Trên khắp quê hương Việt Nam với rất nhiều dân tộc sống chung nhau, “Mẹ” là tiếng chung nhưng âm ngữ địa phương thì khác. Thầy và U hay Bu là cách gọi bố mẹ ở đồng bằng Bắc bộ. Bầm, Bủ là cách gọi mẹ ở một số tỉnh miền núi, hoặc Thanh Nghệ Tĩnh. Dân tộc Tày gọi là Mé và Ké, có thể gọi là ông Ké, bà Ké. Mé là mẹ, Ké là người già. Khi có con cái, thì người ta gọi bố mẹ là ông bà, xưng con, có mặt con mình, thì gọi ông bà xưng cháu. Cha và Mẹ là cách dùng thông thường của nhà có học (nhà Nho xưa), cũng có thể dùng phổ biến. Ở miền Trung, gọi là Bõ, là Bố. Bố có nghĩa là to. Bố mẹ, tiếng cổ là Bố Cái, Cái là mẹ (ông Phùng Hưng mang danh là Bố Cái đại vương), thời hiện đại (tân thời) Pháp thuộc gọi là Ba Me, Ba Mợ. Hay có một danh sách liệt kê tiếng mẹ các vùng miền như sau: Bu (Thái Bình), Bầm (Bắc Ninh), U (Hà Nam), Mạ (Huế), Má (Nam bộ), Đẻ, Cái.
Mẹ, ở Việt Nam, có rất nhiều cách gọi, nhưng trong sâu thẳm nỗi lòng mỗi người con Việt, nhất là của kẻ xa xứ khi nhớ về đất nước, mẹ không chỉ là người, là nơi chốn đã sinh ra mình, mà còn mang cả nỗi đau thương mang trọn kiếp người mà mình không thể chối từ.
Mùi hương Đất Mẹ mà ai cũng đang mang là chủ đề cho Hương vị quê nhà Xuân Bính Thân 2016 của báo Thế Giới Tiếp Thị, sẽ khiến cho bạn đọc không thể quên, bởi nỗi nhớ về mẹ của một đời người, là miên viễn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.