Huyền thoại A Mét - Đứa con của núi rừng

Thứ năm, ngày 28/10/2010 08:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đinh Môn đã sống và chiến đấu như một huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên. Thế nhưng, có một băn khoăn là không hiểu sao ông vẫn không được phong tặng anh hùng?
Bình luận 0

Trọn đời theo cách mạng

Năm 1959 khi trở về quê, Đinh Môn đã bắt lại vợ là Y Chép. Bà Chép chết lúc sinh đứa con thứ 4 do bị sót nhau. Cả 4 con bà hiện đang ở xã Xốp. Còn Đinh Rươl ở lại miền Bắc học tập.

Học hết phổ thông, Rươl vào học Trung cấp Y rồi kết duyên với Nguyễn Thị Thái, quê Thái Bình, vốn là một cô giáo. Với những tâm hồn yêu nước, hình như có một sự sắp đặt nào đó của tạo hoá để con cháu họ gặp nhau thì phải.

img
Vợ chồng Đinh Rươl và cháu nội.

Bà Thái kể rằng bà quen rồi yêu Đinh Rươl trong hoàn cảnh là… bệnh nhân của ông. Biết Đinh Rươl là con của một cán bộ miền Nam tập kết, dù vậy cha bà vẫn lên tận Ủy ban Dân tộc xem lý lịch. “Gia đình mình vốn dòng dõi yêu nước, nhỡ mắc phải con cháu một gã lính ngụy nào đó trà trộn vào thì mất hết thanh danh”.

Cố nội bà Thái - ông Bang Tốn là một tướng cận vệ của lãnh tụ chống Pháp Nguyễn Thiện Thuật, đã hy sinh anh dũng trong trận sông Luộc 1886, được dân làng lập đền thờ. Ông nội – Thúc Khiêm cũng là một nhà nho yêu nước, từng tập hợp học trò chống Pháp, bị Pháp giết.

Cha bà – ông Nguyễn Minh Bạch hoạt động cách mạng rồi trở thành Trưởng ty Công an Bắc Giang… Tiếc rằng hai bên thông gia chưa từng được gặp mặt nhau để nói một lời tâm sự…

Tháng 4-1975, Đinh Rươl đi B. Vào đến Đăk Glei, việc đầu tiên là đi tìm người cha sau 15 năm xa cách. Nghe nói có con trai đến tìm nhưng A Mét không cho gặp. Ông nói với người bảo vệ: “Nếu đúng là thằng Rươl thì có một vết sẹo do bị bỏng ở đầu gối bên trái. Ông tìm cách xem giúp tôi”.

Người bảo vệ xem thấy đúng vào báo. Ông lại bảo: “Phải cẩn thận, không có mấy thằng biệt kích nó giả danh để ám sát mình”.

Về hưu, cả quãng thời gian cuối đời gần 20 năm, A Mét sống với vợ chồng Đinh Rươl… Đăk Glei cho đến năm 1984 hãy còn heo hút lắm. Cả thị trấn chỉ loi thoi vài chục nếp nhà tranh, chủ yếu là giáo viên với cán bộ công chức.

Vợ chồng Đinh Rươl lúc ấy cũng rất nghèo. Một căn nhà gỗ lợp fibro xi măng chênh vênh bên sườn đồi. Mảnh sân nhỏ lổn nhổn sỏi đá. A Mét bấy giờ vẫn còn khoẻ lắm. Cuộc gặp lần đó, tôi thấy ông vừa cõng cả một gùi củi nặng trịch từ rừng về…

Nhờ tài xoay xở của bà Thái, bây giờ vợ chồng Đinh Rươl đã làm chủ một cửa hàng bán quần áo, tạp hoá to nhất thị trấn Đăk Glei. Chả hiểu A Mét nhờ phúc con được mấy năm lúc cuối đời?

Giải mã tin đồn

Tuy chưa được phong anh hùng nhưng A Mét đã được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (ông là người đầu tiên của tỉnh Kon Tum được nhận huy hiệu này).

Trong câu chuyện, tôi hỏi Đinh Rươl rằng tại sao ông cụ tên tuổi là thế, thành tích đánh giặc vang lừng là thế mà cho đến tận bây giờ vẫn chưa được phong anh hùng?

Ông bảo: “Hồi ông cụ còn sống, tôi cũng đã thắc mắc với ông điều này. Lại hỏi thẳng điều mà người ta đồn đoán: “Có phải vì bố bắn tù binh, vi phạm kỷ luật nên không được phong anh hùng?”. Ông bảo: “Người ta đồn chệch. Đó là do hai đứa cháu mà khiến ông liên lụy”…

Thì ra chuyện là thế này: Ông có 2 đứa cháu họ, vốn là giáo viên cấp 3 được điều động đi B cũng ở Đăk Glei. Một hôm hai người được phân công áp giải tù binh. Trong đám có mấy tên ngoan cố cố tình đi chậm.

Bị thúc, chúng chửi lại. Tức mình, hai người bắn chết mấy tên. Nhân chuyện này, bọn địch tuyên truyền ầm ĩ khắp vùng là Việt Cộng tàn sát tù binh. Cấp trên yêu cầu A Mét xử lý kỷ luật vụ này. A Mét tức lắm. Dù là du kích thì cũng không thể tha được, huống gì hai người là bộ đội chính quy, lại có trình độ mà vi phạm kỷ luật.

Ông kêu hai người lên chửi một trận rồi tống giam, không cho ăn cơm. Kỷ luật cán bộ kiểu “quân phiệt” như thế, đương nhiên ông phải bị kỷ luật… Chuyện thế nhưng người ta lại đồn là ông ngược đãi tù binh…

Tuy chưa được phong anh hùng nhưng A Mét đã được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (ông là người đầu tiên của tỉnh Kon Tum được nhận huy hiệu này).

Sau trận ốm kéo dài khoảng một tháng, năm 2000 A Mét mất. Như một thanh củi đã cháy hết mình, ông lụi đi trong thanh thản, nhưng đám tang ông có hàng trăm người đưa tiễn trong lặng lẽ tiếc thương. Dù tên tuổi chưa chính thức vào văn, vào nhạc như Anh hùng Núp thì huyền thoại về cuộc đời ông cũng đủ cho đời không thể lãng quên…

Và con cháu ông, hơn ai hết là người ý thức được giá trị quý báu đó. Đinh Rươl kể, trước lúc ra đi, ông cụ chỉ có di vật duy nhất để lại là một thanh kiếm. Thanh kiếm đó đứa con trai thứ của ông giành giữ. Cả nhà chẳng ai được sờ đến. Ngay Đinh Rươl cũng chẳng biết cậu ta cất giấu nơi nào…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem