Kể chuyện làng: Xôi gấc đầu xuân

Thúy Tuyết Thứ bảy, ngày 03/12/2022 07:31 AM (GMT+7)
Món xôi gấc trong hồi ức của tôi là một món ăn đầy hoài niệm mỗi khi Xuân về.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Xôi gấc đầu xuân - Ảnh 1.

Xôi gấc hoa. Ảnh: Thúy Tuyết

Gia đình tôi thường có thói quen vào đêm giao thừa sẽ nấu một đĩa xôi gấc thật đầy đặn. Theo lời tía tôi thì món xôi với màu sắc bắt mắt này trước là để thắp hương ông bà tổ tiên, sau đó làm món ăn khai vị cho ngày mùng một với mong muốn cả năm đều được ngọt ngào. 

Chiều 30 Tết, vào những năm tháng tuổi thơ, tôi thường quanh quẩn bên má chú ý quan sát cách má chuẩn bị những món ăn ngày Tết. Đặc biệt, khi má nấu xôi gấc, vốn là món ăn khoái khẩu của mình, tôi thường chăm chú nhìn, để ý cách làm rất kỹ. 

Má tôi thường bảo, để có được đĩa xôi gấc thơm ngon đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, tỉ mỉ, từ lúc chọn gạo, chọn gấc đến khi thổi xôi, cuối cùng là đơm sao cho đẹp mắt. Người nấu cũng cần phải khéo léo và tinh tế.

Bao giờ cũng thế, má tôi thường đi chợ huyện chọn gạo nếp cái hoa vàng, hạt mẩy căng tròn, trắng tinh để dành làm nguyên liệu nấu xôi gấc, dâng lên cúng ở bàn thờ gia tiên vào ngày giao thừa thiêng liêng. Gạo nếp sau khi được má tôi đãi sạch, sẽ tiến hành ngâm với nước ấm từ sáng sớm để hạt gạo nở và mềm. Trước khi nấu, má tôi sẽ vo gạo thật sạch rồi để yên cho ráo nước.

Kể chuyện làng: Xôi gấc đầu xuân - Ảnh 2.

Xôi gấc ngày Tết. Ảnh: Thúy Tuyết

Còn gấc thì vườn nhà tôi đã sẵn có. Cây gấc má tôi trồng đã được mấy năm rồi. Năm nào, quả cũng sai lúc lỉu treo trên từng cành cây mít tía trồng. Bao giờ cũng thế, đến độ tháng Chạp là gấc chín rộ, đỏ chói trên vòm lá xanh nhìn từ xa trông như những chiếc đèn lồng nhỏ. Tôi rất thích ngắm nhìn những chùm hoa gấc dưới nắng sớm khi có ánh sáng ấm áp tràn khắp khu vườn. Giống gấc của má tôi vốn là gấc nếp nên sinh nhiều cành nhánh. Cứ đến mùa hạ, cây gấc lại đơm hoa, chờ đến khi thu sang, những quả gấc bắt đầu kết trái và chín dần vào cuối năm.

Gấc nếp cho quả không to nhưng thịt của nó đặc biệt rất đỏ. Khác với những loại cây dây leo thường cho quả, gấc khi hết mùa, chúng ta không phải trồng lại bằng hạt mà cắt hết đoạn gốc, chờ tới mùa xuân sẽ nảy mầm và sẽ cho ra một cây mới. Cứ như vậy, hành trình sống của cây gấc cứ lần lượt tuần hoàn như thế. Nếu chúng ta muốn chắc chắn có được một cây gấc cái thì chỉ cần dùng một đoạn dây rồi cuộn tròn và đem trồng dưới đất, ra sức gieo trồng, gấc sẽ cho quả sau vài tháng. Điển hình như cây gấc nhà tôi năm nào cũng sai trĩu trái vào những ngày giáp Tết. Má con tôi chỉ cần ra vườn ngắm nghía và chọn một quả to tròn ưng ý nhất để dành nấu xôi. 

Gấc đem vào nhà sẽ được má bổ đôi, nạo lấy phần thịt đỏ và cùi vàng óng ả. Tôi thường thắc mắc hỏi má sao lại lấy cả cùi vàng, thì được giải thích là phải cạo hết phần đó, khi hòa cùng xôi, nấu lên ăn rất thơm và bùi. Má thường bóp đều phần thịt gấc với hai thìa rượu gạo và một ít muối, rồi đem trộn đều cùng với gạo nếp. Cũng bởi, theo bí quyết của má tôi thì phải dùng rượu, gấc mới dậy màu, xôi mới đẹp được. 

Kể chuyện làng: Xôi gấc đầu xuân - Ảnh 3.

Gấc vườn nhà. Ảnh: Thúy Tuyết

Khâu cuối cùng tôi thích nhất chính là việc háo hức đứng nhìn má dùng chõ đồ xôi. Giữa chái bếp đơn sơ, hình ảnh má khoan thai đứng đơm xôi cạnh cửa sổ nhìn ra khoảng sông lấp lánh ánh nắng là hoài niệm đẹp nhất về những mùa Tết tuổi thơ. 

Khi xôi chín, má tôi theo thói quen sẽ cho thêm ít đường kính trắng và dầu ăn chín khoảng một lượng vừa đủ vào chõ xôi rồi đảo đều. Má bảo làm như thế để tăng vị ngọt và độ bóng cho xôi. Khi nồi xôi nghi ngút hơi, tôi bắt đầu cảm nhận được mùi thơm nức từ gạo nếp, màu đỏ của gấc, hạt xôi thì đỏ cam, dẻo và mềm... Sau cùng má tôi sẽ đơm xôi ra đĩa và khéo léo đơm sao cho đầy đặn, cân đối cũng như tròn đầy để dâng lên cúng tổ tiên.

Chẳng rõ, phong tục dâng cúng xôi gấc đỏ cùng với mâm ngũ quả và các loại bánh trái ngày Tết đến từ khi nào. Chỉ biết rằng từ xưa, ông cha ta vẫn quan niệm rằng, màu đỏ là màu của hạnh phúc, màu thắm của sắc Xuân cũng như biểu tượng cho sự may mắn, tốt lành. Màu đỏ của gấc vốn là màu tự nhiên của đất trời mang đến nhiều khởi đầu thuận lợi cho năm mới. Trên mâm cỗ cúng gia tiên những ngày Tết của mọi gia đình ở làng tôi thường có đĩa xôi gấc như niềm tin sẽ được nhiều may mắn trong cả năm. 

Nhớ ngày còn bé, sau thời khắc giao thừa thiêng liêng, mấy chị em chúng tôi được tía má trân trọng chia cho mỗi đứa một nắm xôi gấc cùng lời chúc ấm áp: "Năm mới tía má chúc các con vui vẻ, hạnh phúc như màu đỏ của đĩa xôi này nhé!". Nhận nắm xôi đỏ dẻo thơm từ bàn tay khắc khổ của má, nụ cười hiền dịu của tía, anh em chúng tôi ăn ngon lành, thấy lòng ấm áp vô kể. 

Thoáng cái, đã nhiều năm trôi qua, mấy anh chị em chúng tôi đều mỗi người một ngả. Nhưng năm nào, vào những ngày cuối năm, có dịp quay trở về quê, tía má cũng để phần cho các con mỗi đứa một quả gấc chín để nấu xôi cúng đêm giao thừa. 

Chỉ tiếc rằng, hai năm trở lại đây, tía má tôi do bạo bệnh nên đã lần lượt ra đi, bỏ lại chị em tôi bơ vơ giữa dòng đời. Vào những ngày cuối năm, khi thời tiết dần trở nên ấm áp hơn hoa mai ngoài hiên nhà cũng đã nở rộ, tôi ngồi lặng lẽ bên hiên nhà, nhấm nháp món xôi gấc, nhớ những ngày Tết xưa. Chợt thấy lòng mình nao nao bao kí ức tươi đẹp thời thơ ấu bên tía má và gia đình. 

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem