Kể chuyện làng: Cô giáo "không như mơ"!

Nguyễn Văn Công Thứ tư, ngày 23/12/2020 06:00 AM (GMT+7)
Bao năm qua đi, được học nhiều thầy, nhiều cô nhưng trong tôi hình ảnh về cô giáo chủ nhiệm lớp 1 vẫn chiếm một phần quan trọng trong ký ức thân thương không bao giờ bị xóa nhòa!
Bình luận 0

Tôi sinh ra vào thế hệ đầu 9x tại một làng quê nghèo thuộc tỉnh Hà Tây cũ, thời điểm đó là khi nền kinh tế đất nước đang vận động mạnh, nhà nhà người người đua nhau làm giàu. Cũng như các gia đình khác, bố mẹ tôi lam lũ sớm tối hết việc này đến việc kia, sáng sớm dạy đi buôn, chiều về đi làm thuê, tối lại tranh thủ ra đồng tưới rau, su hào, cải bắp… mong có cuộc sống ấm no.

Kể chuyện làng: Cô giáo "không như mơ"! - Ảnh 1.

Cô Cân nay đã ngoài 70 tuổi là cô giáo chủ nhiệm lớp 1 của tôi, hồi đó nhà cô có nghề mổ lợn.

Tôi có anh trai, anh hơn tôi hai tuổi. Thuở nhỏ, ở quê cứ độ lên 5 lên 6 tuổi là nhà nào cũng có thể "thả" con tự do, yên tâm đi làm mà không lo lắng như bây giờ, lũ trẻ trong xóm tự chơi và trông nhau hoặc chúng có thể thênh thang đá bóng ngoài cánh đồng thơm hương rạ mới. Tôi còn nhớ như in, cứ vào độ 5 giờ sáng, bố mẹ tôi dậy đi chợ là đã mở hết cửa ra mà chẳng sợ trộm vào nhà cho dù chỉ có hai thằng bé ngủ trong nhà, chó giữ cửa cũng chẳng có.

Ngày đó anh tôi vào lớp 1, tôi lững chững theo sau. Nhà tôi gần trường, vậy nên tôi vào trường chơi mà không bị ai ngăn cản, cũng không mấy ai để ý. Thậm chí tôi thường xuyên đứng ở cửa lớp để "học lỏm" thay vì chỉ ngồi ở bãi cát bốc bả những nắm đất, mớ cỏ. Ngôi trường ngày xưa đơn sơ mà thật đẹp, dãy nhà mái chạy dài vuông vức, bãi cỏ tự nhiên xanh mơn mởn, hàng bạch đàn cao vút thơm hương gỗ và những làn gió thu xào xạc lá bay bay…

Hằng ngày, cứ đến giờ tan học, đợi lớp anh về hết, tôi lại lững chững đi đằng sau về nhà mà chẳng dám gia nhập vào đội ngũ đó vì biết mình bé hơn. Suốt một năm ròng như vậy cho đến khi anh trai tôi bước lên lớp 2. Tiếng trống trường rộn rã, buổi thu xào xạc lá vàng làm cho lòng tôi háo hức vô cùng. Tôi muốn được đi học. Tôi đứng bên song cửa sắt dõi theo từng con chữ, từng ánh mắt long lanh của cô giáo, đi mỗi lớp tôi lại dừng chân một lúc nghe bài. Với một thằng nhóc hỉ mũi còn chưa sạch, nhà gần trường, trẻ trong lớp cũng chẳng thèm để ý đến tôi.

Rồi, bất chợt, ánh mắt long lanh đó vỡ vụn khi có tiếng quát cùng tiếng thước gõ đen đét đằng sau lưng. "Con cái nhà ai sao trốn học đến đây hả?" Tôi khúm núm, mặt tái nhợt, lắp bắp mà chẳng nói lên lời, nhưng tôi biết cô giáo biết tôi con nhà ai và đứng đây làm gì.

Trước mắt tôi không phải là một cô giáo như mẹ tôi thường kể, không trẻ trung cũng chẳng duyên dáng còn đập thước gỗ vào tường ben bét. Đó là một cô giáo đã bước qua tuổi ngũ tuần, mái tóc xoăn tít, đeo chiếc kính dày cộp như đít chai, tuy vậy, cô không bảo tôi về nhà mà bế tôi vào lớp để tôi ngồi tạm vào một bàn thưa. Đó chính là buổi học đầu đời của tôi nhưng không phải là lớp một mà là lớp hai. Ngồi trong lớp với cảm xúc lo sợ xen lẫn vui sướng, tôi dõi theo từng con chữ cô dạy, đặc biệt là phần dạy kèm cho một số học sinh yếu. Cô bất ngờ vì những mặt chữ tôi đã biết khá cơ bản cho dù chưa một lần đến lớp, thậm chí còn biết nhiều hơn so với mấy anh chị học sinh yếu cho dù đã học lớp 2.


Buổi trưa hôm đó, khi gần tan học, mẹ tôi đến lớp để đón anh em tôi về. Cô giáo dắt tay tôi đưa cho mẹ tôi và nói rằng, "nó mới 5 tuổi nhưng tiếp thu nhanh, em cho nó vào lớp 1, năm học cũng mới bắt đầu được hơn một tuần thôi". Mẹ tôi nghe cô nói vậy mà lòng như mở cờ ăn mừng, vì bởi lẽ như vậy càng yên tâm về con để đi làm. Càng yên tâm hơn vì cô giáo chủ nhiệm cả hai lớp, cô là một người đã lên chức bà nội, chắc chắn có nhiều kinh nghiệm dạy học, cô đã chủ động gợi ý thế mẹ tôi liền nghe ngay và về làm thủ tục cho tôi đi học sớm.

Những buổi học vui vẻ của tôi bắt đầu muộn hơn với bạn bè, tôi vào lớp 1 trong sự bỡ ngỡ, cô giáo chỉ bảo rằng, "đây là bạn Công, bạn vào lớp muộn hơn các em, bạn trông hơi bé hơn các em chút nhưng cũng bằng tuổi nhau cả". Tôi dần dần hòa nhập với lớp nhưng trong ánh mắt nhìn về cô giáo vẫn có nhiều điều e sợ, cho dù cô không mắng  gì tôi hay bất cứ bạn nào trong lớp.

Vào một buổi sáng không lâu sau đó, tôi víu áo mẹ đi chợ sớm mua ít đồ cho ngày rằm. Chợ quê náo nhiệt từ sáng sớm, hàng thịt, hàng cá chen chúc người mua, họ mua còn về sớm ra đồng, đi làm nên không thể thong dong được. Mẹ tôi dẫn tôi đến gần hàng thịt đắt hàng nhất, từ xa xa tôi đã nhận ra cô bán thịt có dáng dáp rất quen, nhất là mái tóc xoăn xoăn rất đặc trưng, đến gần tôi chợt giật nẩy mình vì đó chính là cô giáo chủ nhiệm đang dậy mình, cô mới bảo "mẹ con Công đi chợ sớm thế?" mẹ tôi cười tươi "dạ, bà bán cho cháu mấy lạng thịt với ạ? Thằng Công nhà cháu học có theo được không bà? Câu chuyện cứ tiếp diễn một hồi, cô giáo tay thái thịt, lọc bì thật siêu đẳng, bàn tay nhem nhép mỡ, chiếc tạp dề đỏ lừ dính tiết lợn, hóa ra cô giáo tôi còn một nghề phụ khác là bán thịt lợn.

Về đến nhà, tôi cứ nghĩ mãi về hình ảnh cô giáo ở các lớp kế bên cũng như trên vô tuyến thường miêu tả khác hẳn với cô giáo của tôi. Nhất là trong ý niệm nghề thịt lợn có vẻ không được cao sang lắm, nhưng sự thực đó vẫn là cô giáo của tôi, người bế tôi vào lớp, nhận tôi đi học sớm và chỉ dạy cho tôi biết những con chữ đầu đời.

Kể chuyện làng: Cô giáo "không như mơ"! - Ảnh 3.

Ngôi trường cũ ngày nào giờ đã khang trang, hiện đại.

Sau buổi chợ sớm, cô nhường chân bán thịt cho con gái và lại tươm tất mang cặp đến lớp làm cô giáo. Hình ảnh có vẻ đối lập nhưng không hề mâu thuẫn cho dù không chỉ tôi mà cả lớp đều biết cô có nghề bán thịt lợn. Tôi còn nhớ như in về lớp học năm đầu đời, đó là một lớp học cũ nát với nửa mái che, còn nửa mái đã bị thủng nhìn thẳng lên bầu trời. Bàn ghế ọp ẹp, mối mọt, bảng đen, nền nhà bằng đất, còn nhà vệ sinh thì ra "thiên nhiên". Tuy điều kiện thiếu thốn như vậy nhưng ý thức học của cả lớp rất cao (có lẽ vì cô giáo răn tốt) mà chẳng đứa nào dám nghỉ học hay đi muộn, ngồi trong lớp tập trung phăng phắc, đúng giờ đúng giấc. Đến giờ đi vệ sinh, cô giáo dẫn cả lớp đi, nam một góc nữ một góc rồi lại vào. Có hôm trời mưa, có đứa được phụ huynh đến đón có đứa không, cuối cùng chỉ còn một vài nhóc núp vào áo mưa cô giáo già để đi "trả hàng" cho từng nhà. Tôi được cô ưu ái thường bế trên tay, gục vào vai cô, biết nhà tôi nghèo, cô thường bế tôi rẽ qua nhà cô và cho tôi một bát tóp mỡ mang về. Ngày xưa, tóp mỡ là một loại đặc sản không phải nhà nào cũng có, tuy vậy tôi thường được ăn vì cô cho, mỗi lần mẹ tôi từ chối nhận cô đều dúi tay vào mà nói "của nhà cô thiếu gì, cầm lấy mà ăn, mày không biết nhà cô mổ lợn à".

Vốn là cô giáo làng, lại là người có tuổi nên trên lớp cô biết hết từng học sinh con nhà ai, cháu nhà ai. Thỉnh thoảng cô lại "cha bố mày", "ngày xưa bà em học cùng cô đấy" "vừa sáng nay đến thịt lớn nhà em đấy, mà lúc đó em vẫn ngủ say lắm chưa dậy", cái chất của cô giáo làng mộc mạc và gẫn gũi đến thế chứ không hề mất nhiều công dỗ dành hay xoa dịu như các cô giáo trẻ nơi khác đến được đào tạo sư phạm đầy đủ. Mà ngày đó, tư duy thành tích, phân biệt còn hiện hữu, lớp tôi là lớp B tức là không phải lớp chọn như lớp A (lớp C, D cũng như lớp B), lại toàn bộ là học sinh một làng chứ không trộn làng như các lớp khác, chúng tôi luôn bị dè bỉu là lớp học kém, hay nghịch và đến cô giáo cũng là cô giáo "loại B" cô giáo đi bán thịt lợn, hồi đó có chút mặc cảm, tự ti nhưng rồi bằng chứng cho thấy, sau này lớp tôi có nhiều bạn vào đại học, có nghề nghiệp tốt hơn các bạn lớp A, đặc biệt là tình cảm khi chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ gắn bó với nhau, kể về ngày xưa, ngày xưa ấy…tại nơi này, nơi nọ với cô Cân thịt lợn….

Giờ nghĩ lại mới thấy, ở cái lớp vỡ lòng thứ mà bọn trẻ mong muốn được nhận nhất không phải kiến thức mà là sự gần gũi, tự nhiên, tình cảm và chân thật, cho dù đấy là một cô giáo còn phải mưu sinh với nghề bán thịt lợn hàng ngày.


Cô dạy được vài năm nữa thì nghỉ hưu và trở về bán thịt lợn chuyên nghiệp. Tôi vẫn thường gặp và mua thịt của cô mỗi khi mẹ vắng nhà. Tuy đáng tuổi bà tôi nhưng tôi quen vẫn gọi bà là cô xưng em, cô luôn ưu ái bán rẻ thịt cho tôi mà có lẽ cho bất kỳ học sinh nào của cô. Và như bệnh nghề nghiệp, cô luôn hỏi tôi về tình hình học tập hiện tại, đỗ đạt thế nào, dự định tương lai…

Về sau, tôi biết cô chưa từng đi học lớp sư phạm nào, chỉ đơn giản là những năm đó trường tiểu học xã thiếu giáo viên trầm trọng, cô từng học hết phổ thông và được lãnh đạo xã động viên làm cô giáo. Ban đầu, cô có chút ngại ngùng vì hàng ngày chỉ quen với dao thớt bỗng nhiên cầm phấn, xoa đầu trẻ, dịu dàng và êm ái, nhưng rồi dần dà cô cũng quen và làm một lúc hai việc để vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Giờ cô Cân của chúng tôi đã lên đến chức cụ, đôi chân đã yếu, bàn tay hóa đầy đồi mồi. Và dĩ nhiên cô không thể đi bán thịt lợn được nữa mà chuyển sang trồng rau và đi bán, tự trang trải cuộc sống tuổi già thanh đạm. Mỗi lần thấy cô, tôi vẫn thân thương gọi cô xưng em mà không gọi bằng cụ hay bà. Đôi mắt ngả đục của cô vẫn nhận ra học trò ngày nào bế trên tay chạy mưa về nhà, vẫn nhớ những bát tóp mỡ ngậy béo cho ngày đông giá rét và vẫn nhớ những lần đi vệ sinh bị kẹt khóa kêu điếng trời khiến cô phải kỳ công nặn, gẩy để tháo khóa ra khỏi "của quý".

Giờ đã trưởng thành, trải qua nhiều ngôi trường, thầy cô khác nhau nhưng tình thương yêu của cô Cân – cô giáo làng lớp vỡ lòng, đối với chúng tôi luôn đáng trân quý nhất, tận trong trái tim. Nhất là khi vào dịp 20/11, khi học sinh hiện nay diện những bộ đồ tinh tươm cùng bó hóa xinh xắn nhất tặng rất nhiều cô giáo, thì trong lòng tôi vẫn rưng rức nắm hoa phượng được nhặt dưới sân trường tặng cô hơn 20 năm về trước, cho dù hồi đó chúng tôi không được người lớn bảo hay làm theo ai, chỉ đơn thuần chúng tôi nghĩ nó đẹp và chắc chắn sẽ nhận được cái ôm trong bụi tóc xoăn lòa xòa của cô giáo!

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem