Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Binh sĩ Ukraine đang chuẩn bị đạn để bắn vào vị trí của Nga gần Bakhmut. Ảnh IT
Cụ thể, theo Interfax, Hungary mới đây đã giáng cho Ukraine một cú sốc lớn khi chặn việc chuyển vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 500 triệu Euro (544 triệu USD) từ châu Âu (EU) sang Ukraine giữa lúc Kiev đang ra sức xin thêm vũ khí của phương Tây để chuẩn bị cho cuộc phản công chống lại Nga.
Gói viện trợ nói trên đến từ Quỹ Cơ sở Hòa bình Châu Âu (EPF), một quỹ trị giá 5,6 tỷ euro (6,08 tỷ USD) mà EU sử dụng để tài trợ cho quân đội nước ngoài và bồi hoàn cho các thành viên chấp nhận gửi vũ khí cho các cuộc xung đột ở nước ngoài.
Trước tháng 2 năm ngoái, EPF chỉ được sử dụng để cung cấp thiết bị phi sát thương cho Gruzia, Mali, Moldova, Mozambique và Ukraine, với tổng số tiền chưa đến 125 triệu USD. Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, quỹ này đã chuyển phần lớn tiền cho Ukraine.
Tuy nhiên, Budapest đã từ chối cho phép EPF chuyển giao gói viện trợ mới nhất trừ khi họ nhận được “sự đảm bảo” rằng Quỹ sẽ duy trì phạm vi “toàn cầu” chứ không chỉ trang bị vũ khí cho Ukraine - hãng thông tấn ANSA dẫn nguồn tin giấu tên cho biết.
Hungary là thành viên NATO nhưng Thủ tướng Viktor Orban đã từ chối gửi vũ khí "tiếp sức" cho Ukraine. Ông Orban cũng không cho phép NATO gửi vũ khí đến Ukraine qua lãnh thổ Hungary. Thủ tướng Hungary thậm chí cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO châm ngòi cho cuộc xung đột (Nga-Ukraine) “làm tổn hại đến lợi ích của châu Âu”.
Chính phủ của ông Orban ủng hộ kế hoạch của Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc xung đột bằng con đường ngoại giao.
Cuối năm ngoái, Hungary đã tác động làm đình chỉ một đợt viện trợ kinh tế trị giá 18 tỷ Euro (19,5 tỷ USD) cho Ukraine, mà khối này vay từ thị trường toàn cầu. Nhưng sau đó, ông đã từ bỏ tác động ngăn cản đó sau khi EU dỡ bỏ lệnh đóng băng mà khối này áp đặt đối với tiền trợ cấp dành cho Hungary.
Vào tháng 1 năm nay, Hungary cũng đã chặn EPF cung cấp đợt vũ khí thứ 7 cho Ukraine, nhưng gói này đã được phê duyệt vài tuần sau đó.
Mỹ đã gửi hỗ trợ quân sự trị giá khoảng 36 tỷ USD cho Kiev bất chấp Nga liên tục cảnh báo rằng làm như vậy sẽ kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, truyền thông Mỹ dẫn nguồn tin giấu tên mới đây cho biết, viện trợ an ninh của Washington dành cho Kiev có thể cạn kiệt vào giữa mùa hè và "việc tái lập sẽ không dễ dàng".
Theo đó, các nguồn tin tuyên bố rằng, gói viện trợ trị giá 48 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm khoảng "36 tỷ USD để Lầu Năm Góc chuẩn bị một loạt viện trợ quân sự cho Kiev chỉ còn lại khoảng 6 tỷ USD" và nhiều khả năng sẽ cạn kiệt vào giữa mùa hè, cụ thể là vào tháng 7. Điều đó có nghĩa là dòng thiết bị quân sự cho Ukraine có thể bị gián đoạn nếu Kiev phải chờ một thời gian dài cho một đợt tài trợ mới.
Nguồn tin nói thêm rằng Nhà Trắng đã thảo luận về một gói viện trợ mới dành cho Ukraine nhưng điều này diễn ra trong bối cảnh nội bộ nước Mỹ đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính khi các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa vẫn bất đồng về trần nợ của đất nước - một bế tắc có thể dẫn đến việc Mỹ vỡ nợ.
Mỹ và các đồng minh đã tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Moscow đã nhiều lần cảnh báo các quốc gia gửi vũ khí tới Ukraine rằng quân đội Nga coi các chuyến hàng quân sự này là mục tiêu hợp pháp. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh việc các đồng minh NATO trang bị vũ khí và huấn luyện cho người Ukraine tương đương với việc can dự trực tiếp vào cuộc xung đột.