Hồn tre trúc nơi làng quê!

Bùi Việt Phương Thứ ba, ngày 19/05/2015 10:00 AM (GMT+7)
Với người dân Việt, nhắc đến tre, trúc hẳn bất cứ ai cũng biết. Tre, trúc – những loại cây bình dị nơi chân đê, góc vườn, bờ ao… nhưng đã làm nên vẻ đẹp cuộc sống của người nông dân bao đời bằng những hóa thân vào các vật dụng, nhạc cụ, khí giới…
Bình luận 0
Chẳng phải ngẫu nhiên, người ta thường hay ví đinh, lim, sến, táu, chai, dổi, vàng tâm… là những loại gỗ quý, bền bỉ với thời gian. Không những thế, những loại gỗ này còn làm nên hồn vía của đình, chùa, lầu son, gác tía xưa kia… Quý giá là vậy, nhưng mỗi khi nhắc tới một loại cây gần gũi với đời sống vật chất và tinh thần của người Việt, chúng ta lại chẳng thể nào bỏ qua tre, trúc – những loại cây bình dị nơi chân đê, góc vườn, bờ ao… nhưng đã làm nên vẻ đẹp cuộc sống của người nông dân bao đời bằng những hóa thân vào các vật dụng, nhạc cụ, khí giới…
img
Hồn tre trúc qua những vật phẩm đơn sơ, gần gũi. (ảnh: BVP)
Ngày còn nhỏ, tôi đã được nghe bà nội kể về những thứ cây trong vườn nhà. Dường như chúng đến từ rừng, mọc lên từ bờ suối, chân ruộng thì đều tận tụy gắn bó với cuộc sống của con người. Thú vị nhất là chuyện về các loài tre, trúc. Vừa kể, tay bà vừa thoăn thoắt chẻ những nan tre vừa đều, vừa mảnh từ những đoạn tre ông nội tôi chẻ ra từ sáng. Khi ấy, tôi chỉ biết say sưa nghịch các phoi tre, làm theo cách bà dạy lấy nó để chuốt các đôi đũa, các nan tre nhẫn bóng.

Lớn lên một chút, tôi  nhận ra tre, trúc ở khắp quanh tôi. Từ những cột nhà, dui, mè, nuộc lạt trên mái đến cái chổi tre quét sân, cái mẹt bà phơi măng, cái quạt nan và đến cả cái tăm tre… tất tật đều từ tre mà sinh ra bao tên gọi. Dường như làm việc gì cũng lụy đến tre, gặp khó khăn gì cũng nhờ tre giúp sức. Thế rồi, trong những đêm trăng sáng, tôi được nghe tiếng sáo vi vút của của ông lão chèo đò qua bến sông đầu làng. Ngồi trên khoang thuyền, nhìn sang những rặng tre xanh um phía bờ bên kia tôi nghe ông giảng giải: Cây sáo này làm từ thân trúc cùng họ với tre, người miền núi còn kết lại thành khèn thổi rất hay. Ông bảo ngày còn trẻ, từng thanh tre đực ông làm cánh cung, vót những mũi tên tre ủ than cho thân thẳng mà bay trúng đích. Còn giờ đây, khi tuổi đã già, gác chiếc gậy tre lại bên chiếc chõng, nhớ về một thời ngược xuôi mưu sinh, ông nâng chiếc điếu cày bằng  thân tre mà thưởng cái thú an nhàn điền viên.
 

Sau này lên thành phố, mỗi khi cầm chiếc rá nhựa vo gạo, tôi lại nhớ đến chiếc rá tre đen mò hóng mà khi xưa bà tôi thường đặt lên gác bếp mỗi khi đan xong. Hay khi, sống giữa không gian ngột ngạt, chật chội nơi phố xá toàn bê tông, cốt thép lại ước được về ngả lưng lên chiếc chõng tre, phe phẩy chiếc quạt nan mới thật thú vị.

Đi nhiều nơi được biết thêm những kiến trúc nhà tre của Việt Nam được bạn bè thế giới biết tới. Những khi ấy lại được chìm vào giấc trưa hè với những giấc mơ về những luỹ tre bất tận. Về những mũi tên, cán giáo dũng mãnh đánh đuổi quân thù, mơ về chiếc cần trúc, cái giỏ tre thảnh thơi nơi bờ ao câu cá. Hay, những chiếc thúng, mủng, dần, sàng, long, lia… bình dị đã đồng hành cùng người dân Việt bao đời. Khi chúng ta ngày càng cảm nhận rõ hơn giá trị bền vững của tre trong đời sống hiện đại càng thấy tự hào về những thân tre, thân trúc ấy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem