Kể chuyện làng: Sân nhà có một cây mơ

Nguyễn Thị Hồng Thứ tư, ngày 09/08/2023 08:34 AM (GMT+7)
Một ngày đến cơ quan như thường lệ, bất chợt nhận được một hũ mơ ngâm từ người bạn đồng nghiệp, khiến lòng tôi không khỏi bâng khuâng nhớ quê nhà. Miền ký ức về những ngày tháng được thong dong sống cạnh cha mẹ ở ngôi làng nhỏ ven sông, chợt trở lại trong tôi.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Sân nhà có một cây mơ - Ảnh 1.

Mơ xanh. Ảnh: Tác giả cung cấp

Chẳng biết xuất hiện từ khi nào nhưng lúc bản thân bắt đầu lớn, cây mơ trước sân nhà đã trở thành một cái cây cổ thụ cao gần chục mét, tán xòe rộng và cái gốc cứ xù xì, mốc thếch ra. Những ngày đầu xuân, khi thời tiết dần ấm áp hơn, từng chùm hoa mỏng manh tinh khiết bung nở dịu dàng, e ấp như cô thiếu nữ đang "độ chín".

Những lúc nhàn rỗi, tôi thường ngẩn ngơ đứng nhìn cây mơ trắng muốt dưới nắng ấm. Thi thoảng, từng cơn gió nhẹ thổi qua, những cánh hoa li ti phấp phới xoay tròn rơi nhẹ trong gió. Khi những cánh hoa bắt đầu rơi, từng quả non khẽ khàng vươn ra, tận hưởng hết mọi tình hoa đất trời, mà sinh trưởng. Dưới tán lá xanh, những quả mơ lớn nhanh như thổi, to tròn và căng mọng. Cành mơ nhìn khô khốc nhưng mà dẻo dai. Khi quả chín, cha tôi thường dùng cái móc kéo cong vút xuống để hái quả cho thuận lợi nhưng cành cây tuyệt nhiên không hề gãy.

Kể chuyện làng: Sân nhà có một cây mơ - Ảnh 2.

Mơ ngâm. Ảnh: Tác giả cung cấp

Tôi thích nhất mỗi mùa trẩy quả mơ. Cứ vài ngày, gia đình tôi lại hái được rổ mơ vàng ươm nở rộ. Mơ sau khi thu hoạch được nhiều, cha mẹ tôi thường đem chia cho những nhà hàng xóm chung quanh. Phần còn lại mẹ tôi hay mua đường phèn ngâm ra một hũ thật to. Biết tính tôi ưa ngọt, mẹ thường ngâm mơ thật nhiều, đủ để con gái uống đến tận mùa mơ sau mới hết. Những ngày oi nồng, mỗi khi đi học về, tôi thường mẹ pha sẵn cho cốc mơ đá ngâm. Vị trong lành, ngọt mát của cốc mơ khiến bao mỏi mệt trong người tan biến, bản thân cũng cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng.

Ngoài việc ngâm với đường, mẹ tôi cũng chừa lại một ít mơ để dành ngâm cùng mật ong, phòng khi trái gió trở trời chị em tôi hay khục khặc ho. Những lúc ấy, chỉ cần vài thìa siro mơ mật ong của mẹ, bệnh ho của tôi hôm sau sẽ khỏi hẳn. Những lúc mơ ngâm vừa tới, các cô bác hàng xóm sang nhà ngồi chơi, cha đều mang nước mơ ra đãi, ai cũng tấm tắc khen ngon. Có đôi lần ngẫu hứng, các chú bác trong làng lại mang rơm trộn với bùn sang xin cha cho chiết cành về làm giống. Chắc cũng vì lẽ này mà hầu như nhà nào trong làng tôi cũng có một cây mơ. Dù cây mơ được trồng đại trà là thế nhưng tôi vẫn cảm thấy cây của nhà tôi là tươi đẹp, sinh động và có hồn nhất. Những buổi trưa, ngồi nhàn tản dưới gốc cây uốn lượn tạo thế cong cong, tôi hay ngẩng đầu lên cao nhìn tán cây xòe rộng ra phủ rợp bóng mát cả một góc sân nhà, nâng niu giấc ngủ trưa trên chiếc võng tre kĩu kịt cha giăng dưới gốc.

Những năm sau, khi đã dần trưởng thành, phải đi lập nghiệp xa nơi xứ người cô quạnh, tôi thường ngồi trầm ngâm nhớ chuyện xưa. Lại ngậm ngùi nhớ thương quê nhà, nhớ cây mơ có hai thân chạc xòe ra vững chãi mà ngày bé tôi hay đánh đu đến mòn nhẵn. Thi thoảng, vào mùa sâu ăn lá, con nào con nấy béo ú ra sức gặm cắn ngày đêm. Mỗi khi màn đêm buông xuống, cha tôi lại thắp đèn đi mò mẫm trong đêm. Cha chủ yếu đi tìm bắt những con sâu to để đục khoét thân cây mơ. Đó cũng là cách để tránh cho tôi bị bọ nẹt đốt bởi buổi trưa nào đi học về tôi cũng chỉ kịp thả chiếc cặp ngay đầu hồi nhà rồi nhanh chân trèo lên cây, không quên mang theo vài quyển thơ Đường nằm vắt vẻo đọc trên chạc ba cây.

Kể chuyện làng: Sân nhà có một cây mơ - Ảnh 3.

Mơ nhà trồng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Để rồi một hôm khi nghe tin cây mơ bị gió quật ngã cành lớn sau một trận bão trái mùa, tôi thấy lòng mình ngẩn ngơ chua xót. Dù nhiều người già bảo cây bị "chậm lại" để chữa lành những thương tổn. Mùa đông năm đó đến sớm mà dài, sương trắng rét cắt da cắt thịt phả ra trắng núi. Một số đọt lá mơ non chưa kịp nhú ra đã bị sương lạnh làm chững lại không nảy nở được nữa. Chẳng có chồi non lộc biếc, cũng chẳng thể tạo những cánh hoa, tôi ngẩn ngơ nhận ra cái cây cổ thụ năm nào cũng sai trĩu quả, vững chãi như tường thành cứ ngỡ không có gió bão nào đánh gục được giờ đây cũng bị sự khắc nghiệt của tạo hóa khiến cho tả tơi đến thế.

Mùa đông hết, thời tiết ấm dần nhưng cây vẫn khô quắt lại, cảm nhận sự sống mãnh liệt trên thân cây đang dần theo vết gãy trôi tuột ra ngoài. Và điều kỳ diệu chỉ đến khi mùa xuân năm sau, từ thân khô xám nảy ra vô vàn chiếc lá, từ kẽ lá lại nở bừng ra những chùm hoa ly ti vàng trắng. Vết gãy kia tạo cho thân cây tàn tích u buồn trầm lặng nhưng đẹp một cách ngỡ ngàng.

Nửa gốc cây bị gió quật ngã nhú ra những cành non mơn mởn, nửa còn lại gánh vác tất thảy nhiệm vụ nuôi dưỡng cây đơm hoa kết trái vừa săn sóc mầm cây. Cây càng già, nửa thân cây còn lại càng cong rạp xuống. Đứng nhìn giữa khúc cong ấy, tôi hay mường tượng ra cảnh cha mẹ nuôi nấng, chăm bẵm con gái từ khi còn bé cho đến lúc trưởng thành, mà lòng nôn nao nhiều nỗi niềm. Chợt ước mình có khả năng quay ngược thời gian trở lại khoảng thời gian tuổi thơ êm đềm bên gia đình, dưới gốc cây mơ xanh mướt như khi xưa.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem