Ở quê tôi có một vật "anh em" với cái tủ là cái rớ. Rớ có mắt lưới lớn hơn, được đan bằng sợi, có màu nâu hoặc vàng. Nhờ có mắt lưới lớn nên khi kéo rớ, nước thoát nhanh, cá nhảy không kịp, bắt được các loại cá lớn như cá tràu (cá lóc), cá trê, cá rô, cá diếc…
Quê tôi ven sông Vu Gia (Đại Lộc, Quảng Nam) thuộc vùng trũng thấp nên cứ mưa lớn khoảng vài ngày thì nước lũ đầu nguồn chảy tràn khắp nơi và dâng trắng cánh đồng. Lúc đó, nhiều loại cá ức nước bơi ngược dòng để "ngao du" hoặc đẻ trứng. Cá lát, cá rô thóc, cá cấn, cá mại… sức vóc nhỏ bé nhưng cũng bơi men theo các vịnh nhỏ gần bờ. Đó là thời điểm người dân quê gọi nhau đi "đứng tủ" hay "kéo tủ".
Cái tủ gồm có 3 bộ phận chính: lưới, gọng và sào chống. Hai cái gọng được vót bằng tre đực rắn chắc, dài khoảng 3-4 mét, dày hơn 2 ngón tay người lớn. Tre vót xong mang ngâm dưới bùn 1 tháng cho "chín", sau này không bị mối mọt. Diện tích tấm lưới tủ cũng tùy theo sức khoẻ, sở thích người sử dụng.
Lưới làm bằng nylon. Mắt lưới nhỏ nên khi kéo, nước thoát chậm chỉ bắt được cá con, còn cá lớn khi nghe động là phóng ra khỏi lưới ngay. Ngoài ra, có một cây sào bằng bắp tay, dài khoảng 4m, đầu sào nối với một sợi dây thừng để người đứng trên bờ nắm kéo. Thả tủ xuống nước khoảng 5 - 7 phút rồi kéo lên, khi có cá dùng một cái gáo dừa có cán, hoặc cái bát để xúc cá con đổ vào xô. Sở dĩ gọi là "đứng tủ" bởi vì người đánh bắt chỉ việc "đứng" một chỗ nắm sợi dây thừng kéo gọng tre và lưới lên trên mặt nước để vớt cá.
Khá giống với rớ là rập nhưng diện tích nhỏ hơn, gọng ngắn và cứng hơn, không có cây sào. Rập dùng bắt cá lớn. Vào mùa khô, khi các ao, bàu sông cạn dần, người ta rủ nhau đi rập. Họ dàn hàng ngang, mỗi rập cách nhau khoảng 2 tấc, vừa lội nước vừa úp rập xuống tận đáy nước, sau đó dùng 1 chân rà trên lưới. Người đi rập biết được cá lớn, bé qua cái quẫy của cá trên tấm lưới, truyền qua chân, chỉ việc ngồi xuống hoặc hụp xuống nước bắt cá. Khi gặp cá quá lớn, có thể gọi người bên cạnh trợ giúp.
Các lão ngư quê tôi kể rằng, ngày trước người ta đi rập cả làng, chủ yếu là đàn ông. Đặc biệt, trước khi xuống nước, họ đều cởi hết áo quần ra để trên bờ nhằm "úp" cho thoải mái. Lý giải hiện tượng "ở truồng" nói trên, các cụ cười dí dỏm cho biết: "Một phần là họ sợ ướt áo quần, một phần là nếu không mặc gì thì dễ phát hiện đỉa bu bám mà thấy gỡ ra. Ngoài ra, khi đi rập, mức nước thường trên bụng nên "chả ai thấy ai" cả. Nhưng sợ nhất là "mấy o" mua cá đang tranh nhau mua cá "từ xa" đang nghiêng nghiêng vành nón đứng chỉ chỏ trên bờ".
Trên bờ mương, người già, trẻ con cùng kéo rớ hoặc kéo tủ, họ vừa kéo vừa trò chuyện. Kéo tủ hay kéo rớ rất vui và hào hứng nên thu hút nhiều người đến xem, nhất là lũ trẻ. Ngày trước, toàn xã tôi có gần 100 rớ lẫn tủ để bắt cá trong mùa mưa. Song giờ đây, lượng tủ, rớ giảm dần do cánh đồng ít cá, nên câu ca xứ Quảng: "Siêng đi tát, nhác đi câu, muốn cho đầy bầu: chạy "dề, dác "tủ" đã không còn "cập nhật" nữa".
Trời sẩm tối, mọi người mới thu xếp gọng, lưới và mang cá về nhà. Không gì bằng một bữa cơm gạo quê thơm dẻo, ăn với món cá rô nướng ròn tan dầm với nước mắm Nam Ô, tỏi gừng. Món cá tràu nấu canh chuối chát và rau hổ điếc có hương vị rất quyến rũ, canh nóng bốc khói thơm lừng, ngọt ngào, vừa chan vừa húp. Đặc biệt, mớ cá con, nặn bỏ ruột (ở con lớn), rửa sạch kho với đọt lá nghệ, lá gừng tươi xắt nhỏ, khi cá sôi, chế vào một muỗng dầu ăn, lúc này nồi cá đồng kho sực nức thơm tho, rất hấp dẫn với những cái bụng đói cồn cào vì lội nước.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.