Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo với khí hậu vốn không mấy ưu đãi con người. Mùa hè trời sẽ nắng như đổ lửa, còn đến mùa mưa thì dầm dề rả rích suốt cả ngày đêm.
Mặc cho thời tiết khắc nghiệt nhưng một số loài hoa vẫn mặc nhiên nở, khoe sắc hương cho đời mà chẳng cần quan tâm đến nắng mưa. Dù không hẹn trước nhưng mùa xuân hằng năm tôi vẫn mong muốn được quay trở về quê hương, nghe lòng mình nao nao khi được ngắm nhìn sắc đỏ như mặt trời đang tỏa ra những cây gạo nơi triền đê khi chiều về.
Hoa gạo còn gọi là hoa pơ lang, hay hoa mộc miên, vốn được trồng rất phổ biến ở nông thôn miền Bắc Việt Nam. Hầu như ở làng quê nào cũng sẽ trồng một cây gạo, nơi đầu làng hay đâu đó giữa cánh đồng. Mỗi đợt rét nàng Bân cuối cùng của phương Bắc nhạt dần cũng là thời điểm hoa gạo bừng nở đỏ rực trên khắp các nẻo đường quê hương. Hoa gạo cứ thế mọc chi chít đều khắp trên thân cành, xòe ra từng cánh rực rỡ như nắng chiều.
Hoa gạo thoạt trông tuy không mềm mại như hoa lài thơm ngát, như hoa bưởi nhưng lại rất đỗi mộc mạc và tinh tế. Đó cũng là lý do cây gạo còn được ví như người nông dân hiền lành quanh năm gắn bó với đồng ruộng. Những ngày còn bé, mỗi khi nghe người trong làng nhắc đến hoa gạo, tôi cứ băn khoăn mãi chẳng biết đó là hoa gì. Thi thoảng, trong lòng còn thầm nghĩ, chắc có lẽ là một loài thực vật cho ra những hạt gạo mà mẹ thường nấu cơm cho mình ăn hằng ngày.
Nhân một hôm nhàn rỗi, theo chân ông ra đồng, tôi mang thắc mắc về cây gạo ra hỏi ông ngoại. Ông ngoại bật cười, lý giải cho tôi hiểu rằng gạo được sinh ra từ cây lúa nước, còn cây gạo được trồng ở đầu làng chỉ đơn thuần cho ra hoa. Dù thế cây gạo lại là một loại cây đặc trưng của mỗi ngôi làng, cho ta bóng mát, nhắc nhở người trong làng dẫu có đi đâu xa, cũng nên trở về với làng xóm quê nhà.
Cây gạo bên bến sông của làng tôi chẳng biết đã có tự bao đời, chỉ thấy vẻ ngoài rất kỳ lạ với cành lá xù xì, u cục nổi gò, nổi đống trông u linh, kì quái và mê hoặc. Đó cũng là lý do mà dân gian ta có câu nói cửa miệng: "Thần cây đa ma cây gạo". Dù mang nặng định kiến như thế nhưng bất kỳ ai có dịp chìm đắm trong khung cảnh màu hoa gạo đỏ rực cả một góc trời, thì câu nói trên cũng theo gió thoảng mây bay.
Đó cũng là nơi bao câu chuyện ấu thơ từ đó mà thành hình. Lũ trẻ con chúng tôi chỉ đợi mỗi mùa hoa gạo đến để tập trung ở bãi cỏ rộng ngay dưới gốc cây nhặt hoa gạo rụng để dành chơi bán đồ hàng mải mê không biết chán. Thi thoảng, xen giữa cuộc vui đùa của bọn trẻ, một vài anh chị lớn tuổi hơn lại kể lại truyền thuyết về hoa gạo nghe lỏm từ người lớn trong làng. Tương truyền hoa gạo là biểu tượng cho tình yêu không thành của một đôi trai gái. Màu đỏ rực của hoa gạo chính là hoá thân từ cô gái sau khi chết mà thành. Cũng bởi, nguyện vọng của cô khi sống là mong muốn chàng trai mình thương yêu luôn được ngắm bản thân với rực rỡ và yêu thương nhất.
Nhớ đôi lần tôi phụ gánh đỡ thóc cho ông, lúc đi ngang qua sân đình nhìn những bông hoa gạo xoay tròn trong gió rồi thong thả rơi xuống, bản thân háo hức reo lên khi hứng được vào lòng bàn tay của mình một bông. Nhìn bông hoa đỏ rực năm cánh đầy kiêu sa ấy, bản thân tự hỏi, phải chăng vì vẻ ngoài của hoa nhìn thật trân quý nên mới được đặt tên là hoa gạo?
Những ngày còn đến trường, tôi thích nhất là việc tranh thủ thức giấc sớm, ngắm nhìn buổi mai tinh khôi. Khi những làn sương mỏng vẫn còn giăng nhẹ trên con đường từ ngõ nhà ra đồng, cánh đồng làng lúa xanh thẳm, qua những ngày thì con gái chuẩn bị làm đòng, rào rạt trong làn nắng mới nhẹ theo làn gió thoáng qua. Vẻ đẹp của làng lúc này như được giao hòa trong sắc đỏ tươi đến rực trời của cây gạo già bên dòng sông lấp lánh ánh nắng.
Để rồi mỗi khi gió thổi qua, những cánh hoa gạo lại xoay xoay trên cành cây cao như chiếc chong chóng rồi mới bay sà xuống đất. Tụi con gái yêu hoa lá cũng tranh thủ nhặt nhạnh từng bông hoa gạo cầm tay để làm duyên. Những cánh hoa gạo dày với sắc màu đỏ tươi rói, nở rộ như mấy chiếc đèn lồng hay treo trước sân nhà mỗi mùa xuân đến.
Cứ mỗi lần tôi trở về quê hương vào đúng tháng này, tôi lại đi dọc bờ đê ngắm nhìn vẻ ngoài rạng rỡ của hoa gạo. Chợt nghĩ, những lúc mệt mỏi, hay buồn phiền, ai cũng mong được trở về với con đê yên bình, thảm cỏ xanh, với những sợi nắng trong veo cùng hoa gạo rạo rực thắp lên nỗi khát khao, tin yêu về cuộc đời.
Mùa xuân này, khi vẫn còn hối hả đuổi theo nhịp sống giữa thành phố xa xôi, lòng tôi lại xót xa thương hoa gạo rụng. Chẳng rõ trẻ con bây giờ có còn chịu khó hứng hoa như ngày xưa nữa, hay để cánh hoa tả tơi rơi trên nền cỏ để ngày mai có thể cái nắng gắt, oi nồng lại trở về thiêu những cánh hoa rơi. Chợt nghĩ lâu lắm rồi không về thăm quê, để được vịn vào rêu phong cổ kính của làng, nơi bóng thời gian sẫm màu in lên đấy, nghe tâm hồn mình mênh mang cùng hồn quê êm dịu, muốn được ngắm nhìn sắc đỏ như mặt trời trong chiếc mũ của thời gian đang trùm lên cây gạo tháng Ba nơi triền đê khi chiều về.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.