Kể chuyện làng: Rún đá quê nhà

Bình An Thứ bảy, ngày 25/03/2023 09:15 AM (GMT+7)
Tôi sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình, nơi có những dãy đá vôi, đá tai mèo trùng điệp, hùng vĩ. Quê tôi có câu ca: "Bạn về với đất quê mình/ Riêu cua rún đá nghĩa tình mời nhau".
Bình luận 0

Câu ca đơn thuần mà chí lí vô cùng. Cũng bởi, chính từ đá mà người dân quê tôi tìm ra một món ăn vô cùng đặc biệt gọi tên là rún đá. Với người vùng khác, tên gọi này có vẻ kỳ lạ nhưng với người dân quê tôi, rún đá là một điều rất thân thuộc. Hơn cả một món ăn, rún đá còn ghi khắc biết bao hoài niệm thời tuổi thơ của nhiều người sinh ra và lớn lên tại vùng núi như bản thân tôi.

Kể chuyện làng: Rún đá quê nhà - Ảnh 1.

Rún đá quê nhà. Ảnh: Tác giả cung cấp

Rún đá còn gọi là sún đá, rêu đá, vốn là loại rêu mọc sau mưa, sinh trưởng trên các mỏm đá vôi ở quê tôi. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, món rún đá được coi là đặc sản từ những thập niên 70-80 của thế kỷ trước, khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, bữa cơm đạm bạc đến độ không có gì để ăn, chỉ còn trông chờ vào thiên nhiên. Thế là sau những ngày mưa, dân làng lại kéo nhau cả đoàn lên núi để lấy rún đá.

Quá trình sinh trưởng của rún đá ngẫm lại cũng lạ, khi trải qua mùa đông lạnh giá đến những ngày mùa xuân ẩm ướt, chúng sẽ tự sinh sôi nẩy nở ở những khe đá, khô quắt queo. Để rồi chỉ cần đón trận mưa rào đầu mùa, rún đá sẽ mọc thành từng mảng trong những hốc, rãnh đá có đọng lớp đất mùn mỏng. Màu sắc của rún đá thoạt nhìn hơi giống mộc nhĩ, màu xanh đậm, có mùi hơi tanh của đá nhưng mát rượi trong lòng bàn tay.

Kinh nghiệm của người dân quê tôi là nên đi nhặt rún sau cơn mưa, khi đó cánh rún sẽ nở to dễ lấy và trông tươi, sạch hơn.

Những ngày còn thơ, tôi hay dò dẫm theo bố mẹ lên núi lấy rún đá. Đường đi lên núi khi ấy quanh co, gập ghềnh giữa nhiều vách đá, loáng thoáng đâu đó hương thơm của hoa rừng và bóng dáng vài con thú rừng giật mình khi nghe bước chân người lạ. Khi ấy, do tuổi đời còn nhỏ, tôi thường được bố mẹ giao nhiệm vụ trông em ở đoạn bằng phẳng giữa núi. Dẫu thế, bản tính tò mò khiến tôi cứ ngẩn ngơ trông theo bóng dáng thoăn thoắt của bố mẹ trên các vách núi.

Công việc lấy rún đá thoạt nhìn trông đơn giản nhưng vô cùng vất vả. Cũng bởi, khi trời mưa, những mỏm đá tai mèo sắc nhọn như những lưỡi dao nên việc vô tình bị chảy máu tay, chân là chuyện bình thường. Bố mẹ tôi trong vài lần bất cẩn cũng bị đá làm bị thương, tay chân xây xát, rỉ cả máu. Tôi thường xót xa hỏi nhỏ: "Nguy hiểm như vậy sao bố mẹ vẫn làm ạ? Bố mẹ thôi đừng làm nữa. Con không thích ăn rún đá đâu". Dẫu thế, bố mẹ tôi chỉ mỉm cười hiền lành giải thích: "Nếu đợi thời tiết khô ráo, mới đi lấy sẽ không có rún đá đâu con ạ. Vì rún sẽ chết hoặc biến mất ngay khi gặp trời nắng to". Thế mới hay, rún đá dẫu chỉ là một món ăn đơn thuần nhưng chứa đựng biết bao công sức và sự hi sinh vất vả của bố mẹ dành cho chúng tôi.

Kể chuyện làng: Rún đá quê nhà - Ảnh 2.

Rún đá. Ảnh: Tác giả cung cấp

Rún đá sau khi lấy ở núi về sẽ được mẹ tôi làm sạch bằng cách ngâm nước gạo cho hết bụi bẩn rồi cho lên rá đồ hoặc cho vào nồi luộc rún trong nước sôi khoảng mươi phút là được. Rún đá sau khi luộc chúng ta có thể chấm với muối vừng hoặc chan với riêu cua, riêu cá đều ngon. Nếu thu hoạch được nhiều thì bố mẹ tôi thường tiến hành phơi khô để dành ăn dần.

Thi thoảng, muốn đổi vị cho gia đình mẹ tôi sẽ kết hợp rún đá và riêu cua. Nói về riêu cua thì cách chế biến cũng rất kỳ công. Để có được nồi riêu ngon phải chọn loại cua đồng chắc thịt, còn sống, đặc biệt nếu là cua cái càng nhiều gạch. Cua sau khi rửa sạch mẹ tôi sẽ tiến hành bỏ yếm bỏ mai rồi tỉ mỉ giã nhỏ, lọc lấy nước cua.

Khi nấu chúng ta nên đun vừa lửa để thịt cua kết tảng cho đẹp. Riêu cua quê tôi thường được nấu với chút mẻ, với khế chua nên hương vị cũng khác biệt với riêu nấu với cà chua hoặc một số quả chua khác. Phần gạch cua được mẹ tôi khéo léo chưng với hành mỡ vàng thơm rồi rải đều lên bát riêu. Những ngày thơ ấu, chỉ cần một bát cơm trắng ăn cùng rún đá, thêm chút riêu cua và đĩa rau thơm là đủ đầy, no nê cho một bữa chiều oi ả của cả gia đình.

Kể chuyện làng: Rún đá quê nhà - Ảnh 3.

Món rún đá. Ảnh: Tác giả cung cấp

Bao giờ cũng thế, tôi thường ngồi nhẩn nha nếm thật chậm vị mát lạnh của món rún đá hoà cùng chút beo béo của riêu cua và hương thơm của các vị rau khác. Đó là hương vị độc đáo chốn quê nhà mà mãi cho đến khi đã là một người trung niên, tóc bạc quá nửa mái đầu, tôi vẫn hoài nhớ mong.

Bây giờ cuộc sống đổi thay rất nhiều, khi cơm gạo không lo thiếu, món ăn cũng đa dạng nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn tìm mua rún đá làm món ăn để con cháu biết thêm một thứ rau dân dã quê nhà. Có điều giờ đây khi chế biến món rún đá tôi thêm các gia vị rau thơm, hành hoa... nên nồi riêu hấp dẫn và ngon mắt ngon miệng hơn. Dù thế món rún đá giản dị bên bữa cơm nghèo ngày nào vẫn hoài trong tâm trí tôi, như một nhắc nhớ về khoảng đời bình an, đầy yêu thương bên gia đình.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem