Kể chuyện làng: Cô và mẹ là hai cô giáo

Trâm Oanh Thứ tư, ngày 28/10/2020 08:00 AM (GMT+7)
Vì cha mẹ suốt ngày quần quật ngoài đồng bãi, cả nước lại chưa có công nghệ thông tin, nên cô giáo và mẹ cũng phải có cách liên hệ đặc thù để tìm ra đối sách trị đám trẻ láo nháo chúng tôi.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Cô và mẹ là hai cô giáo - Ảnh 1.

Bên bờ ao của gia đình.

Tôi thuộc lứa 7x đời đầu. Tôi được sinh ra ở thôn Nam Song, xã Đông Hà, Đông Hưng - Thái Bình. Bố mẹ tôi là nông dân nên những kỷ niệm về thầy cô và mái trường luôn gắn với tuổi thơ nghèo khó và ruộng đồng. Ngày ấy cả nước còn khó khăn nên nhà nhà phải ưu tiên chuyện kiếm ăn. Tuy nhiên các gia đình cũng rất ý thức chuyện con cái phải học hành tử tế để đổi đời, để thoát cảnh "một nắng hai sương" như mẹ cha.

Kể chuyện làng: Cô và mẹ là hai cô giáo - Ảnh 2.

Mảnh sân, mảnh vườn nhà tác giả.

Bởi hầu hết thầy giáo, cô giáo thường sống ở khu tập thể nhà trường hoặc là người trong xã; thầy, cô cũng ra đồng tăng gia sản xuất như nông dân nên cô và mẹ có thể gặp nhau lúc đi chợ, lúc làm đồng hay trong các buổi sinh hoạt trong xóm, trong làng. Vậy nên có nhiều chuyện giữa nhà trường và gia đình, cô và mẹ phối hợp ăn ý và hiệu quả mà trẻ con chúng tôi không hề hay biết.

Kể chuyện làng: Cô và mẹ là hai cô giáo - Ảnh 3.

Con trai tác giả về chơi tại ngôi nhà tuổi thơ của mẹ.

Như chuyện anh hai tôi, anh học lớp vỡ lòng (là lớp một hiện nay) nhưng vẫn chưa biết mặt đồng tiền là thế nào. Đến lớp, anh nghe cô giáo nhắc về nói bố mẹ cho tiền để đóng thuê sách giáo khoa, tiền giấy mực gì đó. Anh nghe cũng chỉ biết về xin mẹ tiền để nộp cho cô. Nhưng mẹ tôi không có tiền đưa anh đi đóng học. Anh đến lớp, ngày nào cũng bị cô giáo nhắc tên, xấu hổ nên về nhà ra tối hậu thư, rằng không cho tiền nộp cô thì anh… nghỉ học. 

Mẹ tôi bị anh dồn đến đường cùng thì may sao kiếm được mảnh giấy báo, xé một miếng vuông vức đưa cho anh, dặn mai đem nộp cô giáo. Giấy báo hồi đó rất hiếm hoi và là của quý, anh tôi học vỡ lòng, chưa biết tiền và chưa biết đọc chữ, tưởng là tiền thật nên cất "tiền" cẩn thận, hôm sau trịnh trọng nộp cho cô. Cô nhận mảnh giấy báo, ngạc nhiên không kể xiết nhưng nhìn vẻ ngây ngô, vô tội của anh thì cô hiểu ý của… mẹ anh. Coi như chuyện đóng tiền sẽ không cần phải nhắc nhở gì nữa, khi nào có tiền thật, mẹ tôi sẽ gửi nộp cô sau.

Kể chuyện làng: Cô và mẹ là hai cô giáo - Ảnh 4.

Con trai tác giả chơi trên cây đa, nơi gắn bó với tuổi thơ của mẹ.

Hay như chuyện anh Lưỡng bạn của chị cả tôi, nhà ở bên cạnh trường học. Anh được bố mẹ yêu chiều nên sáu tuổi, đầy miệng răng, học đến vỡ lòng rồi mà vẫn còn bú "tí" mẹ. Giờ ra chơi, nhớ tí, anh tranh thủ chạy ù về. Mẹ anh biết con trai đến cữ thèm sữa nên đến đúng giờ đó, bà cũng quẩn quanh chờ trai yêu về ngậm vú da. Có khi bận chuyện ở lớp, gần hết giờ ra chơi anh mới hộc tốc chạy về. Mẹ anh chờ lâu không thấy con về lại nghĩ trai yêu bỏ cữ nên quẩn quanh ra vườn. Anh về, lên cơn thèm mà không thấy mẹ chờ sẵn thì cáu: 

- Nhanh lên, nhanh lên không chúng nó vào lớp bây giờ!

Kể chuyện làng: Cô và mẹ là hai cô giáo - Ảnh 5.

Một ngôi nhà thờ trong làng.

Một thời gian, mẹ anh Lưỡng thấy chuyện anh ngậm vú da mãi cũng chướng nên bữa đi chợ gặp cô giáo, mẹ và cô bàn, đi đến thống nhất cách cai sữa cho anh. Cuối buổi học hôm đó, tự dưng cô giáo hỏi cả lớp anh một câu nghe như chuyện ở đâu đâu: 

- Cho cô hỏi các em; lớp ta có còn bạn nào bú tí mẹ không?

Cả lớp nhao nhao:

- Dạ không!

- Eo ôi, lớn, ai còn bú tí mẹ!

Lại có ý kiến bổ sung:

- Nhưng có mấy bạn con gái còn sờ tí mẹ!

Anh Lưỡng ngồi im, mặt cúi gằm. May không bạn nào biết cái bí mật chết người của anh. Biết, bạn tố cho thì chỉ có nước xấu hổ mà chui xuống gầm bàn. Tối hôm ấy, nằm bên mẹ, anh thủ thỉ:

- Mẹ cho con bú tí, chỉ một lần, một lần này nữa rồi thôi!

Kể chuyện làng: Cô và mẹ là hai cô giáo - Ảnh 6.

Nhà thờ họ Nguyễn Đức bên ngoại của tác giả.

Mẹ anh cười, vạch vú da mà chẳng cần hỏi lý do. Biết rồi thì còn hỏi làm gì. Hôm sau, câu chuyện cai sữa thành công cho anh Lưỡng được các phụ huynh mang ra ruộng cấy, kể cho nhau nghe, pha trò thêm, vui nổ trời.

Chiều con như thế, ai bảo ngày trước cha mẹ chỉ có nghiêm khắc mà không có những chuyện yêu chiều con đến oái oăm?

Một câu chuyện phối hợp ăn í khác, như chuyện Hào, bạn tôi. Nhà Hào có điều kiện hơn các gia đình khác một chút nên buổi sáng có cơm nguội để ăn đi học. Nhưng Hào không thích loại cơm nguội chỉ được hâm lên cho nóng. Hào thích cơm nguội phải được rang lên với mỡ, hành, vừa béo nhẫy vừa thơm lừng, lại có vài hạt cháy giòn sần sật. Nhưng mỡ lợn hồi đó là của quý, cần được dành dụm để chế biến món ăn cho các bữa chính hoặc để nấu nướng khi nhà có khách. Chính vì chuyện cơm rang có mỡ hay không mỡ mà ngày nào chàng Hào cũng vùng vằng, vùng vằng trước khi đi học. Mẹ Hào hết cách nên lại tìm đến cô giáo.

Kể chuyện làng: Cô và mẹ là hai cô giáo - Ảnh 7.

Trải nghiệm tắm ao của thế hệ thứ ba khi về thăm quê.

Một buổi sinh hoạt lớp cuối tuần, lúc mọi người đã xếp sách vở bỏ vào cặp, chuẩn bị ù ra ngoài thì cô giáo gõ gõ cây thước xuống bàn:

- Trật tự, trật tự!

Cả lớp đang nhốn nháo, nghe tiếng thước lim đầy uy lực của cô thì lặng phắc.

- Cả lớp cho cô hỏi: Cô nghe thông tin có bạn, buổi sáng đòi bố, mẹ phải rang cơm với mỡ mới chịu ăn. Không biết bạn ấy có ở trong lớp ta không?

- Dạ không!

Cả lớp trả lời đồng thanh như một máy tự động được nhấn nút.

Kể chuyện làng: Cô và mẹ là hai cô giáo - Ảnh 8.

Tác giả bên cánh đồng quê hương

Hào bây giờ là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Hào cao, to, người vững chãi như một cây cột đình, tôi vẫn đùa, đúng tạng người thích ăn mỡ. Chúng tôi gặp nhau, lần nào cũng nhắc chuyện ngày xưa và lần nào cũng có câu chuyện cơm rang mỡ. Và lần nào, Hào cũng vô cùng duyên dáng diễn lại cảnh thuở ấu thơ, có một khoảnh khắc lặng thinh, bẽn lẽn cúi thấp trốn ánh nhìn và câu hỏi về chuyện rang cơm có mỡ của cô giáo mình.

Nghe, nhìn, nhớ, và thương.

Thương thương là!

Chuyện kể về cô và mẹ gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ như ba câu chuyện kể trên, lứa chúng tôi có nhiều vô kể. Với chúng tôi, ngày ấy, cô và mẹ luôn gần gũi và thân thương, đúng như lời bài hát "là hai cô giáo", "ấy hai mẹ hiền".

Ở trường, cô là người Thầy truyền dạy kiến thức cho chúng tôi; hết giờ lên lớp, cô lại như người làng, người hàng xóm, người nông dân canh tác trên mảnh ruộng kế bên ruộng nhà mình. Có điều kiện gần gũi thế, nên cô hiểu cặn kẽ từng đứa học trò. Việc đánh giá học lực ngày ấy thực chất nên năm nào một lớp học cũng có năm, ba bạn bị lưu ban lại. Bởi vậy, chuyện mấy anh chị em trong nhà học cùng một lớp là việc thường tình. Và cô luôn hiểu, luôn nhớ, những học trò nào là anh chị em trong nhà; chị em nhà trò X có khiếu môn văn; anh em nhà trò Y mạnh môn toán; mấy anh, chị em nhà kia có khiếu hội họa và giỏi làm báo tường; trò nhỏ cuối làng có hoàn cảnh gia đình khó khăn... Cô hiểu hết, hiểu cặn kẽ để phát huy lũ nhóc chúng tôi. Để gắn kết đám trẻ luôn nhốn nháo thành một khối và lấy đứa này bù đắp cho đứa kia.

Là người cùng làng, cùng xã, hiểu cặn kẽ và "ra đụng vào chạm" nhưng hình ảnh thầy, cô giáo luôn là hình mẫu để chúng tôi nể trọng và yêu quý. Ngay cả những bạn tính tình nghịch ngợm cũng chưa bao giờ dám có biểu hiện "gần chùa gọi bụt bằng anh" với thầy cô. Tôi nghĩ, có được mối quan hệ tốt đẹp như thế, không chỉ từ đức tính gương mẫu của thầy cô giáo, đạo đức của học sinh mà cần một phần tác động quan trọng từ các bậc phụ huynh. Sự kính trọng thầy cô của học sinh phải được gieo mầm từ trong gia đình mà điều đó, ngày nay trong nhiều gia đình đã thiếu vắng. Chạnh nghĩ, thuở xưa, nếu không có sự phối hợp ăn ý giữa gia đình và nhà trường; nếu như mỗi lời thầy, cô nói không như chân lý thì mỗi gia đình làm sao có thể nuôi dạy bầy con đông đúc trưởng thành?

Có những khi bạn bè xưa cũ gặp lại, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu câu chuyện ngộ nghĩnh được nhắc nhớ và cười, cười đến chảy cả nước mắt. Nhưng tuyệt nhiên, chúng tôi không thể tìm ra ký ức về những khẩu hiệu với lời lẽ hoa mỹ; những bài giảng dài dòng về bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ của một học trò hay những hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa. Chúng tôi chỉ nhớ, mình đã lớn lên, đã trưởng thành nhờ những câu nói, những xử sự mộc mạc, tinh tế và đầy tình yêu thương, như chuyện anh Hai của tôi, của anh Lưỡng và của Hào.

Bởi mẹ của chúng tôi là một cô giáo và cô giáo của chúng tôi có tấm lòng của người mẹ.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem