Kể chuyện làng: Nhớ mùa quê đất nghỉ

Lê Đình Trung Thứ bảy, ngày 17/12/2022 07:00 AM (GMT+7)
Ở quê tôi người ta chỉ trồng hai vụ lúa trong năm là hè thu và đông xuân. Khoảng thời gian giữa hai vụ lúa ấy được gọi là mùa đất nghỉ. Mùa đất nghỉ là một phần tuổi thơ của chúng tôi và là mùa những đứa trẻ nông thôn ngày ấy thích nhất.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Nhớ mùa quê đất nghỉ - Ảnh 1.

Mùa đất nghỉ, dường như biết con người nhường lại cho mình những cánh đồng mà trong suốt vụ mùa chúng chẳng được chào đón, các con vật nô nức kéo về những cánh đồng đông như trẩy hội. Ảnh: Đình Trung

Sau một vụ mùa tận hiến những gì tinh túy nhất của mình cho cây lúa, để từ hạt mầm bé nhỏ, lúa đâm chồi, ra lá rồi vươn mình trổ những bông nặng trĩu vàng ươm trong sắc nắng. Nhìn những hạt thóc được chở về đầy sân, cất đầy trong bồ người nông dân nở nụ cười mãn nguyện bởi sau bao ngày tháng "trông trời, trông đất, trông mây" đã được đền đáp xứng đáng. Đất cũng cần được nghỉ ngơi, để thở, để tái tạo lại mình và gom góp những dưỡng chất để tiếp tục nuôi những cây lúa mùa sau. Mùa đất nghỉ trên cánh đồng rộng mênh mông chỉ còn trơ lại những gốc rạ ngả nghiêng trong sắc nâu trầm. Thế nhưng ngược lại với sắc màu mang vẻ u buồn và hoang hoải đó, mùa này trên cánh đồng luôn rộn rã bởi đủ điều mê hoặc lũ con nít chúng tôi.

Mùa đất nghỉ, dường như biết con người nhường lại cho mình những cánh đồng mà trong suốt vụ mùa chúng chẳng được chào đón, các con vật nô nức kéo về những cánh đồng đông như trẩy hội. Đầu tiên phải kể đến những con cò, từng đàn cò trắng từ khắp nơi kéo đến, những cánh cò trắng phau phau nhìn từ xa như những bông tuyết điểm xuyến trên tấm áo nâu rộng lớn. Lũ trẻ chúng tôi từng ngây thơ nghĩ sẽ bắt được chúng bằng tay, bao nhiêu lần dù đã cố chạy thật nhanh nhưng hễ thấy động tĩnh là cả đàn cò rủ nhau đồng loạt sải cánh bay lên không trung. Những cánh cò trắng chấp chới trong nắng làm cho cảnh đồng quê đẹp tựa một bức tranh vẽ.

Kể chuyện làng: Nhớ mùa quê đất nghỉ - Ảnh 2.

Mùa đất nghỉ. Ảnh: Lê Đình Trung

Chạy đuổi một lúc cả lũ thấm mệt đành từ bỏ, lũ chúng tôi lại mon men theo từng gốc rạ để tìm chứng chim cút. Mùa này chim cút thường quây rạ lại thành từng bụi để làm tổ đẻ trứng. Những cái tổ chim được ngụy trang rất khéo phải thật tinh mắt mới thấy. Mất cả buổi chiều lội mỏi chân qua mấy vạt rạ lổm ngổm, chúng tôi mới nhặt được đâu trừng chục quả trứng. Người lớn dặn không bao giờ được lấy hết trứng trong những tổ chim nên thường mỗi tổ chúng tôi chỉ nhặt một cùng lắm là hai quả. Trứng được cả đám đem lên bãi đất trống bọc bên ngoài một lớp đất ruộng rồi đốt rơm nướng. 

Trứng cút nhỏ tí, nướng có khi còn chưa kịp chín cả đám đã tranh nhau lôi ra ăn, bóc vội vàng trứng dính hết cả vào lớp vỏ còn lại được một mẫu như đầu ngón tay cái, vậy mà bỏ vào mồm nhai nhồm nhoàm ngon đến lạ. Ăn xong bữa trứng cũng là lúc trời gom nắng đổ về tây, nhuộm cả cánh đồng một màu đỏ ối. Trên sắc đỏ đồng chiều, những cánh cò sải cánh bay về tổ, lũ chúng tôi vội vàng xua trâu trở về nhà. Xa xa phía làng khói cơm chiều đang bãng lãng bay trên những nếp nhà như đang thúc giục chúng tôi.

Kể chuyện làng: Nhớ mùa quê đất nghỉ - Ảnh 3.

Mùa đất nghỉ. Ảnh: Lê Đình Trung

Bình thường vào những ngày vụ lúa lúc nào cả đám cũng phải kè kè cái dây thừng để dắt trâu ăn cỏ, chứ không chỉ sểnh một cái là chúng ăn lúa. Lúc đấy chúng tôi nhẹ sẽ bị mắng vài câu, nặng là ăn trận đòn vì cái tội chểnh mảng không trông trâu. Mùa này những đứa trẻ chăn trâu bọn tôi nhàn lắm cứ việc thả cho trâu chạy thoải mái ở ngoài đồng cho đến giờ về. Con trâu tha hồ ăn một bụng no căng những cây lúa mọc lên từ những gốc dạ hay đám mạ non từ những hạt lúa rụng xuống còn sót lại sau mùa gặt mà chẳng ai cấm. Còn chúng tôi tụ lại với nhau để đi đi bắt cua. 

Chúng tôi men theo những bờ ruộng, tìm những cái lỗ có đất mới đùn ra để thò vào bắt cua. Thường những lỗ như vậy sẽ có cua nhưng có khi cũng có thể là rắn, ai đi bắt cua cũng sẽ thò phải rắn đôi ba lần. Mỗi lần thò tay vào lỗ mà thấy có vật gì đó trơn trơn là tôi rụt vội tay hét toáng lên và chạy cách xa mấy bước mới dám thò tay vào bắt cua tiếp. Tôi là đứa rất sợ rắn nhưng niềm vui bắt được cua mang về cho mẹ nấu canh nó lấn át cả nỗi sợ. Tổng kết một buổi tay đứa nào đứa nấy đầy những vết cua cắp, xước ngang, xước dọc nhưng đứa nào cũng hồ hởi vì bắt được một túi cua đầy mang về. Trước khi về chúng tôi còn tranh thủ hái một nắm rau bợ. Mùa này rau bợ mọc đầy đồng xanh non mơn mởn, rau bợ mà nấu với canh cua ăn với cà muối thì cơm đưa phải vài bát.

Kể chuyện làng: Nhớ mùa quê đất nghỉ - Ảnh 4.

Mùa đất nghỉ. Ảnh: Lê Đình Trung

Khi đã chán với việc bắt cua, chúng tôi chuyển qua câu lươn. Câu lươn cần phải chờ lâu để lươn cắn mồi chứ không như bắt cua nên yêu cầu phải kiên nhẫn cao. Chưa kể có khi đút mồi vào nhầm lỗ cua đến khi gần hết mồi kéo lên mới biết đấy là nhầm lỗ, vậy nên mấy đứa như tôi chỉ hào hứng một lúc đâu là chán bỏ đi chơi chỗ khác. Chọn chỗ đất dẻo mấy đứa làm pháo đất để thi xem đứa nào nổ to hơn hoặc chia đội ném đất vào nhau cười hỉ hả, tiếng cười theo gió vang vọng cả cánh đồng mùa đất nghỉ.

Những đứa trẻ ngày ấy giờ đã lớn, mỗi đứa một nơi như những cánh chim bay khỏi tổ. Đồng đất quê tôi cũng ngày càng hẹp thay thế cho những công trình. Cả làng chỉ còn lại lác đác vài nhà trồng lúa. Mùa đất nghỉ chẳng còn đứa trẻ con nào bén mảng ra đồng, những đàn cò trắng kéo nhau đi đâu hết cả. Thoảng khi tôi có dịp về làng, dạo bước trên cánh đồng thửa nào lòng tự hỏi, những đứa bạn ngày ấy liệu còn ai nhớ mùa đất nghỉ ngày xưa.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem