng lưng, gắp từ tốn. Nếu anh làm sai lập tức chị lườm cho ứ họng.

Không chỉ cảm xúc, tình yêu thương bị cạn kiệt mà chính kẻ “cầu tòan” cũng mắc vô số những chứng bệnh đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi.

Vợ anh cũng sợ sự luôm thuộm, bẩn thỉu. Ngôi nhà hơn 40 m2 mà lúc nào hàng xóm cũng thấy chị đeo tạp dề, quần xắn ngang bắp chân, cầm dẻ, cầm chối tất tả lau chùi, dọn dẹp. Hai bố con vừa bày trò chơi thì đã bị chị đi đằng sau cằn nhằn, la lối đuổi ra công viên chơi. Ra công viên chơi về thì chị mắng vì lôi đất cát vào nhà. Chị không ngừng yêu cầu chồng chị phải thăng tiến, con phải học giỏi…

“Nhà tôi sạch bóng, vợ lúc nào cũng như người mẫu nhưng tôi lại thấy mệt mỏi. Tôi thèm co chân ăn một bát cơm nguội trộn canh dưa, thèm một gia đình bữa bộn nhưng ấm cúng, tràn ngập tiếng cười. Tôi và con trai làm gì cũng không làm vợ tôi hài lòng” – anh Đức mệt mỏi.

Áp đặt lối sống, mơ ước của mình lên bạn đời, nhiều người đã biến cuộc hôn nhân của mình thành cuộc thi “cặp đôi hòan hảo”. Hôn nhân cũng trở nên kịch tính và mệt mỏi. Sự thân tình, yêu thương, trân trọng lẫn nhau nhường chỗ cho quy tắc và chuẩn mực.

Chưa đợi được đến lúc bạn và vợ (chồng) mình thành “đôi lứa xứng đôi” thì tình yêu đã bay mất. Hơn nữa, bạn đời của bạn sẽ luôn cảm thấy mình bị coi thường, hạ thấp khi không được vui sống với chính mơ ước và sở thích của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem