Kẻ thù chung IS đang đẩy Nga và liên minh phương Tây do Mỹ dẫn đầu xích lại gần nhau.
Theo The Atlantic, chỉ trong vòng 1 năm, giới lãnh đạo phương Tây đã buộc phải thay đổi thái độ với Tổng thống Nga Putin. Họ không còn có thể tẩy chay, không còn có thể cô lập và đương nhiên cũng không còn mạnh miệng đe dọa hay gay gắt lên án ông chủ Điện Kremlin nữa.
Một trong những minh chứng mạnh mẽ nhất cho nhận định trên là sự tương phản giữa thái độ của giới lãnh đạo phương Tây với Tổng thống Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái ở Úc và Hội nghị năm nay tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm ngoái, tại hội nghị G20 ở Úc, ông Putin bị các lãnh đạo phương Tây cô lập và lên án gay gắt vì sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở Đông Ukraine. Trong đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama mạnh mẽ cáo buộc, sự can thiệp của Nga vào Ukraine là… “một mối đe dọa cho thế giới”.
Còn Thủ tướng David Cameron tuyên bố, Nga "bắt nạt một nhà nước nhỏ hơn ở châu Âu" và cảnh báo, Moscow sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt hơn nữa nếu tiếp tục "gây bất ổn tại Ukraine". Thủ tướng Canada Stephen Harper thậm chí trực tiếp và thẳng thừng nói với Tổng thống Putin rằng: “Tôi chỉ có một điều để nói với ông: Ông phải rút khỏi Ukraine đi".
Tổng thống Putin bước lên bục phát biểu tại Hội nghị G20 tại Úc năm ngoái.
Tuy nhiên, theo The Atlantic, tại hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ năm nay – diễn ra chỉ vài ngày sau khi thế giới chấn động vì thủ đô Paris của Pháp bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công đẫm máu khiến 130 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương - mọi chuyện hoàn toàn đảo ngược.
Giới lãnh đạo phương Tây trở nên sốt sắng muốn thảo luận với nhà lãnh đạo Nga về việc hợp tác chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng số 1 thế giới. Thay vì né tránh hoặc lạnh nhạt, từ Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron cho tới Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud... đều “tay bắt mặt mừng” và chụp ảnh chung thân mật với ông chủ Điện Kremlin.
Thủ tướng Anh Cameron và Tổng thống Nga Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11 năm nay.
Thậm chí, giới truyền thông còn chú ý đến sự thay đổi đặc biệt trong cuộc gặp giữa ông Obama và ông Putin bên lề hội nghị G20 năm nay. Cụ thể, nếu trong những cuộc gặp trước, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ thường thể hiện sự đối đầu nhau bằng cử chỉ và ngôn ngữ thì lần này hai ông nói chuyện tương đối thân mật, cúi đầu sát vào nhau, thể hiện sự đồng lòng trong cuộc chiến chống IS.
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin thảo luận bên lề Hội nghị G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11 năm nay.
Báo Mỹ The Wall Street Journal nhận định, Tổng thống Putin đã trở thành “trung tâm” tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay sau vụ tấn công khủng bố ở Paris và bởi chiến dịch quân sự chống IS của Nga tại Syria.
Trong khi đó, ông Anders Aslund, chuyên gia phân tích cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương - một trong những nhóm cố vấn có ảnh hưởng nhất đến Mỹ và NATO về chính sách đối ngoại và địa chính trị bình luận: “Nhiều cường quốc phương Tây giờ đây muốn hợp tác với Nga chống IS, bỏ qua mọi bất đồng về chính sách của Nga. Vai trò của Nga trong cuộc nội chiến ở Ukraine dường như đã không còn khiến phương Tây bận tâm quá nhiều”.
Sau cuộc tấn công Paris đêm 13.11, dẹp mọi bất đồng và mâu thuẫn trước đó với Nga sang một bên, Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi Moscow và phương Tây " đoàn kết các lực lượng của chúng ta” để chống IS.
Ngày 26.11, nhà lãnh đạo Pháp đích thân tới Moscow để bàn với Tổng thống Putin về kế hoạch hợp tác chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng này.
Sau đó, ngày 6.12, ông Hollande lại đột ngột ghé Moscow khi đang trên đường trở về từ Kazakhstan và có cuộc trao đổi ngắn với nhà lãnh đạo Nga Putin ở nhà ga sân bay Vnukovo.
Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để bàn về việc hợp tác chống IS ngày 26.11.
Theo sau động thái của Tổng thống Pháp, ông chủ Nhà Trắng cũng quyết định cử Ngoại trưởng John Kerry tới Moscow để bàn về các vấn đề Syria và dĩ nhiên, bao gồm cả việc việc hợp tác chống IS vào ngày 15.12.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội kiến kéo dài suốt ba tiếng rưỡi và kết thúc vào rạng sáng 16.12 với Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Kerry đã phát đi thông điệp rằng, “Mỹ không theo đuổi chính sách cô lập Nga” đồng thời nhấn mạnh “Washington sẵn sàng hợp tác với Moscow”. Theo ông Kerry, thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi Mỹ và Nga xích lại gần nhau và cùng nhìn về một phía.
Trong khi đó, về phía Nga, một số chuyên gia phân tích cho rằng, có lẽ không phải ngẫu nhiên khi chỉ vài ngày sau vụ tấn công Paris và lời kêu gọi đoàn kết chống IS của Tổng thống Pháp Hollande, Điện Kremlin lên tiếng tuyên bố, chiếc máy bay thương mại A320 của nước này bị rơi tại sa mạc Sinai, Ai Cập ngày 31.10 khiến 224 người thiệt mạng là hậu quả của một “hành động khủng bố”.
Sau đó, trong một tuyên bố rất đúng thời điểm tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm nay ở Manila (Philppines), Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh: "Các cuộc tấn công khủng bố mà Nga và Pháp phải hứng chịu ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới. Sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố thực sự là một thách thức toàn cầu và đòi hỏi hành động đáp trả thống nhất”.
Theo đó, giới phân tích nhận định, với việc tấn công Paris ngày 13.11, IS đã trở thành “cầu nối” giúp Nga và phương Tây dẹp những bất đồng và mâu thuẫn để xích lại gần nhau hơn.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Kommersant, nhà phân tích chính trị Aleksei Arbatov nhấn mạnh rằng, việc IS tấn công Paris sẽ làm thay đổi quan hệ giữa Nga và phương Tây theo hướng tích cực hơn.
Tính đến nay, chiến đấu cơ của Nga và Pháp đã cùng tiến hành các đợt không kích song song vào Raqqa, hang ổ của IS ở Syria. Tổng thống Putin còn lệnh cho tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường Moskva của Nga - đang hiện diện ở Địa Trung Hải - bắt đầu hợp tác với quân đội Pháp để đánh IS. Ông chủ Điện Kremlin tuyên bố, tàu tuần dương Nga sẽ "phối hợp với quân đội Pháp như với các đồng minh”.
Dù vậy, bình luận trên báo Bloomberg, chuyên gia phân tích Leonid Bershidsky bày tỏ hoài nghi cho rằng, nếu giới lãnh đạo phương Tây dẹp bỏ các bất đồng và mâu thuẫn để bắt tay với Tổng thống Nga Putin thành lập liên minh chống IS, thì đây cũng chỉ là một liên minh tình thế. Ông Leonid Bershidsky cho rằng, căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây sẽ khó có thể được xoa dịu bởi hai bên còn bất đồng gay gắt về số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.