Kể chuyện làng: Độc đáo một ngôi làng với nhiều cách yêu nước khác nhau

Quốc Phong Thứ tư, ngày 06/04/2022 07:00 AM (GMT+7)
Trong lịch sử Cách mạng nước nhà, có lẽ đã có rất nhiều người yêu nước nhưng họ lại không cùng một khuynh hướng chính trị.
Bình luận 0

Thậm chí, chỉ nội trong một gia đình, một gia tộc như quê tôi thì nhiều người cũng rất ghét Pháp, ghét Mỹ xâm lược Việt Nam nhưng cũng lại có quan điểm chống Pháp và sau này là chống Mỹ lại rất khác nhau. Câu chuyện sau đây có lẽ là một trong số rất nhiều người mà tôi biết trong đời sống chính trị nước Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945, thậm chí cả sau 1954 cho đến tận hôm nay. Người ta cũng có nhiều cách yêu nước và cũng không nhất thiết cứ phải nhất quán chung một chủ thuyết chính trị, về đường hướng xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng. Có lẽ chúng ta, ở một góc độ nhìn nhận vấn đề cũng nên tôn trọng nhau và không nên áp đặt cho dù vẫn có thể tranh luận.

Làng Hành Thiện (Nam Định) quê tôi hiện có trên 200 tiến sĩ trong đó có khoảng 80 GS và Phó GS, có đến 12 vị được phong tướng và có khoảng gần chục vị có cấp chức tương đương từ Bộ trưởng và Trung ương uỷ viên trở lên đến chức Tổng Bí thư .

Chuyện chỉ trong nội tộc nhà tôi cũng đã lý giải vì sao tôi hay đề cập và khát khao dân tộc mình sớm xóa bỏ hận thù, đi tới hòa giải và hòa hợp dân tộc càng sớm càng tốt.

1- Giáo sư Đỏ Nguyễn Thế Rục

Năm 2000, tôi có viết một bài trên báo Thanh niên (ngày 25/2/2000) đề cập đến một nhân vật rất đặc biệt. Đó là chiến sĩ Cộng sản Nguyễn Thế Rục. Ông được các đồng chí của ông phong cho là "Giáo sư Đỏ" khi thuộc lớp người Việt Nam đầu tiên được cử sang Liên Xô cũ học tại Đại học Phương Đông và sau đó học tiếp Trường Giáo sư Đỏ. Các trường này đào tạo cho Cách mạng các nước những lãnh đạo có trình độ và kiến thức đủ tầm thuyết phục người dân đang muốn đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng áp bức đô hộ của chế độ thực dân hà khắc.

Kể chuyện làng: Độc đáo một ngôi làng với nhiều cách yêu nước khác nhau
 - Ảnh 1.

Kể chuyện làng: Độc đáo một ngôi làng với nhiều cách yêu nước khác nhau
 - Ảnh 2.

Gia đình ông Rục vốn rất ghét Pháp xâm lược nhưng không phải ai cũng theo cộng sản như ông Nguyễn Thế Rục. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Thế Rục đã học Tú tài Pháp rồi sau đó sang Pháp học Đại học. Từ đây, ông được Đảng cộng sản Pháp giới thiệu sang Matxcova để học Đại học Phương Đông như tôi vừa kể.

Xuất thân trong một gia đình trí thức là địa chủ giàu có. Ông có ông nội làm đến chức quan Tri phủ. Ông là người làng Hành Thiện quê tôi. Vì thế nên tôi có điều kiện tìm hiểu kỹ. Gia đình ông Rục vốn rất ghét Pháp xâm lược nhưng không phải ai cũng theo cộng sản như ông Nguyễn Thế Rục.

Ông Thế Rục sau này trở về nước hoạt động bí mật nhưng lại không "3 cùng" với giới thợ thuyền và nông dân mà lại viết báo viết sách và sống bằng tiền từ người cha của ông từ quê gửi lên chu cấp hàng quý, hàng tháng.

Cũng có thể có một lý do, ông Nguyễn Thế Rục sức khỏe không tốt, đau ốm, lao phổi từ sớm (ngay từ lúc rất trẻ) cho nên lao động chân tay có lẽ không hợp chăng?

Sau khi tôi viết bài trên báo Thanh niên đặt dấu hỏi về những ngày đầu tiên Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, ngoài ông Trần Phú, TBT của Đảng là người soạn thảo Luận cương Chính trị Năm 1930 thì còn có một nhà lý luận Mác Xít rất ít ai biết, ông cũng là người tham gia cùng TBT Trần Phú soạn thảo Luận cương Chính trị 1930, đó chính là ông Nguyễn Thế Rục. 

Nơi để 2 ông hội ý và viết Luận cương Chính trị, đó là địa chỉ 16 phố Cầu Gỗ, Hà Nội. Đây là ngôi nhà của ông bà Nguyễn Tư Tề - Đặng Thị Khiêm bố trí cho họ làm việc hàng tuần. Ông Nguyễn Tư Tề là bác ruột của cha tôi, ông cũng hành nghề chữa bệnh bốc thuốc Đông được như cụ thân sinh ra ông và người em trai của mình, ông Nguyễn Tư Phấn - ông nội của tôi.

Sở dĩ ông không được ghi công lớn chính vì 2 lý do: Ông hoạt động Cách mạng nhưng bằng tiền của gia đình nuôi và ông đã ra đi quá sớm cho nên sau này, Đảng thống nhất chỉ ghi tên tác giả Luận cương Chính trị 1930 có một người, đó là TBT Trần Phú.

Thực ra, để viết được bản Luận cương Chính trị, có lẽ cũng cần có trình độ. Ông Trần Phú là người có thực tiễn và ông Nguyễn Thế Rục là người có lý luận được đào tạo qua hai trường quan trọng bên Liên Xô là Trường ĐH Phương Đông và sau đó là Trường Giáo sư Đỏ. Đó là chưa kể ông từng là sinh viên Trường Đại học Thương Mại Montpellier (từ 1923) rồi mới sang Liên Xô học tiếp trước khi về nước.

Theo hồi lý của ông Bùi Công Trừng thì Nguyễn Thế Rục là người rất giỏi tiếng Pháp và cũng là người duy nhất giỏi tiếng Nga trong số các sinh viên Việt Nam tại Liên Xô. Cũng vì lợi thế này mà chàng thanh niên ấy cũng là người học giỏi nhất.

Nguyễn Thế Rục cũng đã từng gặp Nguyễn Ái Quốc tại Paris trước khi sang học bên Liên Xô.

Những người Cộng sản Quốc tế đầu tiên của Việt Nam năm 1927 được Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản công nhận là Chiến sĩ Cộng sản Quốc tế của Việt Nam, đó là 5 vị: Trần Phú, Nguyễn Thế Rục, Ngô Đức Trí, Nguyễn Xích và Bùi Công Trừng kể từ đó.

Sau khi về nước, tổ chức Đảng đã kiến thiết để TBT Trần Phú gặp lại Giáo sư Đỏ Nguyễn Thế Rục. Mục đích để hàng tuần, hai ông gặp nhau cùng trao đổi và soạn thảo Luận cương của Đảng. 

Ông Trường Chinh, sau làm Tổng Bí thư, khi đó được Đảng giao nhiệm vụ đứng ra lo việc này.

Thật tiếc cho ông Nguyễn Thế Rục vì bạo bệnh mà ra đi quá sớm khi mới có 36 tuổi. Một trí thức cộng sản đích thực dấn thân đến với Cách mạng từ một gia đình quyền quý, dám hy sinh giàu sang để cứu nước khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp và phong kiến. Một quá khứ thế mà đến với cách mạng nên tôi lại càng thêm kính nể ông.

2- Người phụ nữ cũng yêu nước, giúp đỡ Cách mạng khi cần nhưng không tán thành đấu tranh giai cấp của Đảng Cộng sản

Bà Đặng Thị Khiêm (sinh năm 1904) có lẽ là nhân vật rất đặc biệt như thế và tôi muốn kể sau đây.

Đây là người phụ nữ sinh trưởng trong một gia đình giàu có của làng Hành Thiện và bà chính là em gái của bác sĩ Đặng Vũ Lạc, người mở bệnh viện tư nhân to có hạng của Hà Nội sau khi được du học tại Pháp về nước và bác sĩ Đặng Vũ Lạc cũng là vị "đốc tờ Tây" thứ hai của Đông Dương.

Bà Đặng Thị Khiêm là người phụ nữ từng tích cực ủng hộ những người cộng sản đấu tranh chống thực dân đế quốc. Song bà lại không tán thành chủ trương đấu tranh giai cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Kể chuyện làng: Độc đáo một ngôi làng với nhiều cách yêu nước khác nhau
 - Ảnh 3.

Phải mãi đến năm 1979 Đảng và Nhà nước ta mới có quyết định ghi nhận công lao của gia đình ông bà Nguyễn Tư Tề - Đặng Thị Khiêm năm 1930. Ảnh: TL

Cũng vì thế, mặc dù được ông Trường Chinh, khi mới ở cương vị Trưởng ban Tuyên truyền cổ động của Trung ương Đảng đã vận động bà vào Đảng cộng sản Đông Dương, bà vẫn khước từ cho dù bà vẫn giúp Cách mạng và về góc độ gia đinh, chồng bà Khiêm (ông Nguyễn Tư Tề) còn là anh con cậu (bác) ruột của ông Trường Chinh.

Cũng vì ông bà Nguyễn Tư Tề và Đặng Thị Khiêm bất đồng về quan điểm chính trị, người thì thích hoạt động chính trị, người thì chỉ muốn làm nghề chữa bệnh mà cuối cùng ông bà đã ly dị.

Để theo đuổi sự nghiệp chống Pháp theo cách của mình, bà Khiêm đã bắt tay với Đảng trưởng Đảng Đại Việt Quốc dân Trương Tử Anh và trở thành người giữ tay hòm chìa khóa cho đảng này đến khi bà di cư vào năm 1954.

Sau ngày giải phóng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh hay tin bà vẫn khoẻ mạnh thì có gửi thư thăm hỏi bà Khiêm bởi dù sao bà cũng là chị dâu họ của mình, lại có quá trình giúp Đảng cộng sản lúc các ông khó khăn nhất.

Ông Trường Chinh có khuyên bà là nên ủng hộ Cách mạng, đừng tham gia gì không có lợi cho chế độ đang vừa nắm quyền kèm theo lời ghi nhận, sự biết ơn của Cách mạng từng được bà giúp đỡ trước đây.

Ngay sau khi đất nước thống nhất không lâu thì nhà bà đã bị quân quản khám xét do biết là người tham gia đảng phái chính trị cho dù bà Khiêm vẫn không hề ủng hộ chế độ Nguyễn Văn Thiệu.

Khi lục soát nhà, họ thấy lá thư của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh. Họ đã hỏi bà về lá tư trên rồi mang đi. Chắc là để hội ý, báo cáo cấp trên xem trường hợp này sẽ xử lý kiểu gì chăng?

Và sau đó thì họ cũng không quay lại làm gì khó dễ với bà và cũng không trả bà Khiêm lá thư nói trên.

Phải mãi đến năm 1979 Đảng và Nhà nước ta mới có quyết định ghi nhận công lao của gia đình ông bà Nguyễn Tư Tề - Đặng Thị Khiêm năm 1930. Song vì tế nhị vì biết bà vẫn không thích cộng sản nên Bằng có công với nước lại mang tên ông bác ruột của cha tôi.

Vì gia đình ông Nguyễn Tư Tề không còn người nối dõi cho nên ngày trao Bằng nói trên ông Tề không có người nhận mà lại là hậu duệ là cha tôi nhận và nay thì để tại phòng thờ của gia đình tôi bởi tôi đã là Trưởng họ của dòng tộc đã 5 đời nay.

3- Người dám trở tang cụ Hồ Chí Minh ngay giữa Sài Gòn

Làng tôi không chỉ có một điển hình về lòng yêu nước nhưng không theo cộng sản như bà Đặng Thị Khiêm mà còn có nhân vật Nguyễn Thế Truyền cũng rất đặc biệt.

Ông Thế Truyền từng nổi tiếng từ khi rất trẻ (ngay từ năm 1922, khi mới 33 tuổi). Ông còn là 1 trong 5 người được gọi là "nhóm Ngũ Long" trong đó có cụ Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Ái Quốc.

Kể chuyện làng: Độc đáo một ngôi làng với nhiều cách yêu nước khác nhau
 - Ảnh 4.

Ông Thế Truyền xuất thân trong một gia đình quyền thế, có ông nội là tuần phủ, cha và chú là tri phủ. Ảnh: TL

Ông Thế Truyền xuất thân trong một gia đình quyền thế, có ông nội là tuần phủ, cha và chú là tri phủ.

Phát hiện ra một cậu bé rất sáng dạ đang ở với ông nội, viên Phó công sứ Thái Bình đã xin cho cậu sang Pháp du học, khi đó cậu mới học lớp nhì tiểu học (ngang lớp 4 bây giờ).

Quả như phát hiện của viên phó công sứ, cậu bé Thế Truyền, năm 1915, sau 5 năm học rất xuất sắc đã đỗ Brevet Superieur (tú tài Pháp), rồi cùng một lúc học 2 trường đại học. Năm 1920, chàng thanh niên đó đã có 2 bằng kỹ sư hóa học và cử nhân lý hóa; năm 1922 lại có bằng cử nhân văn chương ban triết và chuẩn bị xong luận án tiến sĩ khoa học vật lý thiên văn, nhưng chưa bảo vệ luận án.

Khi đang học Đại học Sorbonne, ông đã chịu ảnh hưởng tư tưởng yêu nước của các cụ Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường. Vào các năm 1922 - 1923, ba người cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và ông Nguyễn An Ninh chơi thân với nhau, hình thành nhóm Ngũ Long như tôi vừa nêu do cụ Phan Chu Trinh làm thủ lĩnh.

Vì thông minh, học rất giỏi lại chịu khó đọc sách báo, có kiến thức toàn diện về khoa học kỹ thuật và nhân văn, nên ông được cụ Phan rất khen ngợi.

Nếu không lao vào cách mạng, tiếp tục nghiên cứu khoa học thì có lẽ ông đã trở thành một nhà khoa học, một giáo sư đại học giỏi. Hoặc nếu ông về nước, "ngoan ngoãn" theo chính quyền ở Đông Dương thì chắc chắn đã được trọng dụng.

Ông liên lạc với các nhân vật Pháp nổi tiếng, bênh vực các dân tộc thuộc địa, gia nhập Hội Liên hiệp thuộc địa, viết báo Le Paria (Người Cùng Khổ). Trong số tháng 9 ra ngày 1/12/1922, ông viết bài bảo vệ cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tình bạn giữa Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thế Truyền rất sâu sắc. Các thám tử Bộ Thuộc địa có trách nhiệm giám sát ông Truyền đã gửi nhiều báo cáo lên cấp trên: "Sáng nào Nguyễn Ái Quốc cũng đến nhà Nguyễn Thế Truyền trước khi đi làm; Nguyễn Ái Quốc hay đến nhà Nguyễn Thế Truyền dùng cơm và ở lại với Truyền đến 3 - 4 giờ liền" (các báo cáo đề ngày 31/12/1922; 8/1/1923; 20/4/1923; 4/10/1923).

Theo ông Hoàng Văn Chính, trong cuốn Từ thực dân đến cộng sản thì ông Truyền đã đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến gặp các lãnh tụ đảng Xã hội Pháp như Léon Blum, Marius Moutet và các lãnh tụ đảng Cộng sản Pháp như Marcel Cachin, Paul Vaillant Couturier. Trước khi rời Paris sang Liên Xô tháng 4/1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa cho ông Nguyễn Thế Truyền bản thảo cuốn Le procès de la colonitation francaise (Bản án chế độ thực dân Pháp) nhờ sửa chữa và đề tựa, cho in. Cuốn sách đó đã được phát hành năm 1926 và năm 1946 đã được tái bản tại Hà Nội, có cả lời đề tựa.

Tuy ông Nguyễn Thế Truyền có gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1923, nhưng sau 1 năm ông xin rút. Ông chỉ muốn tranh thủ sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp để đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà. Ông không tán thành chủ nghĩa cộng sản. Ở Pháp, ông diễn thuyết về chủ nghĩa quốc gia, hoạt động trong Liên minh chống chính sách thuộc địa, hoạt động trong Ủy ban đòi ân xá các chính trị phạm Đông Dương và có nhiều hoạt động sôi nổi khác.

Kể chuyện làng: Độc đáo một ngôi làng với nhiều cách yêu nước khác nhau
 - Ảnh 5.

Tuy ông Nguyễn Thế Truyền có gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1923, nhưng sau 1 năm ông xin rút. Ảnh: TL

Các thủ tướng chế độ Sài Gòn thời đó muốn dành cho ông một ghế bộ trưởng nhưng ông bất hợp tác, chỉ say khướt rượu loại sang mà họ mang tặng. Hiệp định Genève được ký kết, ông Truyền đang ở Hà Nội. Sau này ông kể với người thân và bạn bè rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử người đưa một lá thư cho ông, thư nhắc đến tình bạn giữa hai ông trên 30 năm trước, khuyên ông không nên di cư và mời ông ở lại góp sức xây dựng lại đất nước đã được độc lập. Ông đã tỏ lời cảm tạ nhưng từ chối, rồi vào Sài Gòn sinh sống.

Ở Sài Gòn trong 15 năm, tuy sống trong cảnh túng thiếu, không làm cho chế độ Sài Gòn cũ, ông vẫn làm báo, viết báo cảnh báo về nguy cơ của chế độ độc tài, gia đình trị, phản ứng hoặc góp nhiều ý kiến với Ngô Đình Diệm trong các vấn đề kinh tế - xã hội thời ấy.

Diệm đổ, các tướng lĩnh lên thay, cũng muốn tranh thủ ông, nhưng ông không tin tưởng và cho rằng sớm muộn "chế độ Việt Nam cộng hòa" cũng sẽ sụp đổ do phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ lên cao.

Người dân ở Sài Gòn năm 1969 có truyền nhau rằng, ông là người khi hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần (cách ngày ông mất hơn hai tuần), đã tỏ rõ sự buồn bã và dám để tang công khai Chủ tịch Hồ Chí Minh - người bạn lớn mà ông luôn kính trọng - giữa đất Sài Gòn.

Yêu quý và trân trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh như người anh (Cụ Hồ hơn ông 8 tuổi), thế nhưng ông lại không muốn đi theo những người cộng sản. Yêu nước là thế nhưng lý tưởng thì khác nhau (theo tác giả Nguyễn Duy Tiễu trên báo Thanh niên)

Và có thể vì hiểu khá tường tận về những người thân thiết của gia tộc mình mà tôi luôn mất nhiều công sức hàng chục năm qua và cũng đã viết khá nhiều về vấn đề hoà hợp, hoà giải dân tộc với một mong muốn rất đơn giản: Hãy làm hết sức để dân tộc ta xoá bỏ hận thù, hoà hợp dân tộc...

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem