Kể chuyện làng: Bánh xoài, miền nhớ tuổi thơ

Kiến Hoành Thứ tư, ngày 16/08/2023 07:30 AM (GMT+7)
Đôi lần quay về làng cũ, dự vài phiên chợ quê, tôi được một người bạn cũ dẫn đến gian hàng ẩm thực, thưởng thức những món ăn dân dã.
Bình luận 0

Đang mải mê ngắm các thức quà giản dị, tôi chợt giật mình trước một đĩa bánh cô hàng xén vừa bày ra, đon đả: "Mời chị dùng thử bánh xoài, đặc sản quê mình ạ". Bồi hồi như gặp lại hồi ức cũ, lòng tôi nao nao nhớ về một món thức quà quê gắn với một hình bóng bà ngoại thân thương.

Quay lại những năm 70 của thế kỷ trước, bà ngoại tôi sống trong một ngôi nhà nhỏ gần con đường mòn dẫn ra chợ quê. Muốn ra thăm ngoại, chỉ cần men theo con đường đất bên hông chợ, len lỏi qua bóng mát của cây sưa cổ thụ là đến. Bà tôi sống cùng với một người dì. Để mưu sinh, bà và dì tôi chuyên bán các món ăn quê bình dị, do nhà tự chế biến như bánh tét, bánh tổ, bánh ít, bánh xoài… Tất cả các loại bánh ấy đều được bà bày lên trên một chiếc chõng tre nhỏ đặt trước hiên nhà, nom cực kỳ ngon mắt. Bà tôi vốn nhẫn nại, sẵn sàng bán cho người đến mua suốt từ sáng sớm đến tối mịt.

Kể chuyện làng: Bánh xoài, miền nhớ tuổi thơ - Ảnh 1.

Bánh xoài. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ký ức thân thương tôi còn ghi nhớ mãi là bà ngoại thường mặc một bộ đồ bà ba màu nâu sòng giản dị, chít khăn mỏ quạ cũng màu nâu trên đầu. Bà tôi hiền từ, nhỏ nhẹ khi giao tiếp với khách hàng, đặc biệt là bọn trẻ mê ăn quà vặt. Thời điểm chúng tôi còn nhỏ, đời sống còn tương đối khó khăn nhưng khi cha mẹ cho đồng nào thì bọn trẻ trong làng lại rủ nhau chạy ùa ngay lên nhà bà để mua bánh. Sau đó, cả bọn sẽ mang xuống đầu chợ, háo hức leo lên ngọn cây sưa già, nằm lọt thỏm trên mấy cái hốc cây cổ thụ mà tận hưởng hương vị ngọt ngào của bánh. Bà ngoại tôi vốn rất thương bọn trẻ con. Với chúng, bà luôn vui vẻ bán hàng, thi thoảng lại khuyến mãi thêm những phần quà bánh hấp dẫn. Bọn trẻ con trong làng chắc cũng vì lẽ đó mà rất quý mến bà và yêu thích tất cả những món quà quê bà bán.

Đặc biệt phải kể đến là bánh xoài, vốn là một món khoái khẩu hay được bọn trẻ "chiếu cố" nhất. Mãi cho đến tận bây giờ, khi đã trưởng thành, tôi vẫn chẳng thể quên được hương vị ngọt thanh, thơm béo của thức quà tuổi thơ.

Điều thú vị của món ăn này là mặc dù tên gọi là bánh xoài nhưng các nguyên liệu để làm bánh chẳng hề có tí nào sử dụng quả xoài. Tên gọi bánh xoài, theo bà tôi kể lại, có lẽ do xuất phát từ việc quan sát thấy hình dáng, màu sắc của bánh gần tương tự giống với quả xoài nên người ta chọn tên loại quả này trở thành tên gọi thân thuộc cho bánh. Bản tính trẻ con hay tò mò khiến tôi rất hay mân mê chiếc bánh nhìn thon, tròn giống như một trái xoài nhỏ, phủ thêm ít bột trắng nhuyễn bọc bên ngoài. Chỉ cần cắn bên trong, ta sẽ vô cùng thích thú vì một lớp nhân béo thơm phía bên trong.

Những ngày hè nhàn tản, khi việc học không còn quá căng thẳng, tôi thường được theo chân mẹ về nhà ngoại chơi. Mỗi bình minh thức giấc giữa lưng chừng giấc mơ, khi làn sương còn chưa tan ngoài cửa sổ, bà ngoại tôi đã thức giấc để làm bánh. Tôi rất thích nhìn theo bóng lưng gầy gò của bà mải mê với các công đoạn để tạo nên chiếc bánh thơm ngon, cảm tưởng như bao niềm hạnh phúc đều được ngưng đọng trong một khoảnh khắc nhỏ.

Thông thường, nguyên liệu chính để làm nên món bánh này sẽ là bột được lấy từ củ dong kết hợp với ít trứng gà và đường trắng. Tùy vào người chế biến mà bánh xoài sẽ được tạo hình với nhiều hình dạng khác nhau như hình trái tim, hình bầu dục (tương tự trái xoài), hình hoa (tùy theo khuôn nướng). Tuy nhiên, loại bánh phổ biến và được yêu thích nhất vẫn là hình trái xoài.

Dù nguyên liệu có phần đơn thuần nhưng cách chế biến bánh xoài lại khá công phu, đòi hỏi sự tinh tế của người chế biến. Phần vỏ ngoài của bánh được làm từ bột nếp rang, xay nhuyễn, hòa với lượng nước sôi vừa phải để làm thành bột dẻo. Bột nếp để chế biến làm bánh xoài đòi hỏi độ dẻo và thơm.

Kể chuyện làng: Bánh xoài, miền nhớ tuổi thơ - Ảnh 2.

Bánh xoài. Ảnh: Tác giả cung cấp

Để bột nếp đạt độ dẻo, trắng mịn và thơm ngon, bà tôi thường rang trong một chiếc nồi đất cũ. Cách rang cũng cần tinh tế, canh chỉnh vừa đúng thời gian. Cũng bởi, rang lâu quá hạt nếp sẽ cứng, nhưng nếu nhanh quá thì hạt nếp còn sống khi giã sẽ bị nhão. Nhân bánh thông thường sẽ là mè giã nhuyễn hoà cùng đậu phộng và ít đường cát. Bà tôi đem tất cả nguyên liệu này khéo léo hòa trộn vào nhau sao cho đường không tan mà vẫn giữ nguyên hạt, sau đó khéo léo đem chia nhỏ ra thành từng viên.

Bước cuối cùng, bà tôi sẽ đem viên nhân này để vào viên bột đã lăn từ trước, nhẹ nhàng dùng tay vo nắn nhẹ, tạo dáng thon tròn. Thi thoảng, muốn tỉ mỉ hơn, bà tôi sẽ dàn bột mỏng đều ra các bên, dùng muỗng trải đều nhân lên bánh. Với đôi tay khéo léo, bà sẽ bắt mí bánh, vê bánh thành hình dáng trái xoài. Chiếc bánh được lăn đều vào thau bột nếp trắng tinh trông như phủ một lớp phấn thơm vừa để chống dính vừa trông bắt mắt, hấp dẫn thực khách. Chỉ cần đơn giản như thế là bà tạo thành một cái bánh xoài.

Thông thường, tất cả một mẹt bánh khi làm xong, bà tôi thường đặt trong một chiếc thau nhôm trắng sáng cùng một lớp bột khô để bánh khỏi dính vào nhau, nhìn rất thích mắt. Những ngày hè oi ả, chỉ cần cầm trên tay chiếc bánh xoài, thong thả nếm một miếng, cảm nhận hương vị bùi bùi của nhân đậu phộng, vị ngọt thanh của đường pha chút béo của mè... cảm tưởng như bao dư vị ngọt ngào của hạnh phúc đều ngưng đọng trên đầu ngón tay.

Trong tâm thức của những đứa trẻ quê tôi ngày ấy, cái hương vị ngọt ngào, mềm mại của bánh xoài của bà ngoại với quầy hàng bên gốc sưa già đã thấm sâu vào hồn, khiến đến bây giờ dù đã lớn, dù đi xa nhưng chúng tôi vẫn không hề quên món quà quê này. Chỉ tiếc rằng, bà tôi đã theo mây trắng về trời cách đây nhiều năm, khiến những lần trở về chốn cũ làm tôi lại ngẩn ngơ, thấy lòng mình bần thần một nỗi nhớ.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem