Hương Xuân xanh thẳm

Thứ bảy, ngày 08/02/2014 11:33 AM (GMT+7)
Uống nước chung dòng, đò qua đò lại mà tiếng nói vẫn không hòa chung, cưới hỏi ma chay đôi khi cũng khác. Đó cũng chính là cái mà, không yêu thì kêu là bảo thủ, thương mến thì gọi vững bền, trong tâm tưởng từng ngôi làng Việt.
Bình luận 0
Mùa Xuân đã về bên kia sông. Bờ đê xanh mướt cỏ rạo rực dưới mưa xuân, hàng đàn trâu bò thơ thẩn cúi ăn mưa trong thỏa thuê lẳng lặng. Từng chuyến đò đầy hơn, nặng trĩu những bận rộn sắm sanh ngày tết.

Ngày nay, những chiếc cầu đã san sát nối đôi bờ, nhưng vài kẻ thẩn thẩn thơ thơ vẫn muốn đi về bằng những chuyến đò thương nhớ. Người trai trung niên dáng phong trần dáng vẻ mong chờ phút giây úp mặt vào sông quê tìm về miền ký ức, cúi mình khỏa tay vớt nước trên sông hiền nghe ngậm ngùi rơi từng giọt trắng trên mái đầu sương gió.

Giọt nước này phải chăng là giọt nước ba mươi mấy năm xưa đã nằm long lanh trên lòng tay người bạn gái - người yêu đầu đời, khi chàng chở nàng qua sông, chỉ cho nàng ông Thần Nông rực sáng trên bầu trời, nàng nghiêng đầu khỏa nước, xa xa từng đàn cá bơi lội tung tăng lấp lánh ánh trắng rạo rực nao nức trong đêm xuân thanh tân. Tuổi trẻ là miền xanh xuân mà nơi cái gì cũng thành để nhớ thương tiếc nuối.

  Kiến trúc đặc sắc của làng cổ Cựu
Kiến trúc đặc sắc của làng cổ Cựu

Mùa Xuân đã về bên này sông. Làng bên kia xóm bên này, cách một dòng nước lững lờ mà ngàn đời vẫn khác. Uống nước chung dòng, đò qua đò lại mà tiếng nói vẫn không hòa chung, cưới hỏi ma chay đôi khi cũng khác. Đó cũng chính là cái mà, không yêu thì kêu là bảo thủ, thương mến thì gọi vững bền, trong tâm tưởng từng ngôi làng Việt.

Mùa Xuân đã về trên cánh đồng. Giữa triền lúa xanh non, dòng người nhấp nhô đi lễ chùa bên những mô cỏ xanh cứ nhiều thêm bình thản, ồ vòng đời như nước trôi qua kẽ tay không trở lại. Nổi bật trên nền xanh bình yên ấy là lá cờ ngũ sắc phấp phới bên nếp mái chùa nâu trầm khiêm nhường.

Nhiều nhà kiến trúc nhận xét rằng, làng Việt, cũng như kiến trúc Việt nói chung, thiếu cái gọi là “điểm nhấn”, ngôn ngữ chuyên ngành gọi với nhau là “landmark”. Mọi như cứ êm êm, cứ bình bình, không vọt lên trời những giáo đường hoành tráng, những pháo canh sừng sững, những mái vòm ngạo nghễ mà dàn trải chiều ngang, lắng vào chiều sâu, thấm vào từng chiều kích tâm hồn.

Những nếp nhà rơm rạ mát hiền lẩn mình dưới bóng cây vườn, bên những đường ngang ngõ tắt hình xương cá, tinh tế phức tạp đan xen như thói lề ứng xử của đồng đất quê mình.

Và cổng làng, nơi mọi đường mọi ngõ đều dẫn về, một landmark không đồ sộ cao to, chỉ nép mình bên gốc đa sừng sững, mà muôn vàn ý nghĩa, một nhà ga nơi đi xa và chốn trở về, có mòn mỏi đợi chờ, có lệ đắng chia ly, nỗi mừng tủi khi quy cố hương, có nước mắt nàng nhạt nhòa trong chiều muộn tiễn người thương lên đường ra biên ải, có dáng mẹ gầy liêu xiêu thân cò lặn lội một đời tần tảo nuôi con, chờ chồng đằng đẵng suốt mấy cuộc khói lửa binh đao.

Mùa Xuân đã về rón rén trong vườn. Ôi mảnh vườn xưa mỗi ngày mỗi xanh mà tóc mẹ già mỗi ngày mỗi bạc (Tế Hanh). Xuân về Tết đến, qua một mùa vất vả, mẹ thong thả mở rương mang áo dài thơm mùi trầm ra bận, chuỗi hạt xanh đeo cổ, nụ ngọc hay hột vàng ta nhỏ trịnh trọng nơi tai, miệng đỏ thắm quết trầu, ríu rít rủ các bà làng trên ngõ dưới đi lễ chùa, gương mặt đắm chìm trong niềm thành kính thơ ngây.

Còn mẹ là con còn thấy mùa Xuân. Bóng mẹ qua vườn, vườn nhà mình chuối sau cau trước, ao nhỏ hiền hòa bèo xuân phủ thắm xanh, hòn non bộ mướt rêu, bể nước mưa mát lạnh bên chái nhà. Gốc mít cuối vườn, và cây đào phai nghiêng nghiêng bên bức bình phong đầu ngõ.

Mùa Xuân đã về bên hiên nhà. Từng dòng mưa Xuân rơi xiên như bạc, nhưng tấm dại trước hiên che nắng mưa vẫn được dựng lên để hơi xuân tràn vào ba gian hai chái. Đèn nến sáng trưng ở gian thờ, mùi hương trầm thơm ngát cả đêm trừ tịch. Bóng cha mặc áo dài nghiêng mình khấn vái thầm thì nghiêm trang trước tổ tiên đổ bóng dài trên vách gỗ.

Tổ tiên vẫn ở bên chúng con, lẩn quất trong nếp nhà này xuyên suốt qua bầu không gian và miền thời gian thăm thẳm. Và con từ nơi xa mỗi năm một lần trở về quê ăn tết, nằm ngủ chập chờn trong bầu không khí này mà sao thấy lòng yên ổn quá đỗi. Ôi những xóm làng những cô thôn đìu hiu hiền lành bên những con sông khắp dọc đồng đất nước mình mà dấu chân con đã đi qua, dù giống dù khác, nơi nào cũng làm con nhớ về ngôi nhà xứ Bắc của cha của mẹ.

Làng phương Nam đơn sơ phóng khoáng, dăm cây que làm cột làm kèo, lá dừa nước vừa lợp mái vừa thưng vách, con ngồi trước hiên nhà nghe tiếng vọng cổ văng vẳng xa xa nhìn con nước ròng đưa bèo lục bình trôi vô định trước nhà mà lòng mênh mang một nỗi giang hồ vặt. Làng miền Trung cát trắng, bão lắm mưa nhiều, mái nhà thấp, mái lợp dày, chân cột kê đá tảng, mộng mẹo chắc chắn như được đúc, trầm tĩnh sâu xa như con người bản địa.

Và nhà vườn mộng mơ xứ Huế, nơi cả đô thành là một ngôi làng, mỗi nếp nhà được bao bọc bởi một khu vườn xanh tươi bên hàng rào chè mạn tơ hồng xoắn xuýt. Thành thị Việt Nam, thực chất cũng là sự nối dài của làng quê, với cả những ký ức êm đềm phong kín trong tâm tưởng mỗi người về một miền quê như mưa như tơ vương vấn quấn quýt.

Mùa Xuân đã quay trở lại. Nắng gió khí trời từ trên cao tràn trề đổ xuống, xóm làng sông bãi bến bờ triền đê chìm ngập trong một thứ ánh sáng trong trẻo đầy ơn phước. Và ngàn lau vàng màu khép nép/Bãi sông bay một con bướm đẹp (Phạm Thiên Thư). Từng lứa đôi lại cùng nhau đi lễ mùa xuân giữa vườn nắng tung bay. Dù sau mây có qua cầu, vẫn còn đâu đây tiếng chuông chùa làng, xa xăm vẳng lại trên cánh đồng giữa thinh không cao xanh vời vợi.
KTS Lê Thượng Nhã (KTS Lê Thượng Nhã)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem