Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tuổi thơ tôi lớn lên bên đống sắn cao ngất ngưởng trước hiên nhà. Nhiệm vụ của mấy anh chị em chúng tôi, ngoài giờ đi học là cạo vỏ sắn. Bởi cha tôi chết sớm qua một cơn bệnh hiểm nghèo, nên nhà thiếu lao động. Anh chị em chúng tôi giúp mẹ được phần nào hay phần nấy. Chúng tôi được mẹ trang bị một cái dao cạo vỏ sắn bằng thép. Cứ vậy, những đống sắn cũng vơi dần theo những tháng ngày "cần mẫn", miệt mài và cố gắng của anh chị em chúng tôi.
Tôi còn nhớ như in, hằng năm khi mùa hè đến, cả làng tôi bắt đầu thu hoạch sắn trên rẫy. Lúc này trời có nắng nên việc nhổ, xắt, phơi phong và trồng lại sắn khá thuận tiện. Sắn sau khi mẹ tôi nhổ trên rẫy gánh về, anh chị em chúng tôi miệt mài cạo vỏ và mẹ xắt (thái) lát mỏng, sau đó mẹ tôi rửa sạch, ngâm với nước chua khoảng 2 – 3 ngày rồi rửa lại để ráo nước và phơi trên những cái nong sạch sẽ khoảng ba, bốn nắng là khô, mẹ mang ra chợ bán hay cất vào ghè để sáo (ghế) cơm ăn dần, thi thoảng mẹ mang ra giã bột làm các món bánh bánh "trôi nổi" cuốn rau muống chấm mắm cái ăn trừ cơm vào những ngày giáp hạt.
Để làm món bánh ít sắn này, mẹ tôi nhào bột sắn khô với nước, để khoảng ít lâu cho bột nở ra. Trong lúc chờ đợi, mẹ bảo anh em tôi đi ra vườn cắt lá chuối để gói. Phần mẹ thì bận rộn với phần nhân bánh với đậu đen hầm mềm giã nhỏ, trộn với dừa bào sợi và các loại gia vị, gừng tươi, rau mùi tàu… sau đó mẹ khử dầu phụng với hành và xào sơ qua hỗn hợp nhân này.
Để gói bánh, mẹ xé lá chuối mỗi miếng khoảng 2 tấc, lau chùi sạch sẽ, bà múc bột sắn đã ủ trải dài trên lá và "đánh rãnh". Sau đó mẹ lấy muỗng múc nhân đậu đen đã chế biến cho vào rãnh. Cuối cùng là một lớp sắn đắp trên nhân và gói lại, buộc hai dây chuối để giữ lá khỏi bung.
Gói xong, mẹ bắc cái nồi to, cho vào nồi cái rế và đổ nước vừa đủ. Trên rế là cái vỉ bằng tre. Mẹ xếp những cái bánh ít sắn lên trên vỉ để hấp, mẹ không quên thêm vào vài lá dứa thơm, đậy vung lại và nấu. Khoảng 30 phút sau, bánh chín, mẹ mở vung sắp bánh ra rá nhựa. Mùi lá chuối, nhân bánh, lá dứa… tỏa ra thơm ngát trong gian bếp ngày xuân.
Mẹ mang bánh ít sắn còn nóng hôi hổi sắp vào đĩa bưng lên bàn thờ cúng cha tôi, mẹ trầm buồn nói: "Lát nữa đây, sau khi bánh ít sắn cúng cha xong, các con sẽ được "thưởng thức" bánh ít sắn quê nghèo. Và mẹ tin rằng trong giờ phút ấm áp và thiêng liêng này cha của các con sẽ thông cảm và cũng đang bên mẹ con mình sum họp…".
Chúng tôi nhìn mẹ rồi nhìn nhau, mắt ai cũng rưng rưng.. Ôi… chỉ ít phút nữa thôi, chị em chúng tôi sẽ hân hoan trong niềm hạnh phúc với những chiếc "bánh ít lòng nhiều" bằng nguyên liệu sắn, rất dẻo, thơm ngon chứa đựng cả một khung trời ngày xuân thương nhớ, ấp ủ trong từng chiếc bánh có tấm lòng yêu thương bao la vô bờ bến của cha tôi (trên bàn thờ) và của mẹ tôi đối với đàn con thơ dại.
Tôi còn nhớ rõ, những buổi trưa trong tiết trời nóng nực, sau khi cúng bánh ít cho cha xong, mẹ con chúng tôi dọn xuống ăn rất ngon lành bởi những chiếc bánh ít sắn dẻo thơm mùi lá dứa với nhân đậu đen bùi bùi hòa quyện với vị thơm nồng, cả nhà tôi đang đói bụng nên ăn rất ngon và chưa có mùa hè nào ăn "bánh ít" đầy hương vị như thế. Đó là những chiếc bánh ít gói ghém tấm lòng của mẹ hiền, trong đó có sự tảo tần, chất chứa bao nhọc nhằn, vất vả của mẹ tôi.
Giờ đây, khi có dịp đi qua khu vườn nhà ai, thấy dáng bà mẹ quê đang lom khom phơi sắn lát, lòng tôi lại bùi ngùi nhớ về mẹ tôi, cứ tưởng tượng mẹ đang phơi sắn năm nào. Hằng năm, lúc hè về có ngày giỗ mẹ, món "bánh ít lòng nhiều" theo công thức mẹ, dẫu chế biến rất kỳ công nhưng anh chị em tôi vẫn làm để trước thì quãy (cúng) mẹ, sau là ăn để nhớ lại những ngày thơ tấm bé thuở xưa.
Sau này kinh tế gia đình của chúng tôi ngày thêm phát triển, anh chị em tôi mua, sắm nhiều loại bánh trái rất ngon để cúng ông bà và cha mẹ tôi. Song trong những phẩm vật dâng cúng cha mẹ tôi, thế nào cũng có một đĩa bánh ít sắn, mặc dù làm rất kỳ công trong thời hiện đại để nhớ về công ơn dạy dỗ đàn con thơ dại trở thành người tử tế, có ích cho nước, cho nhà.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.