Huyện Bảo Lâm (Cao Bằng): Dân không còn phải ăn mèn mén

Thứ ba, ngày 03/06/2014 09:36 AM (GMT+7)
Nhờ chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng lúa nước, nhiều hộ dân tộc thiểu số ở huyện Bảo Lâm đã không còn phải ăn mèn mén quanh năm.
Bình luận 0
Người dân không chỉ hướng tới thoát nghèo mà còn mong muốn làm giàu.

Từ chuyển đổi cây trồng để thoát nghèo

Trời đã về chiều, nhưng Phó Chủ tịch UBND xã Thái Học - ông Nông Văn Chủ vẫn quả quyết: “Đi thăm ruộng khai hoang thôi, vẫn chưa muộn. Bà con bây giờ quý trọng thời gian lắm. Có lẽ giờ này họ vẫn còn miệt mài san các mảnh ruộng bậc thang để chờ nước về vỡ hoang”.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu khai hoang, Trưởng bản Vằng Vạt Tẩn Văn Tá cho biết: “Trước kia những khu đồi này chỉ trồng được ngô một vụ, không được chăm sóc nhiều cộng với chuột bọ cắn phá, thu hoạch chẳng được bao. Khi có chủ trương khai hoang, chuyển đổi sang trồng lúa nước, chúng tôi đến từng hộ để vận động, tuyên truyền bà con. Thấy một vài hộ chuyển từ trồng ngô sang trồng lúa nước cho kết quả cao, các hộ khác cũng làm theo”.

Nhờ chuyển đổi sang trồng lúa, gia đình anh Tẩn Phù Chiêu  đã có gạo ăn cả năm.

Nhờ chuyển đổi sang trồng lúa, gia đình anh Tẩn Phù Chiêu đã có gạo ăn cả năm.

Năm 2013, gia đình anh Tẩn Phù Chiêu (dân tộc Mông) là hộ có diện tích chuyển đổi nhiều nhất của xã, với gần 1ha. Anh kể: “Trước đây, cả gia đình mình gồm 7 miệng ăn quanh năm chỉ biết mèn mén, không biết đến cơm bao giờ.

Khi cán bộ xã xuống tuyên truyền về chủ trương hỗ trợ chuyển đổi của Nhà nước, mình đã vay mượn anh em họ hàng để thuê máy xúc, san phẳng đất triền núi, be bờ làm ruộng bậc thang. Vụ mùa đầu tiên, gia đình thu được gần 3 tấn. Số gạo này đủ cho cả nhà ăn một năm”. Trưởng bản Tẩn Văn Tá cho biết thêm: Sau khi chuyển đổi thành công, xã tổ chức đo đạc và cấp tiền hỗ trợ theo quy định của Nhà nước là 10 triệu đồng/ha.

Đến thay đổi nhận thức

Năm 2013 huyện Bảo Lâm đã khai hoang vùng rừng, đồi thành ruộng lúa nước, chuyển đổi mô hình sản xuất, cơ cấu cây trồng với diện tích là 2.055ha đất trồng lúa 1 vụ và 359ha lúa 2 vụ, góp phần cải thiện đời sống cho bà con DTTS nghèo.

Chủ trương chuyển đổi những cây trồng năng suất thấp sang những nhưng cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn đã được huyện Bảo Lâm thực hiện sát sao. Ông Nông Văn Thành - Chủ tịch xã Lý Bôn cho biết: Để bà con thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã là một việc khó. Cái khó là cả xã có 18 xóm thì 15 xóm chưa có điện, bà con vẫn phải sống trong cảnh không phương tiện nghe nhìn, gây khó khăn trong việc vận động, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Nhà nước.

Để bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, cán bộ khuyến nông đã phải đến từng hộ vận động chuyển đổi mô hình sản xuất. Ban đầu, người dân còn chưa tin tưởng vào cách làm mới này. Nhưng sau thời gian kiên trì vận động và thực hiện phương châm “cầm tay, chỉ việc”, cán bộ xã đi đầu làm gương và thấy một số hộ chuyển đổi cây trồng hiệu quả, bà con đã tin tưởng làm theo. Nhờ đó, năm 2013, Lý Bôn đã khai hoang, chuyển đổi được 30ha diện tích đất trồng ngô sang trồng lúa, vượt chỉ tiêu huyện giao 5ha.

Ông Ban Thanh Tùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm cho hay: “Cái được của chủ trương chuyển đổi trồng ngô sang trồng lúa là đã thay đổi tư duy, giúp họ mạnh dạn áp dụng cái mới. Từ hiệu quả thực tế, bà con có ý chí, nghị lực, chăm chỉ làm ăn, vươn lên thoát nghèo”.
Lê San (Lê San)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem