Kể chuyện làng: "Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà"

Lan Hương Thứ tư, ngày 11/11/2020 08:00 AM (GMT+7)
Cảm ơn những tháng ngày gian khổ, cảm ơn vùng đất xa lạ đã trở thành thân quen, cảm ơn những người dân hiền như đất đã nuôi tôi lớn khôn cả phần xác lẫn phần hồn
Bình luận 0
Kể chuyện làng: "Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà" - Ảnh 1.

Hương và Thanh.

Tháng 7/1965, trong mưu đồ mở rộng chiến tranh bắn phá miền bắc, Mỹ bất ngờ ném bom kho dầu thành phố Nam Định yêu dấu của chúng tôi, xé tan cuộc sống yên lành. Tiếng còi tầm êm ả báo hiệu giờ tan ca của các công nhân Nhà máy Dệt – máy Tơ đã thành còi báo động ghê rợn kèm lời thông báo trên loa phát thanh: "Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách thành phố...". Vỉa hè được đào sâu xuống đặt ống cống lớn làm hầm tránh bom cá nhân cho người đi đường và trong mỗi gia đình cũng biến gầm cầu thang, gầm giường thành nơi tránh hòn tên mũi đạn. Nhưng để ổn định cuộc sống thời chiến lâu dài hơn, thành phố hầu như chỉ có lực lượng quân đội, dân quân tự vệ và lực lượng lao động cần ở lại thành phố vừa sản xuất (trong các nhà máy, xí nghiệp) vừa chiến đấu, còn phần lớn người dân lao động và học sinh các cấp sơ tán về nông thôn.

Gia đình tôi bắt đầu chia năm xẻ bảy, bố và anh trai lớn đi theo cơ quan, mẹ ở lại thành phố tham gia tổ phụ nữ phục vụ chiến đấu, các anh kế: người đi bộ đội, người đi học chuyên nghiệp (tốt nghiệp xong anh cũng đi bộ đội luôn), còn 6 chị em tôi theo bà ngoại về thôn Giáp Nhất, xã Quang Trung, huyện Vụ Bản, Nam Định, cách thành phố khoảng hơn 10km – nơi hợp tác xã may mặc của bà sơ tán, không phải quê tôi.  

Kể chuyện làng: "Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà" - Ảnh 2.

Đội kịch 9B.

Thôn chúng tôi ở, đất chật người đông, dân có thêm nghề rèn, nhà cửa san sát nhưng họ cực kỳ rộng lòng, cưu mang, đùm bọc dân sơ tán đúng nghĩa là "đồng bào". Họ sẵn sàng nhường cho chúng tôi một phần không gian trong ngôi nhà nhỏ của mình mà không lấy một đồng xu cắc bạc, cho chúng tôi dùng chung cả chất đốt. Dân địa phương và dân sơ tán sống hòa hợp, đầm ấm như những người bà con ruột thịt. 

Bà cháu tôi được cụ chủ nhà nhường cho một buồng có kê sẵn một chiếc giường đôi nhưng ngang chỉ có 1,5m. 5 bà cháu nằm ngang, xếp lớp trên chiếc giường đó. Còn 2 em trai tôi ngủ chung với 2 cháu trai cụ chủ nhà ở gian ngoài. Điện không có, mùa đông còn đỡ chứ mùa hè thì nóng khủng khiếp. Bà thay cha mẹ chăm lo cho chúng tôi. Sáu đứa cháu cả gái lẫn trai lít nhít chứ có ít đâu. Bây giờ nghĩ lại càng thương bà nhiều hơn. 

Tính bà vui vẻ, hào phóng nên ở đâu cũng được dân làng quý mến (bà cháu tôi đổi nhà 3 lần, càng ngày càng được ở rộng hơn). Đến mùa thu hoạch màu, bà con hàng xóm còn mang sang biếu bà tôi mớ khoai, lạc mới rỡ lấy thảo. Luộc hai thứ chung nhau, xếp ra rổ, khói nghi ngút, thơm vô cùng. Khoai và lạc cùng bùi cùng ngọt như tấm lòng người dân nơi đây mộc mạc, ấm áp nghĩa tình.

Ngày đó, trẻ con ngoan thật, xa cha mẹ, cuộc sống vật chất khó khăn, tiện nghi thiếu thốn, vẫn chăm học chăm làm. Chị em chúng tôi học ngay trường cấp 1, cấp 2 của xã, em nhỏ chưa đi học thì ở nhà với bà (bà nhận hàng làm ở nhà), còn tôi vào lớp 6. Chúng tôi nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới, chả thấy khổ gì cả, lại còn thấy vui nữa cơ.

Đi học phải đội mũ rơm, lưng đeo nùn rơm, áo quần phải tối màu, nếu áo sáng màu phải nhuộm. Nền lớp đào sâu xuống mặt đất, có đường hào dẫn ra hầm chữ A, các lớp nằm rải rác trong khu dân cư. Các thầy cô chạy tiết dạy thật vất vả. Ấy thế mà suốt những năm đi học tôi chưa thấy thầy cô nào thờ ơ với học sinh. Ngược lại quan hệ thầy – trò, giáo viên – phụ huynh gần gũi, thân thiết, nhiều người gắn bó đến tận bây giờ. Ở những lớp cuối cấp, thầy cô còn đến tận nhà học sinh kiểm tra việc tự học. Thầy cô coi học trò như con cháu, như em của mình. Tối, chúng tôi phải học bằng đèn dầu, gọi là đèn Hoa kỳ. Ở trong nhà nhưng đèn vẫn phải có cái chụp, che bớt ánh sáng. Khó khăn là thế nhưng thày trò vẫn dạy và học nghiêm túc, say mê; cuối học kỳ, cuối năm trường cấp 2 cũng như cấp 3 nơi tôi theo học vẫn tổ chức văn nghệ, "vẫn vui vẫn hát những câu rộn ràng" (Trần Đăng Khoa).

Sau giờ học, giống như hồi trước chiến tranh, ở đây chị em chúng tôi vẫn tranh thủ phụ giúp bà thùa khuy đính nút, rọc vải màn (mùng) cho các cô trong tổ may. Đến bữa, tùy theo sức của mình, chị em bảo nhau đứa rửa bát buổi sáng, đứa buổi chiều. Tôi là chị lớn còn giúp bà nấu cơm, giặt giũ cho các em nhỏ. Em gái tôi còn theo bạn trong xóm cắt chiếc mùng cũ làm vó cất tép ở ruộng. Bố tôi cứ 1-2 tuần một lần từ thành phố đạp xe đạp tới thăm bà và các con, tiếp tế cho bà cháu khi dầu hỏa, lúc gạo, bột mì, bánh mì Ba Lan (nhà máy chuyên sản xuất bánh mì do Ba Lan giúp đỡ xây dựng), chai mắm... mua theo tem phiếu. Ông không quên đem món quà tinh thần nữa: báo chí. Hồi đó, ngoài báo Thiếu niên tiền phong, Văn nghệ, bố mẹ tôi còn gửi đều đặn Tạp chí văn học, Toán học tuổi trẻ cho chúng tôi.  Ông tới một vài tiếng rồi lại hối hả đạp đi ngay.

Ôi, những năm sơ tán quý giá! Nhờ nó mà tôi được biết bao nhiêu điều mới lạ, tầm mắt được mở mang, được đắm mình trong vẻ đẹp của thiên nhiên: tận mắt thấy cánh đồng lúa đương thì con gái xanh mướt, mượt mà; thấy "bông lúa cuốn câu, con trâu ra đồng" (thơ Trần Đăng Khoa) - ở thành phố chỉ biết con bò kéo xe; tự tay vuốt "một sợi rơm vàng, hai sợi vàng rơm" (lời bài hát của thiếu nhi); tỉnh giấc bởi tiếng gà gáy "Ò...ó...o..., gọi ông trời nhô lên rửa mặt"; biết tiếng lợn kêu ụt ịt...; biết phân biệt cối xay, cối giã, cái giần cái sàng... và hiểu hơn câu thơ của Bác "Gạo đem vào giã, bao đau đớn...", hiểu thêm thế nào là "lọt sàng xuống nia", "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn"; biết ngơ ngẩn trước "mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy" (Nguyễn Bính), ngơ ngẩn giữa không gian ướp đầy hương hoa bưởi, hoa chanh tinh khiết, ngất ngây giữa "thoang thoảng hương lúa lên đòng, thơm như sữa một người mẹ trẻ" (Nguyễn Trung Thành), khoan khoái đi giữa đường làng rợp bóng tre xanh. 

Và, tôi cũng biết thêm về cái lạnh như cắt da cắt thịt của gió rít mùa đông, về cái nắng như đổ lửa giữa mùa hè nóng bỏng "nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ" (Trần Đăng Khoa) trên đường đi học qua những cánh đồng; biết những nữ dân quân ra đồng cày cấy, gặt hái còn khoác thêm cây súng trường. Tôi còn biết về cuộc sống của những người nông dân chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, hai sương một nắng nhưng tấm lòng thật thơm thảo, sống lạc quan yêu đời; biết về những người bạn mới chân chất, mộc mạc. 

Chúng tôi bổ sung cho nhau, học hỏi lẫn nhau: học trò thành phố học khá đều các môn hơn, tham gia các hoạt động văn nghệ thể thao sôi nổi hơn, đọc sách nhiều hơn; học sinh nông thôn kiến thức thực tế rộng hơn, lanh lợi hơn, khỏe mạnh, rắn chắc hơn, biết làm nhiều việc hơn, quan tâm giúp đỡ bạn bè một cách vô tư. Nhớ những buổi chiều phải ở lại trường lao động hay tập văn nghệ, thể thao gì đó, những đứa nhà xa mang theo đồ ăn để ăn chung lúc nghỉ trưa. Nào khoai lang luộc, lạc luộc, lạc rang... – đặc sản với dân thành phố; nào bột mì rán, bánh bao chay – món lạ miệng với các bạn nông thôn; nào xôi, nào cơm nắm muối vừng... Vui như được liên hoan.

Kể chuyện làng: "Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà" - Ảnh 4.

Xa thành phố, không có tiếng còi báo động nhưng chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng gầm rú của máy bay, tiếng bom nổ, thấy khói bom đen xì, ban tối thấy pháo sáng và đôi khi nhìn thấy cả máy bay rơi... Nhìn về hướng thành phố bị bắn phá, lòng chúng tôi quặn thắt. Cha mẹ chúng tôi ở xa cũng lo lắng cho mấy bà cháu nơi sơ tán khi biết tin ngay huyện Ý Yên bên cạnh, Mỹ ném bom trường học, giết hại 32 học sinh và 1 thầy giáo. Càng xót xa bao nhiêu lại căm hận giặc Mỹ bấy nhiêu.

Tháng 11/1968, sau 4 năm mở rộng chiến tranh (1964 - 1968), Mỹ phải ngừng ném bom miền bắc không điều kiện, mấy bà cháu lại trở về thành phố. Riêng tôi còn một năm học nữa là tốt nghiệp phổ thông nên ở lại trọ học trong một thôn mà trường cấp 3 sơ tán, đến 1970. Chiến tranh chưa kết thúc nhưng đã tạm ngưng, cuộc sống đỡ căng thẳng hơn. Khi đi sơ tán, tôi còn là một đứa trẻ, nay đã thành thiếu nữ với bao mộng mơ, bao khát vọng về một tương lai tươi sáng.

Cuối tháng 10/2020 vừa qua, khóa bạn học cấp 3 Hoàng Văn Thụ - Vụ Bản chúng tôi, từ khắp nơi trên đất nước rủ nhau về trường cũ kỉ niệm "Nửa thế kỉ bạn và tôi" như một sự tri ân thầy cô và mảnh đất Vụ Bản yêu quý. Lứa chúng tôi cùng với cả dân tộc đã đi qua những năm tháng chiến tranh bình thản như thế đấy.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem