Các màn hình điện tử ngày 23.6 hiển thị cờ Trung Quốc trước mặt tiền một trung tâm mua sắm ở Hong Kong. Ảnh: AP
Hong Kong ngày ./7 kỷ niệm 20 năm được Anh trao trả cho Trung Quốc. Tạp chí Diplomat đánh giá việc áp dụng chính sách "một quốc gia, hai chế độ" đã mang đến cho Hong Kong lợi thế cạnh tranh trên con đường phát triển kinh tế, xã hội. Luật pháp, thị trường tự do cùng tính quốc tế của Hong Kong vẫn được bảo đảm và tăng cường. Dù trải qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998 và đại dịch SARS năm 2003 rồi tiếp tục là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, kinh tế Hong Kong vẫn tăng trưởng với tốc độ trung bình 3,3%/năm suốt 20 năm qua.
Theo Chỉ số Quản trị Toàn cầu do Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 10 năm ngoái, xếp hạng của Hong Kong đã nhảy vọt ở rất nhiều lĩnh vực quan trọng trong giai đoạn từ năm 1996 đến 2015. Về pháp quyền, Hong Kong tăng 25 bậc từ vị trí số 28 lên vị trí số 3. Về kiểm soát tham nhũng, Hong Kong vươn 3 bậc, từ thứ 20 lên thứ 17. Cuối cùng, về chất lượng điều hành, Hong Kong nhảy từ vị trí số 4 lên vị trí số 2.
Năm 1997, khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, đặc khu hành chính này đã có dân số 6,5 triệu người cùng một nền kinh tế bùng nổ khiến các quốc gia trong khu vực phải ghen tỵ.
Từ cuối thế kỷ 19, Hong Kong đã vươn lên trở thành một trung tâm tài chính của châu Á, trung tâm thương mại toàn cầu, là nơi hàng loạt công ty, ngân hàng lớn trên thế giới đặt trụ sở, đóng vai trò như cửa ngõ vào Trung Quốc.
Theo CNN, dân số Hong Kong đến nay đạt 7,4 triệu người, mật độ 6.790 người/km2. Tại quận Kwun Tong, Kowloon, mật độ dân số là 57.250 người/km2. Đây được xem là một trong những nơi đông đúc nhất hành tinh.
Dù phát triển bùng nổ về tài chính, thương mại và du lịch, Hong Kong cũng đối mặt không ít vấn đề. 20 năm qua, Hong Kong chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng khoảng cách giàu nghèo cũng như tỷ lệ thất nghiệp. Giá nhà đất tăng từ mức trung bình gần 8.300 USD/m2 vào năm 1997 lên mức hơn 15.000 USD/m2 hiện nay. Hong Kong cũng lọt vào danh sách những địa điểm sinh sống đắt đỏ nhất thế giới.
Trong quá khứ, Bắc Kinh hạn chế can thiệp vào Hong Kong vì nhận thức được tầm quan trọng cũng như sức ảnh hưởng to lớn của đặc khu này đối với Trung Quốc đại lục. Thời điểm được trao trả, Hong Kong, với dân số 6,5 triệu người, có nền kinh tế lớn bằng 1/5 kinh tế Trung Quốc. Song ngày nay, vai trò của Hong Kong đối với Trung Quốc đã khác, theo Economist. Hong Kong giờ đây chỉ đóng góp chưa đầy 3% vào tổng GDP Trung Quốc. Và khi kinh tế Trung Quốc hội nhập nhanh chóng với thế giới, Hong Kong dường như không còn quá đặc biệt đối với các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Trong cuốn sách với tựa đề "A System Apart", tác giả Simon Cartledge nhận định kinh tế Hong Kong hiện "mắc kẹt và có rất ít thay đổi đáng chú ý để khoe ra suốt hai thập kỷ qua". Thương mại và dịch vụ hậu cần chiếm gần 1/4 GDP, không khác gì nhiều so với giữa những năm 2000. Tài chính chiếm 17% GDP và cũng không biến chuyển đáng kể.
Trung Quốc đại lục trong khi đó lại thay đổi thần tốc. Các cảng tại thành phố Thâm Quyến hiện sầm uất hơn cả hệ thống cảng ở Hong Kong. Bên cạnh đó, vai trò trung tâm tài chính của Hong Kong bây giờ cũng không còn quá quan trọng đối với Trung Quốc. Những sàn giao dịch ở Thượng Hải hay Thâm Quyến đang củng cố mối liên kết giữa Trung Quốc với thị trường toàn cầu, chuyên gia nhận xét.
Phân cực chính trị
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân hôm 29.6 đáp máy bay xuống Hong Kong. Ảnh: CNN
Cây bút Benjamin Haas từ Guardian đánh giá lễ kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong trở về Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng. Lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Hong Kong và chứng kiến lễ nhậm chức của tân lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Theo Haas, 20 năm qua, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách giáo dục, tạo cơ chế hợp tác kinh doanh hiệu quả ở Hong Kong để thúc đẩy những mối liên kết bền chặt hơn với đặc khu hành chính này.
Tuy nhiên, Hong Kong đang ngày càng trở nên phân cực về mặt chính trị, giữa một bên là những người ủng hộ Bắc Kinh và một bên là phe ủng hộ dân chủ, mong muốn một Hong Kong nhiều quyền tự chủ hơn. Năm nay, khi các nhà hoạt động ủng hộ Bắc Kinh chuẩn bị ăn mừng thì cùng lúc, những nhà đấu tranh vì dân chủ lại lên kế hoạch biểu tình.
Một chương trình biểu diễn cùng một màn diễu binh là hai trong số các sự kiện lớn được Hong Kong dự định tổ chức nhằm kỷ niệm 20 năm ngày được trao trả cho Trung Quốc và tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước lễ kỷ niệm, kênh truyền hình trung ương Trung Quốc đều đặn mỗi ngày đưa các tin tức ca ngợi sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung Quốc với Hong Kong trên các lĩnh vực khác nhau, từ thể thao, nghệ thuật tới quân sự.
Nhưng bên dưới mặt hồ phẳng lặng, một số người dân Hong Kong, đặc biệt là giới trẻ, đang quyết liệt đấu tranh với mục tiêu đưa đặc khu hành chính này có thể tự quyết lớn hơn.
"Nhiều người không ăn mừng mà lo lắng về tương lai của Hong Kong cũng như tình hình hiện tại", AP dẫn lời Nathan Law, một trong những thủ lĩnh sinh viên lãnh đạo phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ quy mô tại Hong Kong hồi năm 2014, nói.
Các thủ lĩnh sinh viên lãnh đạo phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong hồi năm 2014. Ảnh: New York Times
Theo Law, người dân Hong Kong hiện lo lắng Bắc Kinh đang dần xóa bỏ chính sách "một quốc gia, hai chế độ" và can thiệp sâu vào các vấn đề ở Hong Kong. Bằng chứng mới đây nhất được thể hiện qua việc chọn lựa lãnh đạo đặc khu.
"Một số người miêu tả hệ thống hiện nay giống như 'một quốc gia, 1,5 chế độ' hơn", Law nói.
"Không ít người tin rằng Hong Kong đang bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ. Và điều đó gây ra xung đột", Emily Chung, sinh viên đại học, người sinh ra vào đúng ngày 1/7/1997, thời điểm Anh trả Hong Kong cho Trung Quốc, nói.
Cây bút Kelvin Chan từ AP nhận định xã hội Hong Kong hiện tại cũng bị chia rẽ sâu sắc giữa người trẻ và người già, giữa người giàu và người nghèo.
Những người lớn tuổi không thể hiểu vì sao tầng lớp thanh niên ở Hong Kong lại tổ chức các phong trào biểu tình nhằm đòi quyền tự trị. "Họ chỉ lãng phí thời gian mà thôi. Họ nên dành thời gian để học tập thì tốt hơn", ông Choi Wah-bing, 67 tuổi, nói.
Sự chia rẽ này tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, David Zweig, nhà khoa học chính trị tại Đại học Khoa học Công nghệ Hong Kong, nhận xét. "Mọi người đều muốn sống trong một xã hội tự do", Zweig nói.
Vũ Hoàng (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.