Người ta kể rằng, thuở xưa vùng đất này có những ông thầy đìa có khả năng đặc biệt như một nhà ngoại cảm. Họ chỉ cần thò chân xuống nước, hoặc áp tai lên miệng đìa (còn gọi là ao) là có thể biết được dưới đìa có bao nhiêu cá hay việc nhìn trời, nhìn đất, nghe gió thổi để đoán luồng cá đi...
Thu hoạch cá dưới đìa
Ngày nay, vùng đất U Minh không còn nhiều cá mú như xưa, nhưng vẫn còn đó những ông thầy đìa với những biệt tài mà nghe qua cứ ngỡ như chỉ có trong chuyện cổ tích. Ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau thầy đìa Năm Điệt (Nguyễn Văn Điệt) được người dân trong vùng kính nể. Người dân bản xứ cho biết, ông Năm Điệt được một cao nhân truyền cho câu thần chú để gọi cá nên nhiều năm qua cá đồng ở đất U Minh này cứ lần lượt kéo từng bầy về đìa của ông.
Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, Năm Điệt nói, vùng đất này ngày xưa cá đồng tự nhiên nhiều vô kể, hồi đó người ta chỉ cần đào đìa, đợi nắng hạn là cá từ ngoài đồng lại ùn ùn kéo về đầy ắp. Chúng tôi hỏi về chuyện ông được mệnh danh là thầy đìa và câu thần chú gọi cá. Năm Điệt cười khì, “phép màu hay thần chú gì đâu, đó chẳng qua là những lời đồn thổi của người dân mà thôi. Kinh nghiệm mới là cái chính để làm nên thành công”.
Ông bạn già của Năm Điệt là ông Ba Hảo tiếp lời, không biết ông Năm Điệt có giỏi hay không nhưng bao năm qua cá trong đìa của ổng năm nào thu hoạch cũng vài tấn trở lên không hà. Ông Ba Hảo cho chúng tôi biết, như thường lệ, mỗi đêm trước khi đào đìa, Năm Điệt lập bàn hương án bên bờ sông để khấn vái âm binh thủy thần xong, ông lặn một hơi thật sâu xuống nước như để nghe ngóng gì đó. Rồi ông đi thẳng ra sau vườn, bẻ một nhánh cây cắm xuống làm dấu, để sáng hôm sau sẽ đào một cái đìa tại vị trí đã chọn.
Thầy đìa Mười Thăng nướng cá khi chụp đìa
Ngày nay, nguồn cá tự nhiên không còn dồi dào như xưa, nên người dân U Minh phải thả cá giống nuôi. Vậy nhưng đìa của thầy đìa Năm Điệt thì lúc nào cũng thu hoạch nhiều cá hơn những cái đìa xung quanh gấp bội. Dẫn chúng tôi ra cái đìa vừa đào cách đây gần một năm, Năm Điệt hé lộ ngón nghề chọn vị trí đào ao nuôi cá, ông nói: “Tui luôn tin đất đai có thổ địa, sông ngòi có thủy thần, nên lập bàn cúng mấy ổng trước khi đào đìa để hy vọng được phù hộ, làm ăn thuận lợi mà thôi!”.
Kinh nghiệm mấy chục năm của Năm Điệt từ nghề đào đìa bắt cá đồng ở miệt thứ này cũng dần được hé lộ qua từng câu chuyện ông nói với chúng tôi. Theo Năm Điệt khi đào đìa công việc đầu tiên là phải chọn thế đìa tránh tiếp xúc suốt ngày với ánh nắng mặt trời và phải tránh cả hướng gió bấc thổi dọc đìa để cá được mau lớn. Ngoài ra còn phải chọn mảnh đất gò cao để tránh hứng phèn đọng, nếu không cá sẽ bị nổ mắt chết hoặc còi cọc.
Điều thú vị là trong gia đình Năm Điệt không chỉ có mình ông là có cái biệt tài trời phú này mà hầu như 8 anh em của ông đều là những bậc thầy trong nghề. Riêng em trai của ông là ông Sáu Tặng được xem là lợi hại nhất.
Sáu Tặng không cần lại gần đìa hay áp tai xuống mé đìa như Năm Điệt mà ông chỉ việc đứng ngó từ xa cũng biết đìa ít hay nhiều cá. Sáu Tặng khẳng định, thời nay các ngón nghề của thầy đìa chủ yếu là rình nghe tiếng ngớp, ục, chép, táp mồi, quẫy đuôi hay tiếng cá thở. Có lúc, họ phải thọc tay xuống mé đìa tìm dấu cá xắn miệng hoặc cọ mình vào mé đìa. Chắc ăn hơn nữa, có người còn phải lặn xuống để xem có đụng nhiều cá hay không. Sau khi phỏng đoán được trong ao có bao nhiêu cá, thầy đìa sẽ đi đến quyết định có nên chấp nhận với giá ban đầu chủ đìa thách thức hay không, rồi mua lại đìa, khai thác cá kiếm lời. Với kinh nghiệm mấy mươi năm trong nghề của mình, Năm Điệt và Sáu Tặng chia sẻ, đối với một thầy đìa thì việc đoán cá, dứt khoát không được sai sót, vì như thế có thể sẽ ôm nợ.
Theo Năm Điệt khi đào đìa công việc đầu tiên là phải chọn thế đìa tránh tiếp xúc suốt ngày với ánh nắng mặt trời và phải tránh cả hướng gió bấc thổi dọc đìa để cá được mau lớn.
Ngoài anh em Năm Điệt vùng này còn có cái tên của Mười Thăng được giới thầy đìa ở miệt rừng U Minh hạ nâng lên tầm “thầy kinh” bởi tài coi cá trong kinh chẳng ai sánh bằng. Mười Thăng kể, “lần trúng thầu đoạn kinh mương cá đồng dài khoảng 5km của Nông trường 402. Hôm đấu giá, có rất đông thầy đìa đến, có người dùng “độc chiêu” áp tai xuống miệng kinh nín thở nghe ngóng, có người sờ tay vào mép đìa… nhưng chẳng ai đưa ra được quyết định cuối cùng. Bằng kinh nghiệm của mình tui quyết định mua với giá 150 triệu đồng. Thế là chỉ vài giờ sau, hàng tấn cá lần lượt được kéo lên. Đủ loại cá đồng, nào là cá rô, cá lóc, cá bổi… có con bự bằng bàn tay, bằng bắp chân, lần đó gia đình tui thu lãi đậm”.
Nói chuyện về nguồn cá đồng ở thời điểm hiện tại, các tay thầy đìa một thời lừng danh ở U Minh tiếc nuối về cái thời “vàng son” của cá đồng U Minh. Thầy đìa Mười Thăng nói, bởi ngày nay nguồn cá đồng ở U Minh cạn kiệt dần do những cách đánh bắt tận diệt như xiệc điện, kéo lưới bắt cá non, hay hóa chất từ phân bón nông nghiệp, thuốc trừ sâu và tình trạng xâm nhập mặn đã làm cho cá đồng tự nhiên mất dần môi trường sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.