Huyền thoại kho báu trên quần đảo Hải Tặc (kỳ 1): Băng cướp “Cánh buồm đen” trên vịnh Thái Lan

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 14/07/2021 10:00 AM (GMT+7)
Từ thế kỷ 18 - 19 và những năm đầu thế kỷ 20, nhiều tàu buôn qua lại trên vùng biển vịnh Thái Lan (thuộc Việt Nam) đều phải đề phòng băng cướp biển mang tên "Cánh buồm đen" thoắt ẩn, thoát hiện, bất thình lình tấn công, cướp bóc của cải trên tàu bất kể ngày đêm.
Bình luận 0

Băng cướp chọn quần đảo hoang, ít người sinh sống làm đại bản doanh. Quần đảo đó có tên Hải Tặc, nay thuộc xã Tiên Hải, TP.Hà Tiên (Kiên Giang).

Nổi danh băng cướp "Cánh buồm đen"

Theo lời những cư dân sống lâu năm trên đảo Hải Tặc và những người am hiểu sự việc, từ thế kỷ 18, quần đảo này ít người sinh sống và nằm trong vùng biển Vịnh Thái Lan, là đường hàng hải quan trọng của các tàu buôn quốc tế qua lại giao thương với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Mỗi lần ngang qua, tàu buôn thường bị cướp biển trong vùng đảo hoàng này tấn công, cướp vàng bạc châu báu, tài sản quý…

Theo lời kể của những ngư dân cố cựu sống trên đảo, băng cướp này lấy tên "Cánh buồm đen" hoạt động vào cuối thế kỷ 18 -19 và đầu thế kỷ 20. Trên các tàu của băng cướp này thường treo cây chổi màu đen với thông điệp: "Quét sạch tàu qua lại". Sau nhiều năm làm cướp biển, thủ lĩnh băng cướp có được một số vàng bạc, châu báu rất lớn nên bí mật chọn một hoang đảo trong quần đảo trên chôn giấu toàn bộ báu vật rồi cho người vẽ lại sơ đồ trên một tấm da…

Huyền thoại kho báu trên quần đảo Hải Tặc (kỳ 1): Băng cướp “Cánh buồm đen” trên vịnh Thái Lan - Ảnh 1.

Hòn Tre lớn là trung tâm hành chính xã Tiên Hải, TP.Hà Tiên tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Bùi Phụ)

Sau khi băng cướp "Cánh buồm đen" tan rã, có người đã quy y sám hối nơi cửa Phật. Một số thành viên băng cướp còn lại đã tỏa đi nơi khác tìm chốn náu thân nên thông tin và nơi chôn giấu khó báu bị "tam sao thất bản" đến nay vẫn chưa ai tìm được.

Khoảng năm 1950, nhiều ngư dân từ đất liền ra quần đảo trên sinh sống, lập nghiệp, và dân số trên đảo ngày càng đông dần lên. Ngày 28/7/1958, một phái đoàn của Việt Nam Cộng hòa đến đặt bia chủ quyền ghi tên "Quần đảo Hải Tặc".

Tấm bản đồ bằng da và vết tích kho báu

Huyền thoại kho báu trên quần đảo Hải Tặc (kỳ 1): Băng cướp “Cánh buồm đen” trên vịnh Thái Lan - Ảnh 2.

Du khách thăm bia chủ quyền quần đảo Hải Tặc. (Ảnh: Bùi Phụ)

Theo thông tin địa lý của tỉnh Kiên Giang, quần đảo Hải Tặc bao gồm 16 đảo nổi lớn nhỏ và 2 đảo chìm và các đảo nằm gần nhau với độ cao dưới 100m so mặt nước biển, nằm rải ra trên vùng biển rộng 5km và dài 7km với tổng diện tích tự nhiên hơn 283ha. Hiện có khoảng 500 hộ dân, với khoảng 2.000 người sinh sống chủ yếu tại đảo Hòn Tre lớn (còn gọi Hòn Đốc) là trung tâm hành chính, kinh tế của xã Tiên Hải. Nơi này cách TP.Hà Tiên khoảng 20km và đảo Phú Quốc 40km. Đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, một số ít hộ dân mua bán nhỏ lẻ, kinh doanh dịch vụ du lịch.

Hàng mấy chục năm trước, nhiều ngư dân đánh bắt hải sản trên quần đảo Hải Tặc (nay thuộc Hòn Tre, xã Tiên Hải, TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) vẫn truyền tai nhau về kho báu chứa nhiều vàng bạc, do băng cướp "Cánh buồm đen" chôn giấu vẫn còn trên đảo. Tín hiệu cho thấy bởi nhiều ngư dân sống bằng nghề lặn biển thường phát hiện những xâu tiền cổ từ một eo biển ở phía Tây Nam quần đảo. Chính từ những đồng tiền cổ này, tiếng đồn về kho báu ngày càng đậm hơn, nhưng rồi cũng chìm vào quên lãng vì không ai biết kho báu nằm chỗ nào…

Bẵng đi một thời gian dài, vào năm 1983, thông tin về kho báu trên quần đảo Hải Tặc lại dậy sóng khiến nhiều người tin có thật. Theo tư liệu để lại từ các cơ quan chức năng, một buổi chiều tháng 3/1983, ngư dân trên quần đảo Hải Tặc phát hiện một chiếc canô lạ chạy từ hướng Phú Quốc chở theo hai người đàn ông ngoại quốc bí mật đáp lên bờ, bà con đã báo lực lượng dân quân. Sau đó, lực lượng chức năng và dân đảo đã mở cuộc truy lùng và phát hiện 2 người này đang lẩn trốn trong rừng nên đưa về trụ sở UBND xã Tiên Hải.

Qua xét hỏi, hai người này khai: Một người tên là Richard Charles Knight (quốc tịch Anh), người còn lại tên Frederick Kurt Graham (quốc tế Mỹ). Lực lượng chức năng phát hiện hai người này còn mang cả máy bộ đàm, hai máy chụp hình, một máy quay phim, một ống nhòm, hải đồ và những tấm bản đồ cổ vẽ lại địa hình quần đảo Hải Tặc. Sau đó hai người này bị các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang điều tra, xét xử về hành vi xâm nhập lãnh thổ Việt Nam trái phép và đến năm 1984, cả hai được trả về nước.

Thông tin hai người ngoại quốc mang theo máy móc định vị và thiết bị, cùng tấm bản đồ đến quần đảo Hải Tặc để tìm kho báu của băng cướp "Cánh buồm đen" để lại khiến đã thu hút và gây tò mà cho nhiều người thích khám phá và phiêu lưu mạo hiểm, trong đó có chúng tôi.

Trước đây hàng chục năm, dù đã mấy lần đến quần đảo Hải Tặc nhưng tháng 3/2021, khi nghe thông tin mới, chúng tôi vẫn háo hức thêm một lần nữa đến quần đảo này xinh đẹp để thực hiện một hành trình khám phá mới trên đảo. 

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem