Tôi lên Tây Bắc vào những năm đầu của thập kỷ 80. Tây Bắc ngày ấy còn nghèo lắm, bản làng xơ xác với những mái nhà xiêu vẹo, lợp tranh bạc phếch bởi sương đêm. Nhưng Tây Bắc ngày ấy thật cuốn hút bởi những tục lệ xa xưa vẫn còn nguyên bản: Tục tắm tiên, tục em rể lấy chị dâu khi anh trai mất, tục cúng đầu bò khi bố mất; tục lấy vợ phải ở rể… Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với tôi là tục uống rượu.
Tết năm đầu tiên đến với Sơn La, sáng ngày 25 tháng chạp, tôi được ông bạn rủ đi uống rượu ở nhà ông Ọ tại bản Bó Mạ (xã Noong Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), nguyên là Chủ tịch UBND xã. Ông bạn bảo: Tôi đã báo trước rồi, bạn sẽ được đón như khách quý! Hôm ấy mới là 25 tháng chạp nhưng bà con dân tộc Thái, Khơ Mú, Sinh Mun đã vào tết rồi. Giải thích về cái lệ ăn tết sớm, ông bạn bảo: Bà con ở đây cả năm chỉ làm nương, làm ruộng có 1 vụ bởi phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Vì thế, thời điểm tết là tiết trời khô hanh, chẳng biết làm gì nên… tổ chức ăn tết. Tết kéo dài cả tháng hay chỉ mươi ngày là phụ thuộc vào số lượng rượu có thể có của mỗi nhà. Hết rượu là hết tết…
Tôi nghe bạn nói mà chả biết đúng hay sai nhưng càng nghe càng thấy thắc mắc: Đã làm ít, năng xuất thấp, lấy gì mà ăn trong khi tết dài cả tháng? Với lại, không có gạo, có ngô thì lấy rượu ở đâu ra (Ngày ấy còn bao cấp, tết đến mỗi hộ chỉ được phân phối ½ hoặc ¼ lít rượu trắng hoặc rượu chanh, rượu cam chứ không thoải mái như bây giờ)? Với lại uống rượu với gì mới được chứ lỵ? Chả nhẽ uống rượu suông?...
Ông Dân mà ông bạn tôi nói đến là một trong những cán bộ nằm vùng ở bản Bó Mạ. Ngày ấy, do đời sống của bà con dân tộc thiểu số vùng cao còn nhiều lạc hậu nên Nhà nước phải cử rất nhiều cán bộ đến nằm vùng ở các bản. Số cán bộ nằm vùng kiểu "cắm bản" mà tôi biết như ông Chánh, ông Ban, ông Dân … hầu hết đều người Quảng Nam, Đà Nẵng hoặc Bình Định… Có lẽ những con người của miền đất ấy mới đủ bản lĩnh, nghị lực để "3 cùng" với người dân vùng cao ở mức tốt nhất. Những cán bộ ấy phải vào bản ở cùng dân, ăn cùng dân, làm cùng dân, chia sẻ với người dân từng tấm áo, bát cơm; trở thành người mẫu về cách sống, việc làm để bà con học tập. Sáng ra, những cán bộ nằm vùng ấy phải dậy sớm cùng bà con mài dao, mài cuốc; nấu cơm, luộc sắn, ủ ếp để đi nương. Tối về cùng tắm suối, cùng nhóm lửa, kể chuyện dân vận cho bà con. Chinh sự gắn bó ấy đã "dân hóa cán bộ" đến mức nếu là người lạ thì í tai biết đó là cán bộ nằm vùng bởi chính họ cũng không dám ăn mặc tươm tất, lịch sự trong khi đời sống người dân đói rách. Đặc biệt, những cán bộ nằm vùng này rất hiểu biết tiếng dân tộc, phong tục tập quán và uống rượu đến kì tài. Họ có thể ngồi uống rượu với dân qua ngày, qua đêm mà vẫn tỉnh táo (đủ để nghe được dân nói gì, kêu ca, than vãn hay khen ngợi, biểu dương…). Chính nhờ sự hiểu biết và tửu lượng khá ấy nên các cán bộ nằm vùng luôn thành công trong việc đưa tiến bộ xã hội vào với người dân (ngày ấy hầu hết bà con vùng cao, nhất là phụ nữ, đều không biết tiếng phổ thông); đồng thời nắm bắt thông tin dân nguyện để báo cáo lại với Ban Chỉ đạo vùng cao, cấp ủy, chính quyền xã, huyện…).
Nhà ông Ọ ở ngay chân con đèo Bó Mạ. Trong nhà đã có sẵn gần chục vị khách đang ngồi quanh mâm rượu. Gọi là mâm nhưng thực ra nó là tấm phên đan bằng nan nứa, có lót lá chuối và lá dong cho… vừa oai vừa vệ sinh hơn. Ngồi ngay cạnh bên tay phải Chẩu hươn – chủ nhà – ông Ọ là ông Dân, cán bộ nằm vùng. Trước mặt chẩu hươn, 3 chén rượu đã rót đầy. Các vị khách khác rượu cũng đã tràn mặt chén nhưng vị trí bên cạnh ông Dân vẫn còn khoảng trống để đón khách. Tôi đưa can rượu 1 lít, thủ sẵn từ nhà, ra chúc mừng gia chủ. Cả mâm ồ lên thật là vui vẻ và kéo tôi ngồi ngay xuống vị trí cạnh ông Dân. Liếc mâm rượu, thấy thức ăn thật nghèo nàn: 1 đĩa thịt lợn luộc, 1 đĩa bánh chưng (gói kiểu bánh dài), 1 đĩa gà xào măng, mấy ngọn rau rừng xôi chín và 3 đống măng luộc để đầy tú hụ trên mâm. Không có nước mắm, chỉ có bát muối ớt như kiểu chẩm chéo khô.
Thấy vợ ông Ọ mang ra thêm 2 cái bát tô và 2 cái thìa, tôi phát hoảng, bụng nhủ thầm: Uống rượu bằng bát thì mình say thật rồi. Nhưng ngay sau đó, 2 bát tô của tôi và ông bạn được rót đầy nước canh, hình như nước luộc gà vì thấy có váng mỡ vàng vàng lác đác nổi thành những đốm tròn trên mặt bát. Bà Ọ rót rượu cho khách rồi quỳ xuống bên mâm, nâng chén rượu cùng chồng, chúc mừng Pi mớ (năm mới). Liếc thấy mọi người sau khi chạm chén, đều rót đi 1 phần rượu xuống sàn nhà với nét mặt rất thành kính. Tôi đang phân vân thì ông Dân ghé tai giải thích: Đấy là cách bà con chia rượu mời thần linh, thổ địa, những người thân yêu đã khuất đấy, làm đi. Được thể, tôi rót luôn xuống sàn tới hơn nửa chén rượu rồi ngửa cổ uống cạn số rượu còn dưới đáy chén trong tiếng hô vang "Au hảnh ! Au hảnh cán bộ ơi" của mọi người trong mâm.
Vừa cạn chén xong, rượu lại được rót đầy. Mọi người trong mâm hô hào nhau: "Xoong tin! Xoong tin" (tiếng Thái, nghĩa là đi 2 chân, tức là chén thứ 2). Tôi đang định rót tiếp nửa chén xuống nền nhà thì thằng bạn ngăn lại, bảo: "Chỉ rót chén đầu thôi. Rót chén thứ 2 là báng lẩu, bị phạt đấy, cạn đi". Tôi nhăn mặt dốc ngược cái chén nước cồn hăng hắc mà không hiểu nó được nấu từ chất liệu gì. Sau vài ba lần au hảnh nữa, mọi nguời bắt đầu chúc riêng nhau. Trước hết là chúc chủ nhà, sau đó là chúc ông Dân, rồi tới khách và những người cao tuổi… Tôi là khách nên chẳng kém chủ nhà được chén nào. Vòng chúc chưa hết lượt thứ nhất, tôi đã húp cạn cả bát nước canh, hoa mắt, run tay, cầm chén rượu sóng sánh cả ra ngoài… rồi chẳng biết mình say lúc nào nữa.
Chiều muộn, tôi tỉnh dậy trong nhà mình, đầu nặng trĩu, người mệt nhoài. Lúc sau thấy ông bạn mang sang cho mấy bút dong giềng và ngọn cây chó đẻ. Bạn bảo tôi: Nhai cái này nuốt đi, nó làm giã rượu nhanh lắm. Mà tửu lượng của ông kém thật, được vài chục chén chứ mấy. Ông mềm nguời ra, cõng mệt bỏ mẹ…. Tôi bảo: Lần sau vào bản, thấy rượu là tao bỏ về.
Nó bảo: Ông mới lên vùng cao nên không hiểu chứ tôi sinh ra ở đất này nên biết lệ rồi. Vào tới nhà, nếu thấy mâm cơm, đã có đĩa muối ớt (chẩm chéo) đặt ra thì đừng có dại mà về vì đấy là linh hồn thực đơn của người Thái và cũng là tấm lòng chân thành, hiếu khách của gia chủ. Bà con nghèo nhưng ai cũng hiếu khách. Ông có thấy mình chỉ là thằng công nhân bình thường nhưng bà con đều gọi mình là "cán bộ" không ? Chỉ khi rất quý thì mọi người mới thay phiên nhau chúc rượu tới tấp như thế đấy.
Tôi vừa nhai bút dong, vừa nghe nó giải thích về những tục lệ uống rượu ở vùng cao. Thì ra trước mặt chẩu hươn – chủ nhà, có 3 chén rượu đặt đấy nhưng chỉ được uống 1 chén, còn 2 chén kia là để phần thần linh, thổ địa, phi hươn (ma nhà - những linh hồn đã khuất). Đầu gà phải dành cho chủ nhà. Cái bát tô canh toàn nước lõng bõng mà mỗi người được 1 bát kia chính là thuốc giải rượu. Sau khi cạn chén rượu, thường người ta làm 1-2 thìa nước canh để giảm luôn nồng độ cồn trong cơ thế… nhờ bát nước canh ấy mà người ta có thể kéo dài cuộc rượu đến thâu đêm, suốt sáng…
Nhưng tôi ngửi mùi nước canh thấy có gì đó là lạ mà vị thì nhạt thếch? – tôi hỏi thằng bạn, nó cười ngặt nghẽo: Thì cả cái tết nhà người ta có mỗi con gà, luộc vào cái nồi 30 lít để lấy đủ nước canh cho cả mâm, nước không nhạt thì làm sao mà ngọt được ? với lại ông có biết nước luộc gà lấy từ đâu ra không? Từ nậm áp côn trước nhà ông đấy!
Tôi ngẩn người. Thì ra nước luộc gà lấy từ con suối trước cửa nhà tôi (nhà tôi cũng chỉ cách bản chừng nửa cây số. Mùa Đông suối thường cạn vì nguồn từ mó nước đẩy ra rất yếu. Mà cái mó ấy, cả bản tắm chung. Tắm xong lại nghiêng ống tre kín nước gánh về làm nước ăn uống. Thảo nào thằng bạn gọi là nước nậm áp côn (tiếng Thái, nghĩa là nước tắm, rửa người). Nhưng còn rượu bản sao mùi nó khiếp thế nhỉ? – tôi thắc mắc. Bạn bảo: Thì vùng cao 1 năm đói tới 8 tháng, làm gì có gạo, ngô nấu rượu? Họ cũng không có men bắc ủ rượu như mình. Bà con thường nhặt vỏ sắn (vỏ sành) hay quả móc, những lương thực phụ, thừa, đem ủ với men lá, cốt lấy tý hơi cồn chứ chất của nó thì kinh lắm. Ông cứ nhìn mấy ông cán bộ nằm vùng với bà con, 10 ông thì cả 10 ông đều đau dạ dày vì đói ăn và rượu men lá đấy. Nhưng ở với người vùng cao, đến nhà uống rượu không say là họ nghĩ ta chưa sống hết mình với họ. Người vùng cao coi chén rượu mời là niềm tự hào. Vì thế, phụ nữ vùng cao thấy chồng được mời đi uống rượu là vui lắm. Thấy chồng say rượu là vui vẻ đến đón về, dìu đỡ, nâng nui, chăm sóc chứ có mắng mỏ bao giờ đâu…
Sau trận rượu ấy, tôi khôn rượu hẳn lên. Đến đâu cũng chỉ uống cạn vài chén đầu rồi giả vờ say, gục luôn bên chõng. Tuy tôi uống ít nhưng vì gia chủ thấy khách uống hăng hái, làm đúng tục lệ và đã say mềm nên gia chủ vẫn vui vẻ, quý khách; chứ không "mặt nặng mày nhẹ" như với mấy ông đến với vùng cao, từ chối rượu đây đẩy, khó mà làm việc.
Nay hầu hết cùng cao đã hạn chế uống nhiều rượu; đặc biệt là không ép rượu nhau đến say mềm như trước nữa. Tuy vậy, mỗi khi tết đến, xuân về, tôi vẫn chẳng thể nào quên được bữa rượu xuân gần 40 năm trước ở bản Co Mạ với cái cảm giác say chống chếnh tới mấy ngày bởi thứ rượu vỏ sắn ủ men lá và bát nước canh. Có lúc lại thầm tự hỏi: Hôm ấy mình say rượu hay say "Nậm áp côn" nhỉ?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.