Huyền bí giếng "thần" trường tồn qua 6 thế kỷ

Thứ tư, ngày 10/10/2012 12:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Định lấp giếng cổ để làm giếng mới to hơn, nhưng lạ kỳ thay, cứ mỗi lần lấp giếng là giếng mới đào lên lại không có nước. Ba lần đào lên lấp xuống như thế, gia đình bà phải khơi lại giếng cổ để lấy nước sinh hoạt.
Bình luận 0

Từ xưa đến nay, giếng cổ ở xã Bá Hiến (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) chưa bao giờ biết cạn nước. Các cụ cao niên trong làng kể lại, những năm hạn hán trước đây, có nhà dân giếng nước sâu tới 13m mà vẫn không có lấy một giọt nước để dùng. Trong khi đó, những chiếc giếng vuông này nước đầy ăm ắp. Ở Bá Hiến bây giờ, giếng đào nhiều nhưng hằng năm, vào mùa hạn thì giếng đào cạn, đục, không thể dùng được.

img
Ông Bồng thoát chết trong cái giếng này khi lên 4 tuổi

Người dân trong làng lại phải ra giếng cổ múc nước về ăn. Gia đình bà Dương Thị Hồng ở thôn Vinh Quang là một ví dụ. Trong nhà bà có một giếng đá cổ, khi có ý định làm nhà mới, vợ chồng quyết định lấp giếng cổ để tăng diện tích và làm giếng mới to hơn, hiện đại hơn. Lạ kỳ thay, cứ mỗi lần lấp giếng là giếng mới đào lên lại không có nước. Ba lần đào lên lấp xuống như thế, gia đình bà phải khơi lại giếng cổ để lấy nước sinh hoạt.

Đấy chỉ là một trong những chuyện lạ kỳ xung quanh những chiếc giếng cổ ở Bá Hiến. Ngồi với ông Nguyễn Viết Bồng nửa buổi chiều, chúng tôi đã được ông Bồng kể cho nghe cơ man nào những điều tưởng như khó tin nhưng có thật ở giếng cổ làng ông.

Ông Bồng kể: “Năm 1951, khi đó tôi mới 4 tuổi, thừa lúc bố mẹ đi làm đồng nên một mình ra giếng cổ câu cá. Do sơ ý, tôi trượt chân, ngã tủm xuống giếng và ngâm mình dưới đó suốt 2 tiếng đồng hồ. Không hiểu sao khi ngã xuống, đầu tôi lại gối lên một phiến đá như một chiếc gối đầu và không chìm. Sau đó, có người phụ nữ đi qua nhìn thấy nên cứu tôi thoát chết”.

Sau đó, gia đình ông Bồng đã dựng miếu thờ ngay tại giếng này. Vài năm trước, em trai ông Bồng phá bỏ miếu để lấy đất làm việc khác nhưng chỉ hai, ba hôm sau ông gặp mộng liên tục. Có hôm, ông đang ngủ, cứ thấy có người gọi tên í ới ngoài cổng.

Khi ông ra cổng thì chỉ thấy màn đêm tối lặng thinh kèm tiếng gió sàn sạt qua lũy tre làng. Có đêm ông Bồng tỉnh giấc, nóng quá ra sân đứng hóng mát thì thấy bóng người con gái tóc dài, mặc áo trắng tinh đứng ngay cạnh giếng. Tin rằng còn tồn tại một thế giới tâm linh, ông Bồng và gia đình xây dựng lại ngôi miếu thờ ngay trước cửa nhà để cầu may mắn.

Không chỉ có ông Bồng, những câu chuyện mang tính chất huyền ảo, không có thật dưới góc nhìn khoa học còn được nhiều người dân ở Bá Hiến khăng khăng khẳng định là mắt thấy tai nghe. Ông Nguyễn Văn Thúy ở thôn Bá Hương cho biết: “Nói thì bảo là duy tâm nhưng cách đây khoảng 20 năm, tôi phát hiện ở khu vực giếng có một đốm sáng loang loáng từ đáy giếng phát lên.

Khi tôi cùng mọi người ra tận nơi thì vệt sáng đó tắt lịm không còn một dấu tích. Tôi có kể câu chuyện này với các cụ thì mọi người cho rằng đó chỉ là ảo giác. Vậy mà gần đây, trong làng lại rộ lên tin đồn, rất nhiều người nhìn thấy bóng một người phụ nữ mặc quần áo trắng đi từ giếng ra. Nhiều người còn khẳng định, đã tận mắt thấy người phụ nữ lạ kỳ đó”.

img
 

Một người hàng xóm tên Hương có mặt ở nhà ông Thúy cũng góp thêm câu chuyện: “Có dạo, chị em chúng tôi đi làm đồng vào tảng sáng, thấy thấp thoáng bóng người mặc quần áo trắng, xõa tóc đi từ giếng ra bờ ao. Mấy cô, mấy chị đi cùng đều rợn tóc gáy khi chứng kiến sự việc đó. Sau lần ấy, chẳng ai còn dám đi qua khu vực giếng nếu trời chưa sáng bảnh”.

Bà Dương Thị Hồng, thôn Thích Trung, cho biết: “Trước kia, có mấy ông khách ở Hà Nội lên gạ mua phiến đá ở tang giếng nhưng dân chúng tôi không nghe. Những chiếc giếng này đã quá quen thuộc với chúng tôi từ thuở lọt lòng. Nước giếng từ bao đời nay đã hòa với máu người dân chảy trong huyết mạch. Chẳng ai lại mang di sản của cha ông đem bán để rồi mắc tội với hậu thế mai sau”.

Tìm hiểu thêm từ những cụ cao niên, chúng tôi được biết, trước kia, khu vực này là một vùng đất hoang, cây cối rậm rạp, việc đi lại rất khó khăn. Dần dần, dân cư mở rộng, các khu giếng đều nằm trong đất ở và sinh hoạt của các hộ dân trong làng.

Có câu chuyện lạ là khi những người dân san lấp đất để lấy mặt bằng thì những khu vực giếng vuông cổ đều không thể lấp được. Có gia đình thuê người đổ đất lấp giếng thì ngay ngày hôm sau, khu vực giếng lại sụt lún, tạo thành hố sâu hun hút. Sau đó, họ phải khơi lại giếng và nước giếng lại đầy và trong vắt sau ít giờ khơi thông.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh đó, rất nhiều những nhà sưu tầm cổ vật hay nghiên cứu văn hóa đã tìm về Bá Hiến để xin mua lại những phiến đá ở tang giếng cổ, thế nhưng chẳng ai dám bán đi những báu vật thiêng liêng của làng.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem