Kể chuyện làng: Cây sung gù, ký ức tuổi thơ chốn làng quê

Huỳnh Thị Ánh Tuyết Thứ bảy, ngày 10/06/2023 07:30 AM (GMT+7)
Sớm nay, khi đi lễ ở ngôi chùa cổ gần nhà, tôi được vị sư trụ trì cho thêm một lọ sung muối nhỏ. Sư trụ trì ôn tồn bảo: "Cây sung trong vườn chùa ra trái rất nhiều".
Bình luận 0

Các thầy thấy thế liền hái vào làm sung muối để biếu lại cho các Phật tử đến chùa. "Cô hoan hỉ nhận cho các thầy vui nhé!", sư trụ trì nói. Tôi gật đầu cảm tạ sư thầy, thoáng nhìn qua mấy quả sung xanh tươi ngập trong nước, lòng chợt nao nao nhớ chuyện quê nhà.

Kể chuyện làng: Cây sung gù, kí ức tuổi thơ chốn làng quê - Ảnh 1.

Cây sung. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ở góc bờ ao nhà tôi, ông nội đặc biệt trồng một cây sung gù. Khi những ký ức tuổi thơ ùa về, tôi cũng không nhớ cây sung đã gù tự bao giờ. Thân cây không mọc thẳng mà cứ thế ngả rạp xuống sát mặt ao khiến ông nội tôi phải làm 2 cái sào đan chéo chống xuống ao để đỡ cho nó khỏi ngã hẳn xuống ao. Mặc dù có vẻ ngoài đặc biệt như thế nhưng cây sung gù vẫn tươi tốt qua bao mùa nắng táp rát mặt hay rét cắt da. Những chùm quả chi chít quanh thân, cành, xanh rồi lại chín, là món ăn vặt ưa thích của lũ trẻ đồng chiêm lớn lên từ luỹ tre xào xạc soi bóng xuống ao tha thướt cả bốn mùa.

Trong tâm thức của người nhà quê như chúng tôi thì cây sung tượng trưng cho những điều tốt đẹp và may mắn. Chắc cũng vì thế mà người ta trồng sung trước cửa nhà với mong muốn sẽ có những ngày tháng hạnh phúc và ấm no hơn. Niềm tin đặc biệt ấy, trải qua nhiều năm tháng, hẳn có nhiều người trong làng tôi đã thành đạt, cũng có những người thì kém may mắn hơn, vẫn chỉ đang mong chờ. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì cây sung cũng trở thành một loại thực vật phổ biến trong vườn nhà, gửi gắm biết bao niềm tin và khát vọng của người dân làng tôi.

Kể chuyện làng: Cây sung gù, kí ức tuổi thơ chốn làng quê - Ảnh 2.

Nguyên liệu làm sung muối. Ảnh: Tác giả cung cấp

Khi mùa hè đến, thời tiết dần trở nên oi nồng hơn cũng là thời điểm cây sung bắt đầu bói quả. Dưới vòm lá trong xanh, những quả sung bám chi chít đầy cành. Khoảng thời gian nhàn hạ của thời niên thiếu, tôi thường ra vườn chơi, thi thoảng lại ngẩn ngơ đứng ngắm từng quả sung non trên cành, nom chẳng khác gì những viên bi bám chặt nối đuôi nhau từng chùm, nhìn đơn giản mà thích mắt vô cùng. Với trẻ con bây giờ, sung là một thức quả không được ưa chuộng. Tuy nhiên, với những đứa trẻ sinh trưởng trong thời kỳ khó khăn của đất nước như chúng tôi ngày ấy, sung lại là một món quà vô giá mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho tuổi thơ.

Thông thường, những quả sung lúc còn xanh sẽ có phần chát ngậy. Đôi lần nhấm nháp vị chát ấy khiến lòng người không khỏi chông chênh nỗi lo nắng gió, chẳng rõ vụ mùa năm nay có tốt tươi, đủ đầy. Dù thế, bọn trẻ vẫn có cách khắc phục vị chát của quả sung là kết hợp chấm thêm ít muối trắng ăn. Cách ăn như thế không chỉ để đỡ vị chát mà còn có tác dụng chống nghẹn, kích thích vị giác, khiến quả sung trở nên ngon hơn. Chắc cũng vì thế mà lũ trẻ con ở quê tôi cứ thấy sung là bỏ vào mồm nhai rau ráu, gương mặt tỏ rõ sự háo hức.

Kể chuyện làng: Cây sung gù, kí ức tuổi thơ chốn làng quê - Ảnh 3.

Sung ngâm. Ảnh: Tác giả cung cấp

Riêng tôi rất thích bước lên cây sung gù bờ ao nhà mình thật dễ dàng, không phải leo trèo. Những trưa hè hay chiều thu, đứa trẻ là tôi thường đứng lặng lẽ trên cây, nhìn xuống mặt ao dõi tìm bóng cá dưới bờ ao. Cây sung gù còn là chỗ anh em tôi thỏa thuê bày trò nhảy cầu tắm ao đùa nghịch với làn nước trong xanh vào mỗi mùa hè thơ bé rồi thỏa thích đằm mình bơi lội dưới ao.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ sau khi chơi chán chê dưới gốc sung, người đứa nào đứa nấy đổ mồ hôi ướt sũng, cái bụng cũng bắt đầu réo ùng ục vì đói thì cả lũ lại nghĩ tới quả sung. Sung chưa chín ăn có vị chan chát, nhựa bám khản cả họng, nuốt không nổi. Có đứa ăn hai, ba quả sung phải uống một cốc nước mới có thể nuốt trôi được. Chát vậy mà vẫn cứ ham, ngày nào cũng ăn một bọc sung vào bụng mới thôi.

Kể chuyện làng: Cây sung gù, kí ức tuổi thơ chốn làng quê - Ảnh 4.

Sung muối nhà làm. Ảnh: Tác giả cung cấp

Nhớ có lần tôi vừa bước lên cây sung gù, ông bà và mẹ nhìn thấy lại gọi lên bờ vì sợ tôi ngã xuống ao. Thậm chí, có đôi lần vì lo ngại các cháu gặp nguy hiểm, ông nội còn tiến hành rào lại chỗ gốc sung để bọn trẻ con khỏi nghịch ngợm leo ra leo vào. Tuy nhiên, bọn trẻ con nào đâu chịu ngồi yên một chỗ, đặc biệt khi sung chín mang đến vị ngọt thơm.

Đó cũng là lúc mấy đứa trẻ biết trèo cây mang cho lũ bạn từng chùm sung chín mọng, khẽ khàng như sợ lay động đánh thức quả chín giật mình ngã lăn xuống đất. Nếm thử một quả sung chín, ta sẽ cảm nhận được vị ngọt thơm ngai ngái, rất riêng theo lối quê mùa.

Kể chuyện làng: Cây sung gù, kí ức tuổi thơ chốn làng quê - Ảnh 5.

Sung muối. Ảnh: Tác giả cung cấp

Vốn khéo tay, mẹ tôi thường muối sung để làm thức ăn kèm, đa dạng hơn mâm cơm trong gia đình. Ở quê tôi, sung muối có thể kết hợp ăn cùng canh rau tập tàng hoặc ăn với cơm trắng đều ngon. Ngoài quả thì lá sung cũng được dùng để ăn kèm món cuốn, món gỏi hay các món nem thính, nem chua rất hợp vị. Những ngày nông nhàn, mẹ tôi thường ra chợ mua thêm mấy đồng bánh tẻ, đi ngang vườn nhà thấy cây sung gù đang mùa ra lộc non liền hái vào một nhúm để ăn kèm. 

Hai mẹ con tôi cứ ngỡ sự kết hợp như thế không phù hợp, chẳng ngờ lại trở thành một món ngon không tưởng. Ông nội tôi, người vốn yêu cây sung gù, lại có thói quen lạ hơn là chọn lá sung hơi già một chút, trên gân lá có các u nhỏ, để thưởng thức cùng các món cuốn hoặc gỏi ăn kèm. Đôi lần, vì tò mò tôi cũng đánh liều thưởng thức thử thì thấy lá sung già có vị bùi bùi, khi cắn vào những u nhỏ sần sật, giòn giòn rất cuốn hút.

Nhưng đã là câu chuyện của rất nhiều năm trước. Ông nội và bố mẹ tôi đã theo mây trắng về trời. Cây sung gù ở vườn quê đã chặt, chỉ còn bầy chim vẫn ngơ ngác nhặt nắng bên đầu tường bám đầy rêu cũ. Lũ trẻ quê giờ đã lớn, bôn ba khắp nơi để kiếm sống nhưng vẫn đau đáu nhớ về quê nhà. Sớm nay, ngồi nhẩn nha ăn cơm với bát sung muối tự dưng khóe mắt tôi cay xè, bao hoài niệm tuổi thơ phút chốc quay về trong ký ức.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem