Loài rau có cái tên đặc biệt: Rau thối, loài rau ấy gắn với ký ức của gần 20 năm về trước tôi được các em học sinh ở cùng khu nội trú của các thầy cô giáo mang làm quà mỗi khi tụi trẻ được về thăm nhà cuối tuần. Thứ rau đặc sản bố mẹ các em nhặt cẩn thận để dành từng túi chia cho các con và túi chia các thầy cô.
Thứ rau nếu nhắc tên sẽ khiến người nghe không có thiện cảm, mường tượng ra đủ điều. Thứ rau mà những ngày đầu gia nhập xóm nội trú đơn sơ mộc mạc nơi ngôi trường vùng đặc biệt khó khăn ấy đã khiến tôi "ngửi" thấy mùi là không chịu được. Rau thối mang một ký ức về những năm đầu tôi nhận công tác sống cùng bà con các dân tộc Thái, Mông để rồi dần dà tôi đâm "phải lòng", chẳng biết tôi nghiện loài rau mọc hoang dại nhưng lại có sức sống bền bỉ ấy hay chính sự thật thà, thơ ngây của tụi trẻ khiến tôi càng yêu mảnh đất này như yêu chính loài rau đơn sơ, mộc mạc kia.
Rau thối là loài rau mà bà con dân tộc Thái quê tôi có thể chế biến thành rất nhiều món ăn gây nghiện như: Nấu canh, làm nộm... Nhưng có lẽ tôi thích hơn cả chính là món rau thối xào măng ngọt và món rau thối tráng trứng. Ngày ấy, khi bắt đầu quen dần với cuộc sống xa nhà nơi tôi công tác. Khi chiều chiều được cùng tụi trẻ giặt quần áo, hay gội đầu cho mấy bạn gái, bạn trai nhỏ tuổi gần phòng cô giáo. Đến giờ cơm, thầy và trò cùng chuẩn bị "lễ hội ẩm thực" tại căn bếp tập thể chung của nhà trường và trò bọn trẻ con cùng nhau mang rau thối ra nhặt.
Qua các trò tôi được biết ban đầu rau thối mọc hoang dại rất nhiều trên nương, đồi, trong rừng xung quanh nhà của bà con. Loại rau này có tên tiếng Thái là pắc nam. Dần dà, loài rau dại ấy được bà con mang về trồng tại vườn nhà. Nhìn sơ qua, rau thối có rất nhiều gai, lá kép nhỏ mọc đối xứng xanh rờn như lá me. Tụi trẻ vừa nhặt vừa tuốt ngược những nhánh nhỏ chồi lá non, đây được xem là phần lá ngon nhất, chỉ một loáng là được một rổ nhỏ xinh.
Tôi sợ cái mùi của nó, mùi rau thối nồng và hắc đặc biệt khi xào mùi "thơm" của rau lan tỏa khắp không gian. Đến mức một nhà xào thì cả bản ngửi thấy cái mùi của nó. Có lẽ, bởi cuộc sống của lớp lớp học trò tôi còn vô cùng vất vả, nên khi được bố mẹ chuẩn bị cho nắm rau thối đem xào cùng củ măng rừng hay xào cùng với tỏi đã trở thành món ăn "sang" nhất của tụi trẻ.
Món rau thối xào không cần cầu kì mà vẫn mang hương vị đặc trưng cùng cái mùi thơm nồng nàn như chính tấm lòng của bà con dành cho các thầy cô giáo. Sau khi phi tỏi thật thơm rau thối được trút vào chảo cùng măng rừng thái mỏng nêm nếm mắm muối vừa miệng chỉ một loáng căn bếp của thầy trò đã tỏa hương ngào ngạt cái mùi nồng của chúng. Được ngồi ăn chung cùng bọn trẻ, được chúng gắp cho nhúm rau thối xào để vào bát với lời mời tha thiết: "Cô ăn đi cô, ngon lắm đó. Rau này phải ăn ngay sau khi hái nếu muốn giữ trọn mùi vị đặc trưng của nó".
Tôi lần đầu được thưởng thức món ăn dân dã thấm đẫm tình yêu bọn trẻ có lẽ khi đó tôi nể chúng hơn là cảm thấy món rau của bọn trẻ "ngon" như lời các con nói. Nhưng không, khi đưa miếng rau thơm nức mũi ấy vào miệng cái cảm giác giòn nhẹ, bùi bùi, ngầy ngậy và đặc biệt cái hương vị của loài rau không thể lẫn với bất cứ thứ rau gì ấy đã khiến tôi thích thú. Quả thực rau thối rất ngon và đưa cơm. Khi thưởng thức chúng cùng với măng rừng thái mỏng lại càng khiến món rau ấy trở lên đậm đà, và dư vị của chúng khiến người thưởng thức đã ăn một lần là nhớ mãi, mong được thưởng thức lần sau.
Nhìn bọn trẻ vừa ăn cơm cùng rau thối măng rừng, vừa trò chuyện chỉ một loáng nồi cơm đã chạm đáy. Đĩa rau cũng đã hết vèo cùng những tiếng cười khanh khách hồn nhiên của các con bất giác trong tôi trào dâng sự ngưỡng mộ. Chúng lớn lên hệt như cỏ cây hoa lá, luôn cố vươn mình vượt qua những trở ngại của cuộc sống để đến trường theo đuổi cái chữ với một niềm tin, sự lạc quan đầy mạnh mẽ. Bữa cơm của tụi trẻ chỉ có cơm trắng với rau thối rừng hay những cây măng luộc nhưng chúng vẫn thưởng thức như chính mình vừa được ăn sơn hào hải vị.
Cũng thỉnh thoảng tụi trẻ được ăn bữa "sang" hơn được chế biến từ rau thối đó chính là món rau thối tráng trứng. Khi ấy bọn trẻ góp rau còn các thầy cô góp trứng, mỡ lợn. Nghe bọn trẻ dạy cách làm món rau thối tráng trứng tôi sau vài ba lần thử làm đã trở thành "đầu bếp" thực thụ cho món ăn "sang" nhất bếp ăn tập thể. Rau thối sau khi được bọn trẻ nhặt sạch cô giáo đem băm nhỏ rồi trộn cùng trứng gà nêm nếm vừa gia vị khuấy thật đều tay cho rau thối được kết dính với trứng là có thể bắc chảo lên bếp chờ mỡ nóng già tôi liền trút toàn bộ bát rau thối cùng trứng vào tráng như miếng chả to bằng chiếc đĩa.
Lật giở cho miếng chả rau vàng rụm của trứng, thơm lừng của rau là cô và trò bữa ăn hôm đó không khác gì được đi ăn tiệc. Rau thối rừng khi được tráng cùng trứng có mùi thơm ngậy, có vị béo bùi đậm đà của rau quyện cùng mỡ lợn thật không có gì sánh nổi cái hương vị của núi rừng hùng vĩ đã ban tặng cho con người thứ "lộc trời" hiếm có đó.
Nay không còn giảng dạy tại những bản làng xa xôi cùng bà con, cùng lớp lớp học trò thân thương vùng đặc biệt khó khăn ấy. Bất giác, đi chợ gặp được êm ( tiếng Thái gọi là mẹ) người Thái đang ngồi bán rau thối cùng măng rừng bất giác những ký ức xa xưa thấm đượm tình yêu của học trò, thắm tình yêu thương của bà con lại ùa về trong tâm khảm.
Tôi đã cúi xuống mua của êm loài rau giản dị chứa chan bao kỷ niệm gợi nhắc một thời thanh xuân cõng chữ lên non với lũ trẻ thơ ngây. Gắp từng miếng rau thối vào miệng kể chuyện cho ông xã và hai con nghe về những kỷ niệm một thời chẳng thể nào quên ấy.
Bọn trẻ vừa ăn vừa tấm tắc: "Tên là rau thối mà con thấy nó đâu có thối mẹ. Con thấy rau thối thơm mà". Đúng rồi, như con gái tôi thủ thỉ rau thối mang một cái tên chẳng cao sang, mỹ miều gì nhưng loài rau ấy thật "thơm" bởi tấm lòng thơm thảo của đồng bào, bởi tình yêu bền chặt của tụi trẻ và đó còn là thứ rau gợi miền ký ức trong tôi một thời chẳng thể nào quên.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.