Kể chuyện làng: Nhớ ngày xưa úp nơm chuồng

Lê Minh Hải Thứ bảy, ngày 18/12/2021 07:35 AM (GMT+7)
Tôi còn nhớ mãi cái cảnh đông vui ấy, những buổi úp nơm chuồng. Đó là hình ảnh của vài chục năm về trước, khi đó tôi vẫn còn là một đứa trẻ. Quê tôi, làng Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) nơi đã diễn ra những buổi úp nơm chuồng như thế.
Bình luận 0

Chắc có nhiều người sẽ không biết đến úp nơm chuồng là như thế nào. Trước tiên ta hãy tìm hiểu xem nơm là gì, rồi sẽ tìm hiểu về úp nơm chuồng. Nơm là một vật dụng đánh bắt cá được đan bằng tre của người dân ở vùng nông thôn. Nơm có hình dạng tương tự như chiếc bu úp gà, nhưng có kích thước khác nhau, tùy mục đích bắt cá to hay nhỏ. Tất nhiên để bắt cá thì khoảng cách giữa các nan của nơm phải đủ dày và cứng cáp.

Kể chuyện làng: Nhớ gày xưa úp nơm chuồng - Ảnh 1.

Cảnh úp nơm chuồng. Ảnh tư liệu

Sau khi đã đan hoàn chỉnh một chiếc nơm, người ta đem treo ở gác bếp hun khói nhằm chống mọt rồi mới đem ra dùng. Cách đánh bắt cá bằng nơm cũng khá đơn giản. Chỉ cần cầm nơm lội xuống ao hoặc ra đồng, cầm miệng nơm úp xuống, giữ yên một lúc, hễ nghe tiếng cá đâm vào thành nơm nghe lục khục thế là người úp nơm một tay giữ nơm thật chắc, một tay thò vào bắt cá. Nếu cá nhỏ thì đúc ngay vào chiếc giỏ đeo bên hông, còn cá to thì dùng lạt tre xâu từ mang lên miệng cá rồi xách về. 

Lại nói về úp nơm chuồng. Mỗi lần nhắc lại lòng tôi vẫn còn náo nức và phấn chấn, nhưng ở trong lòng lại xen vào chút ngậm ngùi nuối tiếc. Cảnh tượng ấy luôn ở một góc tâm tưởng của tôi rất lâu và không hề phai nhạt. Ngày xưa chưa có điện thoại như bây giờ, những người trong làng thường liên lạc với nhau bằng cách truyền miệng, hẹn ngày tụ họp. Thế là thông tin về buổi úp nơm chuồng thường được lan đi từ vài ngày trước đó. Người quê là thế, chẳng cần loa đài hay công nghệ cũng tập trung được đầy đủ. 

Thường thì những buổi úp nơm chuồng diễn ra vào buổi trưa cho tới ngang chiều. Người ta gọi nhau í ới rộn ràng khắp làng trên xóm dưới. Đàn ông trong làng tập trung ở một điểm nhất định rồi hò nhau ào xuống đồng. Ngoài úp nơm thì các bà các chị cũng tham gia cùng bằng cách đánh giậm và đánh nhủi. Đám đông làm náo động cả cánh đồng, tiếng người hò reo, chuyện trò, trêu đùa nhau vọng vào trong làng nghe thật là vui. Các cụ già thì ngồi bàn tán, ôn lại những buổi úp nơm của mình thời còn trẻ. Còn lũ trẻ con thì chạy ra ven đồng đứng xem một cách chăm chú.

Kể chuyện làng: Nhớ gày xưa úp nơm chuồng - Ảnh 2.

Tác giả bên chiếc nơm. Ảnh: Minh Hải

Đám đông bắt đầu bày binh bố trận. Từ một đám người lộn xộn không hàng lối, thì chỉ trong chốc lát họ đã quây thành một vòng tròn rộng. Cả đám đông cùng hô lớn rồi đồng loạt tiến dần vào tâm vòng tròn. Có lẽ vì cách đánh bắt này mà người ta mới gọi là úp nơm chuồng. Hiểu nôm na là quây lại, khoanh vùng để đánh bắt cá. đám đông vừa úp nơm vừa cười nói, tiếng ũng oẳng của bước chân người dưới nước, tiếng úp nơm oàm oạp làm cho cá dưới nước bị dồn dần vào trong. Thỉnh thoảng trong đám đông có ai đó úp được cá lại reo lên. Những con cá được lôi ra khỏi miệng nơm giãy đành đạch làm cho người bên cạnh thêm phần phấn khích. Cứ thế họ tiến dần vào giữa, khi tất cả đã sát gần nhau thì họ lại quây tiếp một vòng tròn mới. Những người đàn ông thì úp nơm sôi nổi, còn các bà, các chị ở bên thì có vẻ trầm hơn, họ lặng lẽ đẩy nhủi, đánh giậm kiếm con cua, con tép. Nhìn từ xa, cảnh tượng ấy chẳng khác nào một ngày hội được tổ chức trên đồng nước.

Cứ thế đám đông di chuyển đến các khu vực khác nhau của cánh đồng. Không khí lúc nào cũng thế, vẫn không hề lắng xuống những âm thanh rộn ràng. Trên bờ, đám trẻ con vẫn đứng đó dõi theo, háo hức nhất là lúc có người được cá, chúng cố nhìn xem ngoài kia bố hay anh mình có phải là người đang cầm con cá giơ lên kia không. Tôi cũng từng bao lần hồi hộp dõi theo bố mình, mong ông úp được nhiều cá. Cái cảm giác đó bây giờ tôi vẫn còn thích thú khi nhớ lại. 

Buổi úp nơm chuồng rồi cũng tan. Đám đông tản ra, người chia ra các ngả tiến vào làng. Lũ trẻ con chúng tôi sung sướng nhảy cẫng lên sung sướng đòi bố cho cầm giỏ rồi hé mắt nhìn vào trong. Những cái vảy trắng, những mắt cá hấp háy hiện ra trước mắt lũ trẻ, chúng hét lên những tiếng thích thú, xách giỏ chạy về nhà. Nhưng cũng có đứa mặt tiu nghỉu vì trong giỏ chả có gì. Thì đúng rồi, đi úp nơm thì có người được nhiều, có người được ít và có người lại chẳng được gì đó cũng là điều bình thường.

"Bố tôi không phải là người sát cá", mẹ tôi bảo thế, nhưng hiếm khi ông đi về mà không có cá. Tôi nhớ có lần ông được duy nhất một con cá nhưng lại là con cá to nhất đám. Con cá chép to lắm, bố tôi phải lấy lạt tre sâu vào miệng cá, tự tay xách về nhà. Con cá còn khỏe lắm, nó nhảy bật ra khỏi cái chậu nhôm to mà hàng ngày mẹ tôi giặt quần áo, nước trong chậu bắn tung tóe ra xung quanh làm ướt hết áo tôi.

Mẹ tôi vội đi mổ cá, con cá chép vùng vẫy trong tay mẹ làm tôi cười sằng sặc. Những khúc cá to nằm gọn ghẽ trong nồi cho tôi liên tưởng tới một bữa ăn ngon. Ngày ấy kinh tế còn khó khăn nên những bữa ăn có thịt cá vẫn là niềm mong ước của bọn trẻ nhà quê, và tôi cũng không ngoại lệ. Tôi còn nhớ rõ lúc mẹ bắc nồi cá từ trên bếp xuống, mở vung nồi cá đã bốc hơi thơm phức. Mẹ khẽ khàng gắp một khúc cá rồi sai tôi đem đi cho ông bà nội. Tôi vẫn nhớ ở quê lúc ấy hễ có miếng ăn ngon là lại đem cho người già. Tôi bưng khúc cá trên tay mà trong lòng đầy thèm thuồng. Tôi đã tưởng tượng ra những miếng thịt cá trắng tinh thơm tho được mẹ gỡ và đặt vào bát cơm của anh em tôi. Chỉ mới nghĩ đến đây thôi là bụng đã sôi lên èo èo.

Sau những buổi đi úp nơm về bố thường kiểm tra lại chiếc nơm của mình. Nếu thấy có nan nào bị gãy là bố lại hì hụi vót nan tre thay thế. Tôi thì thường chơi bên cạnh bố và hỏi những câu tò mò của đứa trẻ con. Bố hỏi tôi có thích úp nơm không, tôi quả quyết là lớn lên tôi sẽ là một người giỏi úp nơm. Sau này tôi cũng có vài lần đi úp nơm, cảm giác nghe tiếng cá va vào thành nơm tìm lối thoát thật là thú vị. Nhưng tôi vẫn thích cái cảm giác hồi nhỏ chờ bố về và xem cá bố kiếm được từ những buổi úp nơm chuồng. Đó là một thứ cảm giác đặc biệt không thể nào quên. Và đó là một phần đẹp đẽ của tuổi thơ tôi nơi làng quê yêu dấu.

Tôi đã lớn lên từ miền quê nghèo khó với những kỷ niệm về những buổi úp nơm chuồng nơi cánh đồng làng. Theo thời gian, quê tôi cũng thay đổi, người ta dần quên việc đi úp nơm kiếm cá ngày nào. Cá được nuôi ở ao và đầm thầu rồi đem ra chợ bán. Người quê cũng dần quen với việc đi mua đồ có sẵn mà không phải mất công đi đánh bắt. Đã có lúc tôi cố công kiếm tìm những chiếc nơm úp cá mà sao khó quá. Chiếc nơm ngày xưa của bố cũng đã bị hỏng vì để quá lâu rồi. Bố bảo ở đồng giờ cũng hiếm cá lắm, chỉ đầy rẫy cá rô phi và ốc bươu vàng. Những loại cá tự nhiên ngày xưa không hiểu vì sao mà mất dần đi. 

Là người lớn lên từ làng quê nên tôi yêu vô cùng những hình ảnh và kỷ niệm ở nơi đây. Tôi cũng là người hay hoài cổ, luôn sống trong miền ký ức êm đềm với bao điều đẹp đẽ và ấm áp. Mỗi lần nhớ lại cảnh úp nơm chuồng lòng tôi lại trào dâng bao cảm xúc thân thương. Tôi tự nhủ lòng mãi luôn trân quý những điều ấy và thêm yêu quê hương mình, luôn giữ tâm hồn trong sáng để sống tốt giữa những bon chen của cõi người.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem