Kể chuyện làng: Nhớ vị sắn dây quê nhà

Lê Minh Vân Thứ tư, ngày 06/03/2024 11:16 AM (GMT+7)
Những ngày sau Tết, thời tiết ở Nam Bộ dần trở nên oi nồng. Một ngày đi học về, con gái tôi sốt cao, rôm sảy mọc khắp người.
Bình luận 0

Giữa quẩn quanh biết bao công việc không tên chưa biết xử trí ra sao, tôi chợt nhớ đến món bột sắn dây chị gái gửi cho từ quê nhà. Món bột sắn dây cứ ngỡ thật mộc mạc nhưng lại là một vị thuốc hữu dụng vì khi uống xong lại khiến con gái tôi bớt sốt hẳn ra, da dẻ cũng dần trở nên mát mẻ hơn. Nhìn chén bột sắn dây, lòng tôi chợt nôn nao biết bao nỗi niềm thương nhớ bố mẹ ở chốn quê nhà.

Sắn dây vốn là loại cây rất được người dân quê tôi ưu ái gieo trồng để phát triển kinh tế gia đình. Theo lời lý giải của bố tôi thì sắn dây không chỉ dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, sạch sâu bệnh mà còn không cần nhiều vốn liếng để đầu tư như một số loại cây trồng khác. Chắc cũng vì lý do đó nên dù mảnh vườn sau nhà tôi khá bé nhưng bố mẹ tôi lúc nào cũng ưu ái dành một góc nhỏ cho cây sắn dây phát triển.

Những ngày giữa mùa xuân, khi thời tiết nồm ẩm còn đang dùng dằng chút se se lạnh, cũng là thời điểm gia đình tôi quây quần, hì hục thu hoạch sắn dây ở sau vườn.

Kể chuyện làng: Nhớ vị sắn dây quê nhà- Ảnh 1.

Ông nông dân Nguyễn Hoài Khánh (thị trấn Châu Thành, Châu Thành, Tây Ninh) với những vụ sắn dây năng suất cao, củ khoai to, bột nhiều. Ảnh: Trần Đáng

Bố tôi, khi còn sinh thời, vốn rất thích sắn dây nên thường gọi đùa loại cây này là "tinh túy cô đọng của đất trời vào buổi giao mùa". Tên gọi này, ngẫm ra cũng thật hợp lý vì loài cây chẳng cần phải chăm chút kỹ lưỡng gì nhưng bộ phận nào của cây cũng có thể thu hái và sử dụng. Thông thường, các loại cây phải đến thời kỳ sinh trưởng mới có thể sử dụng được những bộ phận của nó nhưng với sắn dây thì lại câu chuyện hoàn toàn khác. Người ta có thể sử dụng mọi bộ phận của cây, bất chấp các giai đoạn phát triển khác nhau.

Bản thân tôi vẫn còn nhớ rằng, sau mỗi mùa thu hoạch sắn dây, bố tôi lại tất bật đào hố sâu khoảng 50cm trên gò đất rất cao ráo và tơi xốp. Thông thường, bố sẽ lựa những hom dây khỏe mạnh nhất của mùa trước, tỉ mỉ cắt thành từng đoạn khoảng 60 – 70cm để chuẩn bị cho vụ mùa kế tiếp. Đó cũng là thời điểm hai mẹ con tôi tranh thủ gom ít phân chuồng hoặc các loại rau cỏ dư thừa để dành bón lót dưới hố. Bố tôi sẽ nhẹ nhàng đặt từng hom dây vào hố và lấp đất lại thật tỉ mỉ. Để sắn dây mau lớn, chị em tôi thường được bố mẹ giao nhiệm vụ phải tưới nước mỗi ngày đến khi cây đâm nhánh, nảy chồi. Hoặc thi thoảng trong nhà có các loại cây trái dư thừa, bọn trẻ chúng tôi lại tỉ mẩn gom góp ủ quanh gốc, chẳng mấy chốc đã trở thành ụ đất cao xung quanh gốc cây, nhằm cung cấp cho chúng thêm dưỡng chất để sinh trưởng.

Kể chuyện làng: Nhớ vị sắn dây quê nhà- Ảnh 2.

Sắn dây luộc. Ảnh: Tác giả cung cấp

Mỗi khi cùng bố ra vườn chăm sóc sắn dây, tôi hay được nghe người dạy về bài học từ loài thực vật này. Bố tôi thường so sánh sắn dây với tầm gửi vốn giống nhau, vì đều là loại dây leo với tập tính sống là nương tựa một phần thân cây khác. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của hai loại cây này ở chỗ tầm gửi sẵn sàng sống phụ thuộc cả đời nhưng sắn dây chỉ tận dụng thân cây khác làm bệ phóng để phát triển và vươn lên. Bố thường bảo các con hãy như sắn dây, dẫu sinh trưởng ở vùng nông thôn nghèo nhưng hãy cố gắng học lấy cái chữ, tìm thấy tri thức để vượt qua lũy tre làng, khẳng định giá trị bản thân. Bài học bố dạy năm nào, vô tình đã trở thành động lực cho chúng tôi cố gắng và vươn lên từng ngày.

Đến mùa sắn dây trổ hoa, bọn trẻ chúng tôi thường ra vườn ngắm nhìn từng chùm nụ xanh non e ấp trên cuống lá khi những cơn gió nghịch ngợm thoáng qua trên vòm lá. Mỗi khi ngắt một chùm hoa xanh tím biêng biếc, chúng tôi lại nhanh nhẹn kết thành từng vòng tròn xem như chuỗi ngọc để dành đeo vào cổ. Bố mẹ tôi hay đứng dưới gốc cây, nhìn các con vui vẻ cười đùa, vẻ mặt rạng rỡ đến dịu dàng.

Mỗi khi đến mùa hoa sắn dây, mẹ tôi vẫn thường tranh thủ thu hái ít hoa về sao vàng và phơi khô. Mẹ tôi vốn là người có chút hiểu biết về y học, vì trước đây ông ngoại tôi mở một hiệu thuốc nhỏ, chuyên bốc thuốc chữa bệnh cho người trong làng. Chắc cũng vì thế nên mẹ biết công dụng của hoa và củ sắn dây là thanh nhiệt, giải độc, giải rượu rất tốt. Ngoài ra, cây sắn dây còn dùng chữa cảm sốt, nhiệt miệng, nhức đầu, mụn nhọt, táo bón, phòng ngừa các loại rôm sảy do thời tiết quá nóng bức... Mỗi khi bố tôi uống rượu say quá chén hoặc bọn trẻ con chúng tôi vì thời tiết oi nồng mà nổi rôm sảy, mẹ liền dùng ít hoa sắn dây để pha trà hoặc đun ít bột sắn dây cho bố con tôi dùng, cảm giác dễ chịu hơn rất nhiều.

Chờ đến giữa mùa xuân, khi cánh đồng lúa đương dậy thì tươi tốt, công việc đồng ruộng của mọi người cũng trở nên nhàn nhã hơn. Chính khoảng thời gian nông nhàn này là lúc thích hợp để mỗi gia đình ở quê tôi thu hoạch sắn dây. Tôi rất thích nhìn cảnh bố bổ từng nhát cuốc xuống lớp đất bao quanh gốc rồi khéo léo luồn lách để lộ ra những củ sắn dây to, dài, ngoằn ngoèo như những con trăn được đánh thức sau giấc ngủ đông dài lê thê. Chị em tôi cứ thế hào hứng bê từng thúng về tập kết ở nền giếng. Từng củ sắn được chuốc bỏ đất mịn bám quanh, chị em tôi cứ thế tỉ mỉ cọ sạch từng lớp đất bám trong từng khe nhỏ trên vỏ.

Kể chuyện làng: Nhớ vị sắn dây quê nhà- Ảnh 3.

2 gốc sắn khủng tại khu trưng bày hàng nông sản tiêu biểu của thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) tại lễ hội thu hoạch hành tỏi năm 2024. Ảnh: Nguyễn Việt

Bao giờ cũng thế, mẹ tôi thường để dành những củ to cắt thành từng khúc nhỏ luộc chín cho chị em tôi thưởng thức trước. Luộc sắn dây thật ra rất đơn giản, vốn chẳng có "bí kíp" gì đặc biệt. Theo kinh nghiệm của mẹ tôi thì chỉ cần chọn những củ sắn dây đã già, cứng để có nhiều tinh bột và ngọt nước. Khi mang về, mẹ thường rửa thật sạch củ sắn dây, sau đó cho vào nồi đổ thêm xăm xắp nước mà luộc. Mẹ thường kiên nhẫn đun đều trên lửa cho tới khi xiên chiếc đũa vào củ sắn dây thấy mềm mại, êm êm tay là được. Món sắn dây luộc gây ấn tượng vì cảm giác thuần khiết đến tự nhiên vì khi luộc cũng chẳng cần cho đường hay thêm bất kỳ hương liệu gì, cũng bởi củ sắn dây tươi đã sẵn vị ngọt và có hương thơm đặc trưng rồi.

Sắn dây thông thường phải ăn lúc nguội. Chị em tôi hay ngồi xúm xít trước hiên nhà, chờ nồi sắn nguội dần, mẹ sẽ xắt củ sắn dây ra thành những khoanh nhỏ rồi bẻ thành miếng vừa ăn. Thông thường, nhai sắn dây sẽ hơi bã một chút vì củ sắn dây già có rất nhiều xơ. Nhưng chỉ cần chậm rãi nhai kỹ sẽ càng cảm nhận được hương vị thơm ngon, cực kỳ mịn và mềm như tan ra trong miệng. Đôi lần, mệt nhoài vì mải vui chơi, chỉ cần về đến nhà, được cầm miếng sắn dây nóng hổi mẹ nấu, vừa thổi vừa nhồm nhoàm ăn trong tiết trời mưa bay mới cảm nhận hết được tất thảy vị bùi ngùi, ngon ngọt của sắn dây vườn nhà.

Số sắn dây còn lại, mẹ tôi cho vào thùng để bố chở xuống huyện xay nhỏ về làm bột. Khi mang sắn dây về nhà, mẹ thường tranh thủ đổ nước mưa vào từng thùng bóp rời và lọc qua nhiều lần từ tấm vải thưa đến tấm vải kín. Mẹ tôi vốn dĩ cẩn thận nên thùng nước bột sẽ được thay nước thêm 3 đến 4 lần vào mỗi buổi sáng, để bột trắng và không bị chua, chất lượng bột sẽ tốt hơn. Khi bột lắng đọng, mẹ tôi sẽ cạo lớp bột trắng tinh hong phơi dưới ánh nắng hanh hao sau nhà. Mãi cho đến khi bột khô, mẹ sẽ nhẹ nhàng cho vào từng hũ, gửi biếu một ít cho hai bên nội ngoại, phần còn lại sẽ để dành cho gia đình dùng quanh năm. Mẹ tôi thường bảo: "Của cho không bằng cách cho". Cũng bởi, bột sắn dây không phải là cao lương mỹ vị gì nhưng mỗi khi con cái hay gia đình có ai nóng trong người, rôm sảy, sốt cao thì ly nước sắn dây có thể được sử dụng như một phương thuốc hữu hiệu.

Mãi cho đến khi trở thành một người trưởng thành, tôi vẫn hoài nhớ hương vị đặc biệt của món sắn dây quê nhà. Chỉ tiếc bố mẹ tôi đều đã lần lượt qua đời sau những cơn đau kiệt cùng của bệnh ung thư. Mỗi khi quay trở về quê, nhìn ngôi nhà cũ và vườn sắn dây chị gái tôi gieo trồng, lòng tôi không khỏi nôn nao biết bao nỗi niềm.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem