Hương bồ kết quê nhà!

Ngọc Diệp Thứ hai, ngày 07/09/2015 19:03 PM (GMT+7)
Mùi hương thơm nồng, ngai ngái của bồ kết gợi lên trong tôi miền ký ức về làng quê, về mẹ và tuổi thơ tôi… Tôi ngẩn ngơ tranh thủ hít hà, như sợ cái mùi của ký ức ấy tan biến đi nhanh chóng.
Bình luận 0

Sáng thức giấc, tôi bất ngờ tìm được mùi hương bồ kết thân quen. Trong thế giới các loại dầu gội đủ hương thơm và màu mè giữa thành phố xa hoa, chị tôi lại tìm về với trái bồ kết nguyên sơ để gội đầu.Chị cẩn thận nướng từng quả bồ kết rồi cạo sạch muội đen, bẻ nhỏ, cho vào nồi nước đun sôi. Không nướng bằng bếp than như mẹ tôi vẫn làm. Và cũng không có lá bưởi, lá hương nhu, không gội đầu bên giếng… Nhưng hương bồ kết vẫn vậy, không đổi thay.

Tôi sinh ra tại một làng quê nghèo chiêm trũng, nơi ấy nhà cửa san sát, con người chan hòa yêu thương nhau dù quanh năm làm lụng vất vả. Nhưng rồi, vì mưu sinh, cha mẹ đưa chị em tôi lên thị thành sinh sống. Những tưởng thời gian rồi cũng sẽ nhạt nhòa, bao kỷ niệm cũng trôi vào quên lãng. Vậy mà, lúc này đây, ở giữa phố phường, tôi lại nghe tim mình nhớ nhung về chốn quê xưa đến lạ thường.

img

Quả bồ kết (Ảnh: Ngọc Diệp)

Ngày ấy, nhà tôi trồng một cây bồ kết ở góc vườn. Mỗi năm tới mùa, chị em tôi chờ những quả bồ kết già rụng xuống rồi mang rổ ra nhặt cho mẹ đem phơi. Tuần hai lần, mẹ nướng bồ kết trên than để đun nước gội đầu cho con gái. Mùi tinh dầu bồ kết rất thơm. Mẹ bảo những người đang bị ngạt mũi, sổ mũi hít lấy hương này sẽ thông ngay lập tức. Khi bồ kết trở vàng, thơm ngào ngạt là được. Mẹ thường nấu bồ kết chung với sả, hoa bưởi, hương nhu tạo nên hương thơm quyến rũ đến kỳ lạ.

Gội đầu bồ kết, thích thú nhất được mẹ đổ chầm chậm cái thứ nước nong nóng màu cánh gián, sánh sánh có mùi thơm đặc trưng ngạt ngào đến khó tả của bồ kết, hương nhu, vỏ bưởi khô, lá sả… hòa quyện. Cảm giác yên bình, nhẹ nhõm khi dòng nước chảy tràn lên mái tóc rồi thấm xuống da đầu. Mùi thơm vương vương mãi trên mái tóc. Nhưng thích thú hơn cả là vừa gội mẹ vừa kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Tôi nghiện bồ kết từ những lần như thế. Ngày ấy, chẳng có dầu gội gì cao sang nhưng tóc các bà, các mẹ cứ đẹp và óng ả mãi. Những chiều hè lộng gió, bên bờ ao, lại thấy thấp thoáng bóng dáng của những người phụ nữ gội đầu bằng thứ nước hơi khắt, hơi cay mà lắng hương vị quê nhà, của ruộng đồng bờ bãi. Có lẽ, những tinh chất chắt ra từ trái bồ kết cũng đủ làm nên sự duyên dáng, dịu dàng của người con gái nơi thôn dã.

Mẹ bảo hàm răng, mái tóc là góc con người nên con gái cần phải biết chăm chút cho mái tóc của mình. Tôi nhớ những lần mẹ gội đầu. Suối tóc đen tuyền phủ kín bờ vai chảy dài tới tận thắt lưng. Mỗi lần gội xong, mẹ phải ngồi trên chiếc ghế đẩu cao hong tóc ngoài hiên nhà. Những lúc ấy, chị em tôi lại xà vào lòng mẹ để hít hà mùi hương đồng nội mà thanh khiết ấy.

Bồ kết không những chỉ làm đẹp, mà còn làm thuốc và chứa đựng những giá trị tâm linh khác. Những lần sau khi đi phúng viếng, ma chay về, mẹ tôi thường đốt một nắm bồ kết hơ tay, hơ người để xua đi cái lạnh của âm khí, để giải độc bởi khói bồ kết mang hương thơm ấm. Đấy là điều bà nội dạy mẹ khi mới về làm dâu. Khi ấy, nhìn những vồng khói trắng cuộn tròn, sóng sánh bay lên thơm ngát cả một khoảng không gian, trong lòng tôi có một cảm xúc bồi hồi khó tả…

Đã lâu lắm rồi, nơi phố thị bộn bề, tôi không còn tìm thấy hương bồ kết nữa. Mỗi lần về quê, tôi cũng không được bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ gội đầu bên giếng nước với chậu bồ kết ngày xưa nữa. Cảm giác man mác bao trùm và hình như đang mất đi một cái gì thuộc về ký ức, chút mong manh dịu dàng, chút tinh khiết mơ màng, một cái gì dung dị mà thuần phác, mộc mạc hồn nhiên của tình quê mà không thể thay thế bằng một thứ hương liệu đắt tiền nào khác…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem