Kể chuyện làng: Về Hà Tĩnh uống nước lu người ơi

Lê Thị Hải Yến Thứ bảy, ngày 19/12/2020 06:30 AM (GMT+7)
Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nơi có gió Lào được xem là "đặc sản" trong những ngày hè đổ lửa.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Về Hà Tĩnh uống nước lu người ơi - Ảnh 1.

Ông và cháu lấy nước trong lu ra. Ảnh: Lê Thị Hải Yến.

"Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh…" dù ở nơi đâu, làm gì, mỗi lần nghe câu hát ấy lòng tôi lại bồi hồi, nhớ thương da diết. Tôi nhớ Hà Tĩnh quê tôi, miền đất gió Lào bỏng rát.

 Xa quê khi vừa 18 tuổi, quê hương luôn là kí ức đẹp, là nơi cất giữ nhiều kỉ niệm tuổi thơ tôi. Mối tình quê hương cứ thế lớn dần theo năm tháng xa nhà học tập rồi mưu sinh trên đất khách quê người. Quy luật của tình cảm con người, xa quê, mỗi người đều mang theo nỗi nhớ tha thiết. Người ta thường nhớ về hình bóng quê nhà với những điều thi vị, êm đềm trong hồn người xa xứ. Riêng tôi, xa quê không những nhớ mà còn thương sâu sắc. Tôi thương nhớ quê, mảnh đất hẹp trên dải miền Trung đất cằn đá sỏi. Bao lớp người tảo tần mưa nắng mà nghĩa tình đậm sâu.


Quê tôi không có nước sạch để sinh hoạt. Làng tôi có một con sông nhỏ (người ta gọi là rào), ven bờ, người quê đào cát lên, làm thành những cái vũng nhỏ như vành nón lá, nước rào trong vắt, mát lành thấm qua cát và dâng vào trong vũng cát ấy. Chiều chiều người dân chen nhau đi gánh nước về nấu cơm, nấu nước chè. Nước rào mà đem nấu với chè xanh thì thơm phức. Chúng tôi, những đứa trẻ chăn trâu thường đào sẵn nhiều hố như vậy để chờ mẹ xong việc đồng áng thì tới múc nước (mỗi lần múc được khoảng nửa bát, người quê tôi gọi là chắt nước). Những giọt nước cứ sóng sánh trên đôi quang gánh mẹ, giọt nước theo mẹ về nhà.


Kể chuyện làng: Về Hà Tĩnh uống nước lu người - Ảnh 2.

Cụ ông đang chuẩn bị lấy nước. Ảnh: Lê Thị Hải Yến.

Cuộc sống của người dân quê tôi cứ thế, bình yên và vất vả. Trẻ con lớn dần, rồi nhiều đứa cũng vào đại học. Tôi theo đám bạn vào Huế thi vào trường sư phạm, tốt nghiệp xong, tôi ở lại công tác tại Thừa Thiên Huế. Đã hai mươi năm xa miền đất ấy, xa dáng mẹ với hai thùng nước kĩu kịt trên vai trong chiều chạng vạng. Tôi không sao quên được. Dấu chân mẹ hằn sâu lên cát, tôi lẽo đẽo chạy theo, thích nhất là được ướm bàn chân bé xíu của mình vào dấu chân to to, bè bè của mẹ. Năm tháng qua đi, đôi vai nhọc nhằn năm xưa của mẹ chai cứng, lưng còng. Mẹ tôi năm nào còn gánh nước đêm trăng cho ngày mai kịp ra ruộng gặt. Mẹ tôi bây giờ mắt nhoèn, ngồi thẫn thờ đếm tuổi.


Còn nhớ như in, năm ấy tôi mười tuổi, bà nội tôi ra thăm cô tôi ở Hải Phòng, quà bà mang về cho bốn chị em chúng tôi là mấy chiếc bánh gai và 3 chai nước máy. Vừa đặt túi xuống, bà lật đật lấy ra ba chai nước trong vắt và bảo: uống đi các cháu, nước máy đấy, ngon đáo để. Nghe tiếng "nước máy" chúng tôi tranh nhau uống. Tôi và thằng út giành nhau một chai, tôi thua nó nên liền tìm cách cướp lại và mở nắp đổ ra với ý nghĩ: mày không cho tao, tao cũng không để mày uống. Những giọt nước nội tôi cất công mang từ Hải Phòng về cứ chảy ra, thành một đường dài, ngoằn ngoèo trong vắt. Nội tôi tiếc của, xuýt xoa. Thằng út hả mồm khóc như ai đánh. Chị cả, anh hai tôi há mồm ra kinh ngạc nhìn chai nước chảy ra và tiếc đứt ruột. Còn tôi, tôi đứng trơ ra và biết mình đã gây ra tội lớn.


Kể chuyện làng: Về Hà Tĩnh uống nước lu người - Ảnh 3.

Trẻ con quê tôi chăn bò trên cánh đồng khô cỏ cháy. Ảnh: Lê Thị Hải Yến.

Ngần ấy năm xa quê, nội tôi đã khuất núi, tôi không thể quên giọt nước năm ấy. Nội ơi, con thương nội quá. Giờ con sống nơi phố thị, nước máy nhiều lắm, mát lắm, nội có biết không. Mỗi lần nhớ về chai nước của nội, trái tim tôi quặn thắt.


Hôm tháng sáu, tôi về giỗ lần thứ 25 của nội, nhìn bố tôi năm nay đã 85 tuổi, chắt từng giọt nước trong lu ra để dành làm cỗ cúng nội. Tôi thương bố, nhớ bà. Đã bao thế hệ, người dân quê tôi vẫn khát một nguồn nước ngọt. Nước giếng quê tôi vừa phèn, vừa mặn chát. Ngày hè, cánh đồng nứt nẻ, khô rang, giếng nhà nào cũng chắt từng ngụm. Người dânphải xây lu trữ nước trời để ăn. Giọt nước quý hiếm được để dành nấu nước chè, nấu cơm và khi nhà có đám giỗ. Nhà nào cưng con thì chỉ những đứa trẻ sơ sinh mới được dùng nước lu để tắm. Nơi nguồn nước khan hiếm này, giọt nước trong lu mới đáng quý làm sao. Mỗi lần về quê, tôi ra lu, chắt một li thật đầy, ngậm vào miệng, chưa nuốt vội, vị ngọt ngấm vào lưỡi, trườn xuống cổ… cảm giác như chạm vào thiêng liêng xứ sở.


Thương lắm quê tôi. Vùng đất khát. Vùng đất cất dành nước trong lu bốn mùa mưa nắng. Về Hà Tĩnh uống nước lu người ơi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem