Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ở Tây Nguyên quê tôi, hoa cúc quỳ là loại hoa sinh trưởng ngoài tự nhiên. Dẫu chỉ là loài cây hoang dại mọc ở cao nguyên bạt ngàn, hoa dã quỳ vừa có sự mộc mạc lại cực kỳ tươi tắn như màu nắng vàng óng ánh của vùng đất này vào mùa khô.
Bà con vùng ven phố núi quê tôi thường đem hoa quỳ về cắm quanh vườn để dành làm hàng rào. Loài cây này dễ sống, chỉ cần tỉ mỉ cắm những cành nhỏ xuống khoảng đất trống. Sau một thời gian ngắn, hoa quỳ sẽ bén rễ với đất, phát triển xanh tốt mà hầu như không cần sự vun bón, chăm sóc.
Hoa quỳ không chỉ tỏa sắc rực rỡ mà lá cây xanh đậm, có vị đắng, thường được tận dụng như một vị thuốc Đông Y trị ngứa. Dọc bờ rào, nương rẫy, với sức sống mãnh liệt của mình, khi trời đất chuyển mùa là cúc quỳ lại nở hoa. Nhưng hồi đó chẳng mấy ai chú ý đến sắc hoa rực vàng của cúc quỳ. Có chăng thì người ta chỉ cắm hoa vào những ngày giỗ, ngày Tết, mà hoa cúc quỳ thì không thích hợp trong những dịp như thế này.
Những ngày thời tiết chuyển mùa hanh hao, rét căm căm của mùa khô, hoa cúc quỳ vàng rực khoe sắc khiến không gian ảm đạm của quê tôi trở nên ấm áp hơn. Mấy bông hoa cúc quỳ nở rộ, vàng ươm trước nắng gió, qua ánh nhìn trẻ con của chúng tôi, có cảm tưởng như thu gom tất cả ánh nắng mặt trời. Nhìn vào những đóa hoa cúc quỳ vàng rực giữa tiết trời se sắt, bất kỳ ai cũng cảm thấy lòng mình như được sưởi ấm thêm. Thời còn thơ ấu, khi chứng kiến những cơn gió cuốn khô lạnh, liên hồi của mùa khô Tây Nguyên tôi thường tưởng tượng đến thời hồng hoang trong các câu truyện cổ, cảm tưởng những đóa hoa cúc quỳ lung lay trước gió, khoe sắc vàng tươi mang đến cảm giác về cuộc đời đáng yêu, đáng sống.
Khi những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa Tây nguyên vừa dứt chẳng được bao lâu, người ta chưa kịp quen với cái nắng hanh hao và từng đợt gió đầu mùa như ẩn nấp sẵn đâu đó ào ạt bất chợt ùa về, thì bỗng một ngày, chợt thấy trong vòm lá mướt xanh bừng nở những đóa xuân thì tinh khôi rực rỡ. Đó là thời điểm hoa quỳ nở, báo hiệu trời đất chuyển mùa, đó cũng là lúc con người gặp lại cảm giác hạnh ngộ với cố nhân.
Trải qua những mùa mưa dai dẳng ở Tây Nguyên, cây hoa quỳ như có nhiều hơn khoảng thời gian để cần mẫn tích lũy thêm sự sống. Ai đã từng sinh trưởng ở phố núi hẳn đều nhớ hoa quỳ dẫu là loại thực vật hoang dại đó có sức sống bền bỉ đến lạ lùng. Chỉ cần ngẫu nhiên cắm một chút rễ hoặc vài cành nhỏ vương trên mặt đất, cây đã có thể mạnh mẽ vươn lên mà sống.
Chắc đó cũng là lí do mà hoa dã quỳ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Dù ở bất kỳ đâu ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp hoa dã quỳ sinh trưởng. Đó có thể là một khoảng đất trống, quanh bờ rào vườn nhà, thậm chí giữa khe hở của các khu nhà kính chuyên trồng hoa màu.
Hoa dã quỳ thoạt trông vừa giống hoa mặt trời, vừa giống đóa cúc đại đóa, đẹp hoang dã. Hoa dã quỳ chẳng bao giờ nở đơn lẻ một đóa. Sức sống của hoa dã quỳ là sức sống của một cộng đồng. Mãi đến sau này khi lớn lên, tôi mới biết, hoa dã quỳ là một loài thực vật vốn chẳng cần ai trồng, hoặc tốn công chăm sóc, cứ thế mà lớn lên, ngay cả ở những nơi đầy sỏi đá hay khi khô cằn. Chắc cũng vì lẽ đó mà tôi thích hoa dã quỳ. Nó tựa như một giấc mơ sau cuối của đời người, đầy bình dị, mộc mạc nhưng lại tràn đầy sức sống mãnh liệt, cảm giác như đánh thức trong bản thân biết bao khát vọng vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Dù đã trải qua một khoảng thời gian rất dài của tuổi niên thiếu ở Tây Nguyên nhưng mỗi khi có dịp quay trở về quê vào mùa hoa quỳ nở, bao giờ tôi cũng dừng lại. Đôi khi, chỉ là một vài khoảnh khắc chậm rãi ngắm nhìn hoa bừng nở, để thấy lòng mình an yên hơn sau những tất bật và hối hả thường nhật.
Thi thoảng, có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn, tôi sẽ theo chân vài người họ hàng chèo thuyền đi ngắm hoa dã quỳ giữa lòng Biển Hồ xanh óng ánh. Tôi thường ngồi sau lưng anh họ, thong dong nhìn anh chèo lái một chiếc thuyền nhỏ, đi ngắm cảnh ven hồ. Cảnh quan êm dịu đến lạ lùng khi con thuyền của chúng tôi lững lờ trôi giữa một không gian với trên là bầu trời trong xanh, dưới là mặt nước trong veo, khoảng giữa là biết bao thầm thì của tiếng thông reo. Điều đặc biệt nhất là quanh những tán thông ấy, thoáng quanh bờ hồ một sắc vàng hoang dại đến miên man của hoa dã quỳ.
Có đi dạo quanh bờ hồ, nhìn ngắm những đóa quỳ vàng óng ánh trong nắng và in bóng dưới mặt hồ trong xanh, mới cảm nhận được vẻ đẹp tĩnh lặng của vùng núi rừng nơi mình đang sống. Thi thoảng, giữa mặt hồ trong xanh, một vài cánh chim lẻ bạn giật mình, vỗ cánh vào hư không... khiến người lữ khách không khỏi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp tĩnh lặng.
Đôi khi, có những ngày trời Tây Nguyên mưa lất phất, se se trong gió cái rét ngòn ngọt như mưa phùn mùa đông ở xứ Bắc. Hoa quỳ trong màn mưa nhìn buồn hẳn, thoáng vẻ ủ rũ và trầm mặc. Tuy nhiên, chỉ cần chút nắng ấm, hoa quỳ sẽ lại tỏa sáng rực rỡ.
Xa Tây Nguyên, bản thân tôi thi thoảng vẫn nhớ về rất nhiều kỉ niệm. Một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất chính là về hoa dã quỳ. Những bông hoa dã quỳ vàng rực trong nắng vàng, phảng phất chút mùi đăng đắng, nồng nồng, khiến bất kỳ ai xa quê cũng phải nao lòng thương nhớ. Trong khi không một loài thảo mộc nào chịu nổi cái nắng cao nguyên thì hoa dã quỳ cứ rút ruột mà vàng, gợi biết bao nỗi nhớ, bồng bềnh níu chân bất kỳ ai có dịp ghé sang Tây Nguyên.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.