Tôi lớn lên tại xóm Gò, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Mảnh đất cày lên sỏi đá quanh năm cằn cỗi một mùa nắng, một mùa mưa ngập lụt.
Ngày ấy, cha tôi làm thợ mộc, mẹ tôi thì làm nông. Cuộc sống của gia đình tôi chỉ mong chờ vào mùa lúa, mùa đậu phộng và những đồng tiền công thợ của cha. Tuổi thơ trong ký ức tôi là dáng mẹ khom khom dưới nắng cháy ngoài đồng, là bàn tay cha lúc nào cũng chai xước lấm lem những vụn bào của gỗ.
Mỗi bữa cơm, một chút ruốc kho mặn, đọt rau lang. Nhà có bốn anh chị em, nên gánh nặng đè lên vai cha mẹ tôi nặng trĩu. Làm bao nhiêu cũng không đủ, có lần cha tôi còn bán bao lúa cuối cùng để có tiền đóng tiền học cho chị em chúng tôi.
Hai chị tôi mỗi ngày ngoài giờ học thường đạp xe lên núi hái trái cây dại ra bán một bên vệ đường. Hai anh em tôi ở nhà nhìn bóng cá sủi dưới ruộng nước bèn tìm cách để đỡ đần. Mỗi buổi chiều, anh em tôi lại vác lưới cá lang thang qua những ruộng nước ngập sâu lai láng để kiếm cá. Chiếc lưới cũ cũng xin lại của người ta chứ anh em chúng tôi nào có tiền để mua…
Ngày xưa, cá còn nhiều lắm. Cá sặc, cá rô đồng, rô phi… Anh em tôi lưới được gần chục ký. Cá nhỏ đem về cho mẹ kho nghệ đỡ tiền chợ, những con cá lớn tươi ngon hai anh em tôi chạy ra đầu chợ để bán. Hai anh em tôi ướt sũng đứng lọt thỏm giữa chợ làng. May thay bán hết rất nhanh. Chút tiền kiếm được, anh em tôi đưa hết cho mẹ, chỉ giữ lại vài ngàn để mua bánh thuẫn về hai anh em chia nhau.
Tôi khoe những đồng tiền tự thân kiếm được, cha tôi cười vui lắm. Cả gia đình ngồi bên mái hiên nhìn cánh đồng nước dâng trắng xóa. Bàn tay cha tôi gầy gò đen đúa, gương mặt mẹ tôi đầy vết tàn nhang chân chim, chiếc áo của mấy anh chị em tôi lúc nào cũng có vết kim chỉ may ở sau lưng đắp nhồi miếng vá…
Tết hồi đó, nhà chúng tôi làm gì có bánh kẹo như người ta. Biết cha mẹ vất vả nên mấy chị em tôi không bao giờ đòi hỏi. Nhưng Tết nào mẹ cũng cố gắng gói ghém được chục đòn bánh tét. Chúng tôi mừng lắm. Bánh tét chỉ có chút nhân đậu xanh ở giữa bằng đầu ngón tay, toàn là nếp, không có nhân thịt nhân mỡ. Những khoanh bánh tét mẹ tôi cắt mỏng, chấm nước mắm mặn vậy thôi mà chị em chúng tôi ăn ngon lành như được ăn món ngon nhất trên đời.
Đêm giao thừa, nhà tôi cũng chẳng có gà luộc, thịt thà bánh mứt như người ta. Mẹ tôi mua ở đâu một miếng gan lợn vừa mổ còn nóng hổi. Mẹ tôi cắt nhuyễn nấu một nồi cháo gan gọi là cho có… giao thừa. Những nụ mai bắt đầu bung nở trên thân mai cằn cỗi, anh chị em chúng tôi húp chén cháo nóng một cách ngon lành. Ừ, mùa xuân đến rồi đó. Cha tôi rút ra bốn phong bao lì xì đỏ chót. Mỗi đứa chỉ hai ngàn thôi, mà mấy anh chị em chúng tôi ríu rít và hồ hởi vui lắm.
Bao mùa Tết đã trôi qua, nghèo khó đơn sơ. Hằng ngày, cha tôi vẫn miệt mài với nghề thợ mộc, mẹ tôi vẫn cặm cụi trồng hoa màu trên mảnh đất khắc nghiệt bạc màu. Mấy anh chị em chúng tôi lớn lên, đi học xa nhà rồi ly hương lập nghiệp. Mỗi năm chúng tôi chỉ về Tết một lần. Thỉnh thoảng, nơi phố thị chen chúc người xe, những tháng cuối năm trời lạnh, tôi lại nhớ về ngày Tết tuổi thơ tuy thiếu thốn nhưng không bao giờ quên của mình…
Những ngày ở nhà vì dịch bệnh, nhận được thùng quà của mẹ từ quê hương, hũ mắm cái, khô cá cơm, vài quả bí đỏ, bó đọt rau khoai lang… Tôi cảm thấy nghẹn ngào quá đỗi. Còn gì hơn nhận được món quà quê giản dị nhưng vô cùng lớn lao. Tôi biết mẹ đã vét sạch vườn, gửi hết cho tôi những gì mẹ có. Mẹ tôi nói: "Ở quê mình cũng có dịch, may mà kịp gửi thùng đồ cho con. Nhà mình vẫn bình an. Bao giờ con về Tết?…"
Tết này, tôi đã hứa với mẹ sẽ về quê, sẽ lại ngửi mùi vụn bào của gỗ, sẽ nhìn thấy đôi tay chai sần của cha, nhìn cha mẹ nay đã già ,đôi mắt cha mẹ long lanh như mỗi năm đón các con về Tết. Tôi sẽ lại ăn món cá kho nghệ, đĩa rau khoai luộc, cùng mẹ và các chị làm bánh tét, mứt gừng, bánh bó. Và chắc chắn tôi cũng sẽ cùng anh tôi đi bắt cá như ngày xưa… Dù năm nay muôn trùng khó khăn vất vả, nhưng tôi cũng sẽ về đoàn tụ đón Tết cùng gia đình thân thương. Được trở về là may mắn và hạnh phúc.
Quảng Ngãi - Sài Gòn. Chưa bao giờ tôi mong mỏi Tết nào như Tết nay. Chặng đường đi biết bao nhiêu lần nhưng chưa bao giờ mong mỏi nhiều như thế. Tết này không giống Tết xưa, không đơn thuần là trở về nhà nghỉ ngơi sau một năm vất vả. Chuyến về nhà của Tết này là chuyến đi đoàn tụ của đời người.
Tôi sẽ về mảnh đất quê lấm lem đất cát, vùng vẫy giữa con sông ngan ngát bùn quê. Dù bao nhiêu mùa xuân qua nữa, tôi vẫn là những đứa trẻ của quê nghèo lam lũ ngày xưa…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.