Cấn Ngọc Hỷ
Thứ tư, ngày 27/04/2022 06:35 AM (GMT+7)
Xã Ngọc Tảo xưa gồm: Phấn Hương, Phấn Hạ, Phấn Hoành thuộc Tổng Phụng Thượng, Huyện Phúc Thọ (tỉnh Sơn Tây trước năm 1945) sau này đặt thành một xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây - Hà Sơn Bình - Hà Tây - Hà Nội.
Hương Vĩnh Nguyên là vùng đất thuộc trang Hương Phấn tách ra khỏi trang Hương Phấn có tên là Vĩnh Thôn vào thời Lê
Hương Tảo Nguyên là vùng đất thuộc trang Hương Phấn, tách ra khỏi trang Hương Phấn gọi là Khê thôn vào thời Lê (Nhà Lê sơ là giai đoạn đầu của nhà Hậu Lê (Hán-Nôm: 後黎朝・家後黎1428–1527),đến đời Thiệu Trị (chữ Hán: 紹治16 tháng 6 năm 1807 – 4 tháng 11 năm 1847), đổi gọi là Hương Tảo.
Hàng năm hai làng Hương Vĩnh và Hương Tảo có lệ giao hiếu rước thần đến đình làng của hai bên.
Phong tục của một làng, một xã là những việc làm đã trở thành thói quen, ăn sâu vào đời sống xã hội được tất cả cộng đồng hết thảy làm theo. Phong tục phụ thuộc vào khả năng nhận biết của con người trong cuộc sống. Tục cũng có mỹ tục và cũng có hủ tục.
Ngày xưa con gái đi lấy chồng góp vài trăm gạch để lát đường làng. Đây cũng là nét đẹp của một vùng quê mãi tới sau này do kính tế phát triển đường làng được rải sỏi rồi đổ bê tông, con đường được mở rộng thuận lợi cho xe cơ giới đi lại.
Tôi vẫn nhớ hồi còn nhỏ theo các anh các chị thực hiện việc "Lệ nộp treo, căng giây cản đường" đòi lễ vật của các đám cưới, khổ nhất là trai làng này lấy gái làng kia thì duyên chẳng lành, nên thề bồi, gây hình tích cho trai gái hai làng lo sợ không dám lấy nhau.
Lại có làng chỉ tìm nét xấu của vài người mà chê bai cả làng, miệt thị lẫn nhau như con gái hay con trai rất nhiều người bị toét mắt. Vì thế mới có câu: "Toét mắt là tại hướng đình - cả làng toét mắt có mình em đâu" là cách giải thích về phong thủy của người nông dân mà đến nay tôi vẫn nhớ. Thực chất của cái sự toét mắt chắc chắn không phải tại cái hướng đình mà theo các nhà y tế là do ăn ở mất vệ sinh thôi. Tuy nhiên, các cô thôn nữ vốn xinh đẹp, nay bị mắt toét lại đổ trách nhiệm cho việc chọn hướng đình của các cụ Tiên Chỉ theo kiểu ấy thì thật to gan mà cũng quá tài tình. Qua đó mới thấy được tầm quan trọng của thuật phong thủy trong kiến trúc, nhất là các công trình kiến trúc công cộng cỡ to như cái đình làng.
Ngày nay mọi người đã bước qua những cản trở ngại đó và chỉ còn là câu chuyện vui, dấu ấn của một thời dĩ vãng. Họ đến với nhau bằng cái tình của con người,tình bạn bè,tình yêu chân chính theo lứa đôi của trai làng này với gái làng kia. Yêu nhau, họ lo cho nhau từng bước đi,cuộc sống để cùng nhau đến cái đích " Xây dựng gia đình hạnh phúc"
Kết bạn nhưng không kết duyên
Đó là nép đẹp độc đáo của hai làng. Tục này được nhiều nhà nghiên cứu, báo chí dành nhiều thời gian đến tìm hiểu những câu chuyện tình nồng nàn, đằm thắm, da diết của những đôi nam thanh, nữ tú yêu nhau mà chẳng lấy được nhau.
Từ một làng tách ra làm hai thôn Hương Vĩnh, Hương Tảo, cũng từ đây "Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ". Thế kỷ 20, hai làng Hương Vĩnh, Hương Tảo hàng năm có lệ giao hiếu,tổ chức vào hai ngày 7 và ngày 8/2 Âm lịch, rước thần đến đình làng của hai bên. Các vị chức sắc như Tiên chỉ, Lý trưởng tổ chức nhiều cuộc họp để chọn cử những thanh niên nam, nữ khỏe mạnh tham gia đoàn rước thần,đánh trống,đánh chiêng, thổi Tù Và ầm ĩ, đội cầm cờ thần, quạt, tàn, tán, chủ tế, quan viên tế mặc y phục chỉnh tề, nhân dân trong làng tập trung rất đông ở trước của đình. Sau khi nghe hiệu lệnh tất cả mọi người bảo nhau xếp thành hai hàng kéo dài tới vài chục mét để rước kiệu xuống làng xem rất đông vui.
Thanh niên hai làng từ khi còn đi học cho đến lúc trưởng thành gặp nhau đều xưng anh em có thứ bậc rõ ràng. Ai vi phạm đều bị người lớn nhắc nhở, những buổi giao lưu văn nghệ, thanh niên nam nữ tham gia rất đông vui, thấy thiếu vắng là tìm nhau, hỏi thăm nhau. Nhiều người yêu nhau rất đằm thắm nhưng vẫn có sự ngăn cách vô hình "Nam nữ thụ thụ bất tương thân". Yêu nhau chỉ là vụng trộm, không dám công khai, chẳng dám ngỏ lời kết duyên cũng chỉ vì "Phép vua thua lệ làng" chứ chẳng có hương ước hay quy ước gì cả, hỏi ra mới biết "Luật bất thành văn" thì người già cũng phải chấp hành nghiêm túc huống chi bọn trẻ. Cũng có đôi yêu nhau say đắm nhưng bố mẹ, họ hàng của hai gia đình cản trở không cho bọn chúng kết hôn, có vài đôi nam nữ kết hôn với nhau bất chấp mọi rào cản sau này chẳng biết lý do thế nào rồi cũng chia tay hoặc sống với nhau một thời gian thì một trong hai người về với thế giới cõi vĩnh hằng.
Từ những câu chuyện như thế dân làng lại có dịp đàm tếu, truyền tai nhau bảo rằng không nghe lời các cụ. Cho dến tận ngày nay tục này vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc, mặc dù trong hai làng khi có đám hiểu, hỉ vẫn đến thăm hỏi, chúc mừng.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.