Kể chuyện làng: Xuân về kể chuyện Như Nguyệt

Nguyễn Trọng Văn Thứ tư, ngày 07/04/2021 06:12 AM (GMT+7)
Trong tâm khảm của người Việt "phòng tuyến sông Như Nguyệt" là bản hùng ca của dân tộc. Chính tại phòng tuyến này mùa xuân năm Đinh Tỵ (1077) đã vang lên hào sảng bài thơ "Nam quốc sơn hà", bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước ta.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Xuân về kể chuyện Như Nguyệt - Ảnh 1.

Công trường kè bờ sông Khu di tích lịch sử Can Vang

Đầu năm đó quân Tống đã huy động hơn 30 vạn quân chủ lực do hai tướng Quách Quỳ và Triệu Tiết chỉ huy tổ chức vượt sông Như Nguyệt lần thứ nhất. Thái úy Lý Thường Kiệt đã cùng quân dân Đại Việt lập nên "phòng tuyến sông Như Nguyệt" huyền thoại. Giặc Tống không những bị chặn đứng tại đây mà chúng còn bị thảm bại, cuối cùng chúng đã phải chấp nhận rút quân về nước.

Kể chuyện làng: Xuân về kể chuyện Như Nguyệt - Ảnh 2.

Chùa Đông Quy hay còn gọi là chùa Phấn Động.

Để có được những chiến công huy hoàng đó ngoài lực lượng quân đội của Triều đình nhà Lý ra còn có sự giúp đỡ, sự phối hợp tuyệt vời của nhân dân các làng xã bên dòng Như Nguyệt.

Chiến địa Can Vang

Một ngày đầu đông, tôi trở lại thăm sông Cầu, trở lại thăm "phòng tuyến sống Như Nguyệt". Đứng trên bãi Can Vang (thôn Thọ Đức, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) nhìn những chiếc máy xúc cùng những người công nhân đang say mê làm việc và khi nhìn dòng sông Cầu bình thản chảy trôi tôi mới thấy quý hơn những gì của xấp xỉ một ngàn năm xưa.

Kể chuyện làng: Xuân về kể chuyện Như Nguyệt - Ảnh 3.

Đền thờ Lý Thường Kiệt ở Khu di tích lịch sử Can Vang.

Ông Mai Kháng, một nhà giáo nghỉ hưu, một "người kể sử làng" như mọi người đặt cho giơ tay chỉ một vòng khái quát về Can Vang. Được biết, khúc sông Như Nguyệt chảy qua Can Vang là một khúc sông hẹp, có lẽ là vậy nên tướng giặc Quách Quỳ đã cho đóng đạo quân chủ lực đông đảo của mình ở dẫy núi Tam Tầng (xã Quang Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) ở bên kia bờ bắc, với ý đồ sẽ vượt sông để thực hiện âm mưu đánh nhanh vào sâu trong đất Đại Việt hướng tới Thăng Long.

Phòng tuyến sông Như Nguyệt kéo dài những 80km, từ chân núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho tới Phả Lại (Hải Dương). Trên phòng tuyến dài ấy cả ta và địch đều xác định vị trí khúc sông dài khoảng 6km chảy qua xã Tam Đa, huyện Yên Phòng hiện nay là trọng yếu, là trung tâm của phòng tuyến. Nơi đây tháng 3 năm 1077 đã diễn ra trận chiến cuối cùng.

Kể chuyện làng: Xuân về kể chuyện Như Nguyệt - Ảnh 4.

Hai pho tượng đá tạc hình người đàn bà cắt cỏ ở chùa Phấn Động.

Ông Mai Kháng kể rằng: Người dân các làng xã dọc bờ hữu (bờ nam) sông Như Nguyệt đã đem hết sức lực cùng của cải của mình để góp phần xây dựng nên một phòng tuyến "bất khả chiến bại". Theo đó dọc triền sông là hệ thống rào chông bằng tre vót nhọn được nhân dân và binh sĩ triều đình đốn từ trong làng hoặc chặt từ rừng xa đem về đây cắm thành nhiều tầng nhiều lớp. 

Kể chuyện làng: Xuân về kể chuyện Như Nguyệt - Ảnh 5.

Hai pho tượng đá tạc hình người đàn bà cắt cỏ ở chùa Phấn Động.

Quân Tống nhiều lần tổ chức lắp cầu phao hay đóng bè mảng cho quân vượt sông dùng móc sắt, câu liêm hòng phá hủy hệ thống rào chông tre nhưng đều thất bại. Người xưa kể lại rằng trong trận chiến cuối cùng đoàn quân bè mảng của giặc Tống đông đặc dòng sông và trải dài dọc sông tới 4km, chúng huy động tới 20 vạn quân cho trận chiến này nhưng chúng chưa một lần đặt chân được lên đất bờ nam bởi những lớp rào chông tre đó cùng sự chống trả quyết liệt của quân Đại Việt.

Can Vang sớm nay gió lạnh. Những luồng gió thổi từ hướng bắc vượt qua mặt nước đưa tới cái cảm giác khiến mọi người phải co lại che gió. Còn nhớ dưới cái lạnh, dưới làn gió sông thổi lên buốt giá ấy hàng vạn quân sĩ cùng hàng ngàn người dân đã tề tựu ở bãi Can Vang để nghe Thái úy Lý Thường Kiệt tuyên cáo làm lễ xuất quân. 

Kể chuyện làng: Xuân về kể chuyện Như Nguyệt - Ảnh 6.

Bức tranh miêu tả Phòng tuyến sông Như Nguyệt trong đền Phấn Động.

Ông Mai Kháng cho hay "Nơi Thái úy Lý Thường Kiệt đứng làm chủ lễ là một gò đất cao, sau này người dân gọi đó là Gò Lễ" (Chỉ tiếc là thời gian phôi pha nên gò đất ấy không còn). Nói rồi ông Kháng chỉ tay sang vị trí cách đó chừng 50m nói "Chỗ đó xưa là Gò Gươm. Đó là nơi nhân dân thu dọn binh khí sau cuộc chiến về chất ở đấy".

Hôm chúng tôi đến thăm Can Vang là đúng dịp công trường xây dựng Khu di tích lịch sử Can Vang đang được thi công khẩn trương. Hạng mục cần thiết phải làm là kè dọc bờ sông bằng bê tông đã gần như hoàn thành. Nhìn bờ kè chắc chắn ấy chúng tôi kỳ vọng tới một khung cảnh hoành tráng của khu chiến địa vang lừng sử xanh sẽ trường tồn cho lớp cháu con mãi mãi tri ân. Khi được hỏi về kinh phí xây dựng công trình thì ông Hữu Kim, một người bạn của ông Mai Kháng cho biết luôn "Kinh phí 70 tỷ do nhà nước cấp". Nói rồi cả ông Kim và ông Kháng hối hả giục chúng tôi tới thăm một công trình khác cạnh đó cũng đang khẩn trương hoàn thành.

Kể chuyện làng: Xuân về kể chuyện Như Nguyệt - Ảnh 7.

Bức tượng được xem là tượng Đức Ông Cả Đống Mai Đại Vương trong đền.

Đó là công trình xây dựng Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt cùng các vị thần và liệt sĩ là người con quê nhà ngay tại Khu di tích lịch sử Can Vang, đền có kinh phí xây dựng hơn 35 tỷ hoàn toàn do dân địa phương đóng góp. Ông Ngô Văn Thích, thủ từ trông coi Đền Can Vang, ngân nga đọc đôi câu đối (được người dân phục cổ) trước cửa đền chính "Âm phong Việt địa trung hưng thánh/ Danh trấn Nam thiên thượng đẳng thần" nghe như thấy vọng vang lời sông núi.

Lai lịch tên làng

Lại nhớ lúc mới tay bắt mặt chào nhau khi chúng tôi vừa bước chân vào nhà, ông Mai Kháng vừa rót nước mời khách vừa nói "Chẳng làng nào có tên xấu như tên làng tôi". Tôi cãi "Em thấy tên làng mình là Phấn Động nghe hay đấy chứ bác". Ông Kháng nháy mắt nhìn tôi bảo "Tên làng tôi là Cứt Ngựa ông ạ".

Hơi ồ ngạc nhiên nhưng rồi tôi hiểu ra. Số là gần một ngàn năm trước khi đại quân Triều đình do Thái úy Lý Thường Kiệt về tụ quân bên dòng Như Nguyệt. Đại quân về đóng trại dĩ nhiên là có nhiều ngựa chiến. Những con ngựa chiến được tập trung một chỗ để chăm nuôi và rèn chiến. Ngựa nhiều nên phân ngựa thải ra cũng vô kể. Sau cuộc chiến người dân nơi đây trở về làng xóm cũ dọn dẹp rồi dựng nên làng mới và bà con cứ "hồn nhiên" kiểu thấy sao nói vậy mà gọi tên làng mới là "Bãi cứt ngựa" hay "Làng Cứt Ngựa".

Nhưng nghe cũng chưa ổn nên dần dần người dân đọc chệch "Cứt Ngựa" thành "Cát Cựa" cho nó đỡ sái miệng. Ông Mai Kháng giải thích "Trong nghĩa của chữ cổ thì Cát có nghĩa là phân, còn Cựa có nghĩa là Động". Từ cách giải thích nôm na ấy người dân lại gọi tên làng là "Phân Động". Nhưng lại rồi nghe gọi Phân Động vẫn chưa hết sái miệng nên cuối cùng cái tên làng thoạt nghe rất hoa mỹ là "Phấn Động" ra đời cho đến tận ngày nay.

Kể chuyện làng: Xuân về kể chuyện Như Nguyệt - Ảnh 8.

Đê và sông Cầu (Đoạn sông Như Nguyệt xưa).

Pho tượng đá xanh về hai người đàn bà

Chùa Đông Quy hay còn gọi là Chùa Phấn Động cũng như bao chùa làng khác nhưng lại khác ở chỗ "độc nhất vô nhị". Điều độc nhất vô nhị đó ấn tượng ngay vào mắt chúng tôi khi tới thăm chùa. Một ngôi chùa bình dị nằm ngay dưới chân đê sông Cầu. Mặt chùa hướng lên đê nên vào chùa đồng nghĩa với việc chúng ta phải xuống dốc. Hết dốc là tới cửa chùa.

Đón chúng tôi ở chân dốc và mời vào thăm chùa là một vị sư nữ. Bà có dáng người nhỏ nhắn nhưng bù lại sư cô Thích Đàm Tĩnh lại là người giản dị, vui vẻ và khá am tường chuyện làng chuyện xưa. Ở làng Phấn Động hay ở xã Tam Đa có chuyện mới hay chuyện cũ sư cô đều nắm rõ. Nắm rõ rồi thì sư cô đem hiểu biết của mình để giảng giải cho người khác, nhất là khách nơi xa đến như chúng tôi.

Ngay trước cửa chùa Phấn Động, chính xác là hai bên bậc thềm bước lên chùa, có hai pho tượng nhỏ đặt ở hai bên. Hướng nhìn của hai pho tượng này là trông vào nhau. Sư cô Thích Đàm Tĩnh thấy chúng tôi có vẻ là lạ bởi thực tình xưa nay chẳng có ngôi chùa làng nào ở nước Việt lại có hai pho tượng tạc hai hình người đàn bà được đặt trang trọng ở vị trí tôn giáo cả nên bà cũng dừng chân chưa vội bước vào chùa. Sư cô nhìn chúng tôi đang hỏi nhau về hai pho tượng lạ này. Bà im lặng chờ chúng tôi hết "tranh cãi" mới lên tiếng.

Kể chuyện làng: Xuân về kể chuyện Như Nguyệt - Ảnh 9.

Đê và sông Cầu (Đoạn sông Như Nguyệt xưa)

Thì ra cũng hồi đại quân nhà Lý về đây chặn giặc. Ngoài chuyện lo lương thảo cho binh sĩ ra thì vấn đề lo cỏ cho ngựa chiến ăn cũng là một khâu quan trọng. Vậy là đàn bà con gái khắp các làng xóm quanh vùng được huy động đi cắt cỏ cho ngựa. Ngựa chiến được ăn no cỏ nên có đủ sức tham gia đánh giặc.

Sau này khi nước yên bình người dân nơi đây đã chọn đá xanh trên núi cao, một thứ đá bền chắc mang về tạc nên hai pho tượng đàn bà tượng trưng cho những người đàn bà con gái xưa đã ngày đêm cắt cỏ nuôi ngựa chiến.

Cách tạc và vị trí đặt của hai pho tượng phụ nữ bằng đá ở trước cửa chùa có lẽ là hình thức khéo léo nói được công lao tuy nhỏ nhoi của những người đàn bà con gái và cũng là người dân dễ nhận biết nhất bởi  đàn bà con gái thời phong kiến thường bị xem thường nên dù được dân gian coi là "Dân thánh" cũng không được đặt thờ trong đền. Chỉ tiếc chẳng hiểu vì lý do gì mà hai pho tượng đá xanh đó lại "bị" phủ lên một lớp nước xi măng?

Đến những chiến binh làng chài và vị võ tướng dân gian

Vào thời điểm quyết liệt nhất của cuộc chiến phòng thủ trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, Thái úy Lý Thường Kiệt đã phải huy động tối đa lực lượng của mình để chặn giặc. Tham gia vào lực lượng ấy phải kể đến "Đội thủy binh làng chài". Dưới sự chỉ huy của Ông Cả Đống Mai, một ngư dân trong làng, rất đông thanh niên trai tráng từ các làng như: Làng Chài, Thọ Chiền, Thiềm Xuyên… gọi nhau xung phong gia nhập "Đội thủy binh làng chài".

Kể chuyện làng: Xuân về kể chuyện Như Nguyệt - Ảnh 10.

Đê và sông Cầu (Đoạn sông Như Nguyệt xưa)

Chuyện kể rằng: Khi mới thành lập Ông Cả Đống Mai đã cho người bắc loa đi khắp các làng kêu gọi, lời kêu gọi như sau "Đàn ông gậy tày gậy mấu/ Đàn bà bị trấu bị tro/ Ra trước cửa Ngò/ Đánh nhau với giặc". Ông Mai Kháng giảng giải thêm "Ý của câu đàn bà bị trấu bị tro là kêu gọi chị em lấy trấu lấy tro bếp đóng vào bao để làm "áo giáp" cho quân sĩ và đội thủy binh. Còn Cửa Ngò chính là chỗ cửa dẫn nước sông Như Nguyệt vào cánh đồng làng. Chỗ này khá hiểm yếu nên đội thủy binh chọn làm nơi dụ bè mảng chở quân Tống vào đó để tiêu diệt".

Với sở trường bơi lặn của mình các chiến binh trong đội thủy binh đã tả xung hữu đột, dùng dao, mác đâm thủng bè mảng của giặc Tống. Rồi trong làn nước lạnh những tay dao tay gươm thủy binh lại vung lên tiêu diệt. Trong khi đó dân binh khác đã cùng quân sĩ ta phóng hỏa đốt những phên rơm được dựng sẵn khắp bờ sông. Lửa cháy dữ dội, sức chiến đấu mãnh liệt của quân dân ta đã làm giặc Tống hoảng loạn.

Không may giữa lúc cuộc chiến ác liệt ấy Ông Cả Đống Mai bị tử trận. Sau chiến thắng, khi ca khúc khải hoàn người dân làng chài đã đưa Linh vị Ông Cả Đống Mai vào phối thờ ở đền làng (Đền Phấn Động hiện nay) và tôn ông là thánh với tên gọi "Đức Ông Cả Đống Mai Đại Vương" nghĩa là "Trợ thắng dương vũ đại vương". Có câu rằng "Sống là danh tướng chết là thần/ Xưa nay chưa dễ mấy ai bằng/ Cho nên đất thánh sinh hào kiệt/ Tiếng để ngàn thu đấng trung thần".

Kể chuyện làng: Xuân về kể chuyện Như Nguyệt - Ảnh 11.

Tác giả và các ông Mai Kháng, Hữu Kim và Thái Mại.

Đền Phấn Động là một ngôi đền cổ, có tuổi đời chừng hơn 1500 năm. Trước đó thờ các vị thần linh được nhân dân tôn sùng. Sau khi Đức Ông Cả Đống Mai Đại Vương được phối thờ tại đây thì âm hưởng linh thiêng của đền càng vang lừng. Nghe đâu như pho tượng tạc một vị võ tướng uy nghi đặt trong "Cung cấm" trong đền chính là tượng Đức Ông Cả Đống Mai Đại Vương? Đền Phấn Động được công nhận là "Di tích lịch sử cấp quốc gia" năm 1988.

Trò chuyện ngay trước cửa đền, với khoảng không gian là dòng sông Cầu (Sông Như Nguyệt xưa) chảy qua, ông từ của đền là Trần Thọ Mậu cho chúng tôi biết "Trong đền có bức tranh khá dài rộng được treo trang trọng, bức tranh miêu tả "Phòng tuyến sông Như Nguyệt" cùng sơ đồ chiến trận". Thêm nữa, đền Phấn Động còn có tấm bia "Trình đại khoa bi" ghi tên tuổi bậc hiền tài của làng là Tiến sĩ Trịnh Đồ, đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm 1547.

Vậy có thơ rằng "Quê hương Phấn Động/ Tú khí tỏa bay/ Danh cao đỉnh giáp/ Quan khắp trong ngoài/ Hiền tài sáng chói/ Vang tiếng mọi nơi".

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Bắc Ninh, đầu tháng 12 năm 2020

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem