Kể chuyện làng: Câu cá, thú vui tuổi thơ ở làng cũ

Trần Thiên Nhất Thứ năm, ngày 20/10/2022 10:12 AM (GMT+7)
Tôi vốn rất thích câu cá nhưng chỉ là sở thích của dân nghiệp dư. Và có lẽ cũng chỉ những đứa trẻ trưởng thành từ vùng quê nghèo đói như tôi mới có say mê này.
Bình luận 0

Một trong những thú vui lớn nhất của tôi vào những ngày còn nhỏ là đi câu cá trong ao đìa. Những ngày thời tiết oi nồng, khi mặt ruộng đang khô, nước dưới các con kênh nội đồng đã kiệt nên đại đa số con cá đã rút về đìa trú ngụ, những người chuyên đi câu kể cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư như tôi lại có dịp để trổ tài.

Kể chuyện làng: Câu cá, thú vui tuổi thơ ở làng cũ   - Ảnh 1.

Trẻ em làng quê câu cá. Ảnh: Trần Thiên Nhất

Với một đứa trẻ mới lớn như tôi, việc câu cá trong ao đìa là thú vui cực kỳ đặc biệt. Cũng bởi các khâu chuẩn bị cho việc đi câu cực kỳ đơn giản, chỉ cần sử dụng một cần câu bằng ngọn trúc, thêm một ít mồi tự chế từ rong rêu, trùn, nhộng ong, dế, trứng kiến… là đủ đầy. Phía sau nhà tôi có một rừng trúc nên mỗi khi muốn đi câu, tôi lại tranh thủ lựa một cây vừa tay đốn về, róc nhánh sạch sẽ rồi hơ lửa, uốn cho ra dáng vừa ý mình. Lưỡi câu, nhợ câu thì phải cuốc bộ vài cây số ra mấy tiệm tạp hoá. Mua về, thường phải nhờ người lớn, có kinh nghiệm "tóm" lưỡi câu sao cho vừa chắc lại vừa thẩm mỹ. 

Cũng bởi lưỡi câu thẳng theo dây một cách tự nhiên, khi móc mồi không bị nghiêng, vẹo và giật mới nhạy. Ông ngoại tôi có tài "tóm" lưỡi câu rất khéo nên tôi thường mè nheo nhờ ông tóm giúp. Mỗi lẫn "tóm" lưỡi câu cho tôi, ông hay khề khà cười, mắng yêu: "Thằng chó con. Suốt ngày nhờ ông hoài, mốt không có tao thì bây mần lưỡi câu bằng cách nào?". Những khi ấy, tôi không nói gì, chỉ cười mỉm chi, nhìn bày tay khéo léo của ông tóm lấy lưỡi câu, lòng hân hoan nghĩ đến mấy con cá mắc câu.

Kể chuyện làng: Câu cá, thú vui tuổi thơ ở làng cũ   - Ảnh 2.

Cá quê. Ảnh: Trần Thiên Nhất

Theo kinh nghiệm của đám trẻ làng tôi thì việc đi câu buổi sáng nên ưu tiên chọn thời điểm nắng chưa gắt, buổi chiều thì lựa chọn thời điểm nắng đã dịu hơn, trời ít gió. Khi đi, chúng tôi cũng thường tránh mặc quần áo hoặc đội nón có màu sắc quá nổi bật, vì như thế sẽ làm cá "nhát", ít dám ăn mồi câu.

Tôi thích nhất cảm giác được ngồi tĩnh lặng bên bờ ao nhỏ, chờ cá cắn câu. Mùa hè, mặt ao thường bị phủ kín bởi lục bình nở hoa tím biếc hoặc rau muống xanh um. Đây cũng được xem là thời điểm cá câu được ngon nhất năm, chúng ăn ròng lúa chín. Con nào con nấy tròn béo, ú mềm, giật lên sẽ thấy nước da bóng loáng, lấp lánh dưới làn nước trong xanh.

Bọn trẻ chúng tôi hay trốn giấc ngủ trưa rồi khẽ khàng men theo các bờ ao, chọn những khoảng trống trên mặt ao là nơi cá thường ngoi lên để thở, bắt chước người lớn thong dong thả mồi và chờ cá cắn câu. 

Trong những buổi trưa hè an tĩnh ấy, đứa nào chăm chỉ sẽ mang theo sách vở để ngâm ngợi cho khuây. Còn bọn trẻ có tâm hồn mê ăn uống như chúng tôi thì tranh thủ bẻ thêm cành ổi, hái trộm mấy quả me non ngồi nhâm nhi với muối ớt giã nhuyễn. Những ngày an vui, bình lặng ngồi cạnh nhau ở bờ ao nhỏ, chờ cá cắn câu, ngẫm lại thật sự là một ký ức vô giá với mỗi chúng tôi. 

Cá cắn câu nhiều nhất có thể kể đến là cá rô, sau đó là thát lát, cá trê và thỉnh thoảng cũng câu được cá lóc nhưng rất hiếm. Hồi nhỏ, có đôi lần may mắn, tôi còn câu được cả… tôm càng. Tuy nhiên, đi câu ở ao đìa như hiện tại thường hay bị cá tra ăn mồi. Theo người dân làng tôi thì đó vốn là những con cá từ sông theo nước vô hoặc cá xổng từ các ao, ra ruộng rồi về ao đìa. Ai đi câu mà gặp phải cá tra ăn thì xem như cực kỳ xúi quẩy, chúng quá lớn nên thường giật đứt dây câu hoặc lưỡi câu khiến các "cần thủ" coi như mất trắng.

Kể chuyện làng: Câu cá, thú vui tuổi thơ ở làng cũ   - Ảnh 3.

Câu cá quê. Ảnh: Trần Thiên Nhất

Nếu đi câu may mắn gặp những chỗ có cá nhiều, chúng sẽ ăn liên tục khiến chúng ta giật mỏi cả tay. Cũng có hôm không được thuận lợi, ngồi yên câu cá cả buổi chỉ được lèo tèo vài con. Thế nên, những bậc cao niên trong làng vẫn việc xem đi câu là cách để mọi người rèn luyện sự kiên nhẫn là vậy. Thêm vào đó, việc đi câu cá cũng tuỳ người. Có những người có khả năng câu cá đặc biệt được gọi là "sát cá". Nhưng bù lại, có người câu cá chẳng giỏi thì "năm thì mười họa". Có khi cùng một đìa, người thì giật liên hồi, người thì ôm cần ngủ gục.

Theo tôi thì trừ một số người câu cá bằng niềm đam mê thì người đi câu, đặc biệt là trẻ em ở nông thôn đa phần là để giải trí, tìm niềm vui, thư giãn đầu óc sau những ngày học tập mỏi mệt, kết hợp với kiếm chút thực phẩm sạch để "lai rai". Cá nhân tôi cũng không là ngoại lệ. Nhớ lại những ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần lên mẹ xách cần câu ra ruộng, ra đìa là thế nào cũng kiếm được một vài con cá đủ ăn cho cả nhà. Cũng bởi ở ruộng đồng ngày xưa cá nhiều vô kể nên việc đi câu được xem là "chuyện nhỏ" dành cho trẻ con, còn người lớn phải lo việc đồng áng hay những việc nặng nhọc hơn.

Thích thú nhất vẫn là cái cảm giác được giật cần câu liên tục, dù chỉ dăm ba con cá con nhưng không có ngôn từ nào diễn tả cho hết cái cảm giác sung sướng của nó. Có những ngày may mắn, chỉ cần câu một buổi là cá câu được lên đến gần tới quai, cả đám phải ì ạch xách về. Lại có khi gặp đám lửa tàn của ai đó vừa đốt bờ, gom gốc rạ lại, bẻ khúc sậy già hoặc cây bình bát bằng ngón tay, lụi cá là có được bữa cá nướng ngon lành ngay trên bờ ruộng.    

Dẫu sống ở thành thị nhưng mỗi khi có dịp quay trở lại quê, nhìn những vạt lúa chín vàng đồng, tôi lại nao nao nhớ những ngày theo bọn trẻ trong làng đi câu ngoài bờ ao. Ðể thấy đi câu cá đâu chỉ đơn thuần là câu mà còn để hít thở chút không khí trong lành, đắm mình trong phong cảnh thanh bình, an nhiên của nông thôn. 

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem