Huyện Phú Thiện (Gia Lai): Một tầm nhìn từ khởi động

Thứ tư, ngày 28/03/2012 07:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 30.3.2007, tỉnh Gia Lai có thêm một huyện mới: Huyện Phú Thiện (gồm 9 xã và 1 thị trấn). Chỉ với khoảng thời gian vừa tròn 5 năm, vùng đất được mệnh danh là “Vựa lúa cao nguyên” đã nhanh chóng chuyển mình, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế khu vực Đông - Nam tỉnh Gia Lai...
Bình luận 0

Trước ngày thành lập huyện, Phú Thiện đã mang dáng dấp một thị tứ. Công trình Thủy lợi A Yun Hạ đã biến vùng đất hoang vu trở thành vựa lúa lớn nhất Gia Lai và khu vực. Sự đổi thay từng ngày của Phú Thiện đã dự báo cho tương lai một huyện mới như một sự tất yếu. Cơ thể đang độ lớn phải cần chiếc áo mới…

img
Mùa vàng trên cánh đồng Phú Thiện.

Nhưng một huyện mới thành lập – điều đó cũng có nghĩa là phải cần đến một trung tâm hành chính mới, một nền tảng hạ tầng mới với những thiết chế văn hóa mới… Tụ điểm dân cư cũ phải quy hoạch lại cho xứng tầm một trung tâm chính trị - kinh tế. Sự đầu tư của Nhà nước có hạn, nguồn lực tại chỗ ít ỏi…

Nhưng khó khăn không chỉ về nguồn lực tài chính, bộ máy hành chính phải kiện toàn, mà còn bề bộn của bao công trình kiến thiết với những mớ dây nhằng nhịt, phức tạp của đền bù, giải phóng mặt bằng; rồi trận lũ lịch sử năm 2009, rồi kinh tế thế giới khủng hoảng, giá vật tư sản xuất liên tục leo thang…

Song song với nhiệm vụ kiến thiết phải tạo một bước chuyển cơ bản về phát triển kinh tế - văn hóa xã hội – nhất là vấn đề an ninh chính trị đang tiềm ẩn những vấn đề phức tạp. Tất cả những nhiệm vụ nặng nề đó đòi hỏi Đảng bộ, các cấp chính quyền huyện phải có những nỗ lực vượt bậc để tạo sự tin tưởng, sự đồng thuận mới trong các tầng lớp nhân dân.

5 năm – dù chỉ mới là khoảnh khắc thời gian trong lịch sử của một miền đất nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy bén của Đảng bộ huyện, sự năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Phú Thiện đã đoàn kết một lòng, chung sức đưa huyện nhà từng bước vượt qua khó khăn thử thách, giành được những thành tích có thể nói là toàn diện trên hầu khắp các lĩnh vực.

5 năm qua, huyện luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế 13%. Nói đến Phú Thiện là nói đến thế mạnh của cây lúa nước và đây cũng là một trong những thành tựu nổi trội của huyện trong những năm qua…

Với hơn 6.000ha lúa nước hai vụ, sản lượng lúa của huyện đã vượt trên 70.000 tấn/năm. Trong đó năng suất lúa vụ đông – xuân đã đạt tới 10 – 11 tấn/ha. Điều đáng nói là không chỉ người Kinh, đồng bào dân tộc tại chỗ cũng đã vươn lên làm chủ kỹ thuật thâm canh lúa nước. Với tổng sản lượng quy thóc đạt gần 90.000 tấn, Phú Thiện đã thực sự khẳng định vị trí là vựa lương thực lớn của tỉnh và khu vực.

Để nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn, những năm qua, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh thế mạnh cây lúa nước, Phú Thiện đã trở thành vùng nguyên liệu mía lớn của tỉnh với diện tích 3.000ha. Vùng chuyên canh một số cây trồng có giá trị kinh tế như điều, thuốc lá cũng từng bước hình thành… Nuôi trồng thủy sản là một lợi thế khác của huyện cũng đang được tích cực khai thác với các mô hình nuôi ba ba, cá rô phi đơn tính mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu…

Để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn trước mắt và hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, trong phương hướng phát triển những năm qua, huyện luôn quan tâm đến phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản bằng việc khuyến khích các nguồn lực tại chỗ, kêu gọi đầu tư. Tính đến cuối năm 2011, giá trị sản xuất mà ngành này mang lại đã đạt trên 65 tỷ đồng…

Sự phát triển đồng đều, khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế của huyện những năm qua đã góp phần thúc đẩy một sự chuyển biến khá rõ trên các lĩnh vực văn hóa – giáo dục, an sinh xã hội. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn ngày càng được mở rộng và kiên cố hóa; 100% xã, thôn đều có điện lưới quốc gia. Phổ cập THCS đã đạt 10/10 xã, thị trấn. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi ra lớp đạt 98%. Tỷ lệ “Làng văn hóa” đạt trên 28% với hơn 60% số hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”.

An ninh nông thôn, trật tự xã hội được giữ vững. Thị trấn Phú Thiện – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện từ một cụm dân cư bề bộn đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại với việc hoàn chỉnh cơ bản trung tâm hành chính, các trục đường giao thông lớn. Hệ thống ngân hàng, bưu chính viễn thông, dịch vụ vui chơi giải trí đã hình thành và đang trên đà phát triển, đồng nhịp với sức lớn của một đô thị trẻ…

*

* *

Được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện ngay lúc mới thành lập, ngần ấy năm sát cánh cùng đồng cam cộng khổ với đội ngũ cán bộ lãnh đạo huyện, ông Nguyễn Văn Phụng đã có một cái nhìn toàn diện, thấu suốt những gì đã làm được và phải làm được trong chặng đường tiếp theo.

Theo ông, Phú Thiện là vùng đất giữ lợi thế về mặt địa lý, tiềm năng sản xuất nông nghiệp, cung ứng sản phẩm nông nghiệp dồi dào nhưng huyện chưa khai thác được hết. Sản xuất lúa hiện nay dù chiếm hơn 60% cơ cấu giá trị của ngành trồng trọt và được xác định là cây trồng mũi nhọn, nhưng giá trị thương mại của hạt gạo Phú Thiện chưa cao. Ngay trong địa bàn tỉnh, gạo Phú Thiện mới có mặt rất ít trong bữa cơm của mỗi gia đình. Đã đến lúc cần phải nâng cao vị trí của hạt gạo, tiến tới hình thành thương hiệu “Gạo Phú Thiện” để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa…

Về tài nguyên khoáng sản, Phú Thiện tuy không giàu nhưng với các nguồn đất sét, đá granit và nhất là quặng Fluoxit ở xã Ia Hiao với trữ lượng khá sẽ rất có ý nghĩa đối với phát triển công nghiệp địa phương. Đây cũng là tiền đề quy hoạch cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại xã Ayun Hạ, phấn đấu đến năm 2015 đưa tỷ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp lên hơn 31% trong cơ cấu kinh tế.

Với những gì đã đạt được trong một khoảng thời gian 5 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Phú Thiện hoàn toàn có thể tin tưởng vào tiềm năng, nội lực trí tuệ của mình để đoàn kết, phấn đấu đưa huyện nhà trở thành một điểm sáng trên cao nguyên giàu đẹp…

Bên cạnh đó là đẩy mạnh phát triển dịch vụ thương mại – du lịch. Hiện Phú Thiện đang xúc tiến thương mại, kêu gọi vốn để xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Ayun Hạ, Khu di tích văn hóa – lịch sử Plei Ơi gắn với hệ thống lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn…

Tất nhiên, theo ông Phụng bên cạnh nhiệm vụ ưu tiên phát triển kinh tế, phải đồng thời đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo nghề để nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn lực lao động vốn đang là một lực cản lớn của huyện hiện nay. Phú Thiện phấn đấu đến năm 2015, 100% trẻ em đang độ tuổi đến trường phải được huy động vào các cấp học; phần lớn các xã có trung tâm học tập cộng đồng; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt trên 30%...

Đến năm 2020, huyện Phú Thiện sẽ có một nền kinh tế phát triển toàn diện, cân đối. Đây chính là tiền đề để huyện tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện thành công Chương trình nông thôn mới – hiện đã được khởi động với những thành công đáng khích lệ bước đầu…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem