Huyết tử Gạc Ma - nỗi đau chưa thấu hết

Bài, ảnh Hùng Phiên Thứ bảy, ngày 12/03/2016 16:36 PM (GMT+7)
Tại Phú Yên, có 2 liệt sĩ hy sinh trong trận quyết tử bảo vệ đảo Gạc Ma (Trường Sa) ngày 14.3.1988. Đó là liệt sĩ Trương Văn Thịnh (ở phường 9, TP.Tuy Hòa) và liệt sĩ Phan Tấn Dư (ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa). Cứ đến dịp giỗ các anh là đồng đội về thăm gia đình…
Bình luận 0

Mượn 20 đồng để ra Gạc Ma…

Ông Trương Văn Cảnh (60 tuổi, anh ruột liệt sĩ Thịnh) bồi hồi nhớ lại: “Thịnh nhập ngũ năm 1985, lúc 18 tuổi, vừa học xong nghề hớt tóc đi làm được mấy tháng. Ban đầu ra đảo Trường Sa Lớn; đầu năm 1988, sau khi trở lại Cam Ranh học khóa đào tạo Tiểu đội trưởng, Thịnh được về phép thăm nhà, ăn Tết.

img

Ông Trương Văn Cảnh bên di ảnh em trai - liệt sĩ Trương Văn Thịnh (hy sinh tại Gạc Ma năm 1988).

16 tháng Giêng năm đó, nó lên đường trở lại đơn vị; cha mẹ nghèo quá, vợ chồng tui phải gom tiền bán đậu miếng được 50 đồng để cho nó.

Vào đến Cam Ranh, nó mượn thêm người anh họ 20 đồng để mua thêm đồ dùng. Đến khoảng 20 tháng Giêng, nó lên tàu ra lại Trường Sa. Sau đó khoảng một tuần, gia đình nghe một số bạn bè nó nói là: hầu hết anh em trên chuyến tàu đi Gạc Ma đã hy sinh. Gia đình không tin, dò hỏi khắp nơi… Đến mấy tháng sau thì nhận được thư báo tin Thịnh mất tích. Mãi năm 1990, gia đình mới chính thức nhận giấy báo tử và bằng liệt sĩ của em nó…”.

img

Cụ Lê Thị Niệm, mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư (hy sinh tại Gạc Ma năm 1988).

Theo ông Thịnh, ngày 14.3.1988 trùng ngày 27 tháng Giêng năm đó. Theo tục lệ địa phương, phải tổ chức giỗ khi người còn sống, nên đám giỗ anh Thịnh được gia đình chọn ngày 25 tháng Giêng hằng năm. “Lần nào giỗ Thịnh, anh em đồng đội cựu lính Trường Sa cũng về dự… không còn chỗ ngồi. Mẹ tôi (cụ Nguyễn Thị Đảo, 88 tuổi) đã già yếu nhưng vui lắm, cứ nắm tay từng anh em. Năm rồi, cựu binh Trường Sa tổ chức tưởng niệm Gạc Ma, mẹ tôi được anh em tặng 4 triệu đồng…”.

img

Cựu binh Trường Sa tay bắt mặt mừng tại lễ Tưởng niệm Gạc Ma.

Còn mẹ Lê Thị Niệm (88 tuổi, mẹ liệt sĩ Dư) rơm rớm nước mắt: “Cứ sắp đến ngày giỗ là má mơ thấy thằng Dư. Nó trắng trẻo, dễ thương lắm. Mỗi dịp đám giỗ là thấy nó cứ trẻ lại, nhỏ lại. Anh em nó về thăm, giúp đỡ đủ thứ, má mừng và xúc động lắm. Mấy đứa lính Trường Sa sống nghĩa tình lắm, vừa rồi lại giúp má sửa nhà…”.

Vì sao “Sự kiện Trường Sa”?

Ông Huỳnh Bá Thoại, đại diện Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên cho biết, không chỉ dịp 14.3, nhiều anh em đồng đội hễ có dịp là ghé thăm gia đình anh Thịnh, anh Dư. Và mẹ các anh đều coi tất cả anh em đồng đội là con mình.

img

Cựu binh Trường Sa góp tặng quà gia đình liệt sĩ Gạc Ma Phan Tấn Dư.

“Các anh hy sinh vì giữ đất cho Tổ quốc mình, chúng tôi ở lại phải sống sao cho trọn vẹn nghĩa tình. Bằng những việc làm thiết thực nhất, ban liên lạc chúng tôi đã góp nhau chia sẻ đến thân nhân liệt sĩ, gia đình cựu binh Trường Sa có hoàn cảnh khó khăn. 9 năm rồi, cựu binh Trường Sa tại Phú Yên liên tục tổ chức gặp mặt để tưởng niệm anh em hy sinh tại Gạc Ma. Dù khó khăn đến đâu, chúng tôi cũng tụ về, để không bao giờ quên…” - ông Thoại nói.

Theo Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên, buổi Gặp mặt tưởng niệm 28 năm Hải chiến Gạc Ma (1988 - 2016) sẽ được tổ chức vào chiều tối 14.3, tại trại giống xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên), quy tụ trên 300 cựu binh Trường Sa tại Phú Yên và các tỉnh thành trong nước.

img

Thả hoa tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, cửa biển Đà Nông (Phú Yên).

Chương trình gặp mặt, gồm: Xem phim tài liệu hải chiến Gạc Ma, tặng quà gia đình liệt sĩ Trường Sa, liên hoa thân mật,… Đây là cuộc gặp mặt tưởng niệm Gạc Ma lần thứ 9 được tổ chức tại Phú Yên; tất cả chi phí do anh em cựu binh Trường Sa quyên góp. Vì nhiều lý do, các cuộc tưởng niệm Gạc Ma tại Phú Yên nhiều năm qua, Ban liên lạc đều được ghi trên phông màn là Kỷ niệm “Sự kiện Trường Sa”… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem