Kể chuyện làng: Nghề làm muối quê nhà

Kiến Hoành Thứ bảy, ngày 09/03/2024 07:21 AM (GMT+7)
Một buổi trưa đầu xuân ở thành phố oi ả, tôi ngồi an tĩnh đọc sách trước hiên nhà, bỗng nghe tiếng rao lanh lảnh: "Ai mua muối không?; Ai mua muối không?..."
Bình luận 0

Tiếng rao giữa chốn phố thị tấp nập như tan vào không gian, đánh thức trong tôi biết bao ký ức của tuổi thơ tôi. Bỗng giật mình nhớ quê nhà, thấy môi mình mằn mặn vị nhớ thương.

Tôi sinh ra và lớn lên ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, một vùng đất nổi tiếng với nghề làm muối truyền thống. Sở hữu một vị trí đặc biệt, dẫu không hoàn toàn giáp bờ biển để người dân tập trung làm ngư nghiệp nhưng quê tôi có một nhánh sông khá sâu chảy êm đềm giữa làng nên đa phần người dân quê tôi chuyên sống bằng nghề làm muối, gọi theo tiếng địa phương quê tôi là "làm nại".

Kể chuyện làng: Nghề làm muối quê nhà- Ảnh 1.

Nghề làm muối. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Theo lời bố tôi kể lại thì làm muối thoạt nghe vốn dĩ đơn thuần nhưng chỉ ai đã từng trải qua hết nỗi nhọc nhằn truân chuyên mới thấu hiểu và đồng cảm với nghề. Nghề muối quê tôi chủ yếu làm thủ công, dựa hoàn toàn vào khả năng của con người. Do đó, yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất để theo được nghề vẫn là sức khỏe. Bố tôi thường bảo người làm muối phải có sức khỏe để kéo xe, đẩy đất, chịu đựng thời tiết oi nồng để phơi nắng giữa ngày trời đổ lửa. Thế mới hay, bất cứ nghề nào cũng có những nỗi gian nan mà người ngoài không thể thấu hiểu và sẻ chia hết.

Bản thân tôi, khi còn bé xíu, sống giữa làng nghề cũng chẳng hiểu biết chút nào về cái nghề cực nhọc mà bố mẹ vẫn làm hằng ngày để nuôi chúng tôi ăn học và lớn lên. Thậm chí, đôi lần thấy bố mẹ bận rộn, không có thời gian dành cho mình, tôi còn tị nạnh đòi bố mẹ phải chuyển sang những công việc "sang trọng" khác như viên chức hoặc người bán hàng nhỏ thay vì quanh năm cần mẫn múc nước biển lên phơi nắng rồi kiên nhẫn chờ đến cuối ngày để thu hoạch những ô muối trắng tinh và đầy ắp. Mãi cho đến khi lên 15 tuổi, tôi theo chân bố tập tành làm muối, mới thấm thía và hiểu thêm về cái nghề ở quê mình.

Thông thường, công việc làm muối ở quê tôi bắt đầu từ những ngày đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Khi thời tiết ấm dần báo hiệu mùa xuân đã về cũng là thời điểm gia đình tôi bắt đầu công cuộc đổ ô muối. Việc đổ ô muối rất kỳ công và đòi hỏi nhiều sức lực nên luôn cần những người đàn ông khỏe khoắn, tay nghề cao. Bố tôi vốn là thương binh nên dù có cố gắng đến đâu thì mỗi năm đến mùa đổ ô vẫn phải nhờ hoặc thuê người giúp đỡ.

Trước khi đổ ô muối mới, các bác, các chú phải cuốc cho sạch sẽ những ô muối có nhiều chỗ sứt vá lên rồi nhẹ nhàng đập vụn mớ hồ ấy ra, san phẳng và đập thật chắc trở lại. Những người thợ lành nghề muốn đo đếm sự bằng phẳng của ô, thường đổ nước lên để quan sát mức độ cao thấp. Khi đã hoàn tất, thợ sẽ dựa vào thời tiết để "ra ô". Đây là thời điểm quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng ô phơi muối suốt cả một năm dài nên đòi hỏi mọi người phải luôn cẩn trọng. Theo như bố tôi lý giải thì "ra ô" đơn giản là việc chúng ta trộn vôi thật mịn, sau đó kết hợp thêm ít tro và cát đã được sàng rất kĩ để rải lên mặt ô sau khi đã đổ nền. Muốn cho mặt ô phẳng và trơn mịn, người thợ ra ô phải tỉ mỉ căn chỉnh đúng thời gian của hỗn hợp nói trên để làm trơn mặt ô.

Bố tôi thường nói đùa rằng, nhờ đáp ứng yêu cầu và kỹ thuật làm ô muối cao như thế nên sau khi bỏ nghề muối, đa phần những người làm muối đều có thể chuyển sang nghề xây dựng. Sau khi chờ khoảng vài tuần đến một tháng, công việc "ra ô" có thể tuỳ thuộc vào thời tiết. Ngoài ra, để mặt ô muối mịn, thu hút nhiều nắng nhằm mang đến sản lượng cao hơn, người làm muối sẽ xoa lên mặt ô một lớp than, có thể làm từ bột than hoặc tro đã làm mịn.

Khác với nghề nông còn có thời gian thư thái đề nghỉ ngơi, nghề làm muối đòi hỏi người ta phải làm việc liên tục, từ ngày này qua ngày khác. Cứ hễ có nắng thì bà con quê tôi lại cần mẫn ra đồng. Tôi vẫn nhớ có những năm nắng kéo dài đến 3 tháng triền miên, sức lực con người khi đó cứ như bị vắt đến cùng cực của sức chịu đựng. Cũng bởi, một ngày làm việc của người làm muối thường bắt đầu từ lúc 4, 5 giờ sáng để đi đổ nước, sau đó sẽ tưới nước cốt (nước lọc qua đất cát) cất được từ chiều qua lên ô muối. Công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng nếu thiếu kinh nghiệm và sự linh hoạt thì có thể gây hư hỏng cả ruộng muối. Sẽ chẳng có một quy chuẩn nào cụ thể cho công việc này, đơn giản là bởi đổ nước như thế nào, nhiều hay ít, đòi hỏi người thực hiện phải dựa vào thời tiết, nhiệt độ ngày hôm đó có thể cao hay thấp, đo đếm thời gian xác định xem trời sẽ nắng được bao nhiêu tiếng, có giông hay trời dịu mát để căn mực nước đổ lên các ô.

Nước cất này thông thường sẽ được phơi nắng từ lúc khi trời bắt đầu hửng sáng cho đến lúc tắt nắng thì xem như vừa đủ để kết tinh thành những hạt muối to tròn trịa, khô ráo mà không bị xáp hoặc ngậm nước. Và thành quả của một ngày làm muối có kết quả tốt hay không phụ thuộc vào việc chúng ta theo dõi sát sao dự báo thời tiết cùng những kinh nghiệm lâu năm của người làm nghề.

Nhưng có lẽ, khó khăn lớn nhất của nghề làm muối chính là đối diện với những cơn giông. Với người lớn, giông và mưa giông là cơn ác mộng. Chắc cũng vì lẽ đó nên đến mùa mưa, bố mẹ tôi cứ thấp thỏm không yên. Vì bố mẹ biết rằng nắng càng to và kéo dài thì trời càng dễ trở giông. Mà ruộng muối ở nhà đôi khi chỉ cần vài giọt nước, muối ngay lập tức sẽ tan ra, khiến công sức một ngày của mọi người cũng sẽ tan theo cơn mưa.

Kể chuyện làng: Nghề làm muối quê nhà- Ảnh 3.

Nghề làm muối vất vả. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Chỉ cần thoáng thấy trời lất phất mưa, bố mẹ tôi sẽ bỏ hết việc dưới phươi để dồn lên cạo muốn, xúc muối và cất muối đi trước khi cơn mưa ập tới làm tan chảy những hạt muối. Bố mẹ cứ thế mải miết làm việc, bất chấp những lưng áo ướt sũng vì mưa và cả những giọt mồ hôi, cũng bởi họ luôn tâm niệm rằng người có thể ướt nhưng muối thì không. Đôi lần, nhìn theo bóng dáng kham khổ, miệt mài của bố mẹ nơi ruộng muối, lòng tôi không khỏi chạnh lòng xót xa. Thế mới hay, mỗi một hạt muối trắng tinh thoạt nhìn vô cùng đơn thuần nhưng lại chất chứa biết bao nỗi gian khó của người nông dân.

Nhiều năm trôi qua, tôi dần trưởng thành, rời xa làng cũ, chọn lập nghiệp ở nơi phố thị ồn ã. Dẫu đã thoát ly khỏi "nghề nại" như mong muốn của bố mẹ năm xưa nhưng những đứa trẻ như chúng tôi vẫn luôn khư khư giữ lại biết bao hoài niệm với nghề như một niềm vui hơn là nỗi nhọc nhằn. Thi thoảng, có dịp quay về quê, tôi hay chạy xe ngang qua cánh đồng muối của tuổi thơ, tranh thủ hít hà hương vị mằn mặn để cảm nhận dư vị thân thuộc của quê hương, an tĩnh nhớ lại biết bao hoài niệm trong quá khứ. Đâu đó giữa buổi hoàng hôn, nắng chiều xiên một vạt dài vàng rực lên những ô muối bỏ không, tôi lại khẽ khàng nhớ đến bố mình, người đã rời xa trần gian rất nhiều năm về trước. Trong những phút giây hoài niệm ấy, tôi như thấy lại chính mình trong khoảng đời thơ bé, đang cùng bố và chị đang làm muối trên cánh đồng với ánh nắng rực rỡ vắt ngang trời.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem