Kể chuyện làng: Tấm lòng mẹ nơi làng quê nghèo

Trần Văn Toản Thứ tư, ngày 18/11/2020 08:29 AM (GMT+7)
Thời gian vô tình trôi, mẹ của tôi không còn nữa. Mộ mẹ xanh màu nỗi nhớ. Trở về làng, đi trên con đường quen thuộc dẫn ra cánh đồng, lại mường tượng bóng dáng mẹ gập mình trên ruộng lúa năm nào. Nhìn thấy những người phụ nữ gánh trên vai đôi quang gánh sắn, khoai…lòng nao nao nhớ về mẹ.
Bình luận 0

Vào những năm của thập niên 80, tôi còn là cậu bé học ở trường làng. Cũng như bao miền quê khác, làng Trạch Phổ quê tôi nghèo nhất, nhì tỉnh Bình Trị Thiên . Nhà tôi đông anh em. Bố mẹ quần quật suốt ngày với mấy sào ruộng khoán nhưng bữa ăn vẫn toàn khoai sắn. Mẹ tôi dáng người nhỏ nhắn về làm vợ bố tôi mấy chục năm chưa bao giờ to tiếng, sống hiền từ, chẳng bao giờ mất lòng ai.

Kể chuyện làng: Tấm lòng mẹ nơi làng quê nghèo - Ảnh 1.

Nét quê.

Ở quê tôi lúc đó, học xong lớp 9, muốn tiếp tục theo học lớp 10 thì phải đạp xe hơn 20 km mới có trường học. Học xong lớp 9, học sinh đồng loạt nghỉ học. Số người đi học cả thôn, cả xã chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà tôi lúc đó không có nổi một chiếc xe đạp đàng hoàng. Dù học khá giỏi nhưng thương ba mẹ nên tôi không muốn cả nhà khổ vì mình. Tôi quyết  định nghỉ học để ở nhà đi hái rau cho lợn và chăn trâu giúp anh trai. Ba tôi im lặng không nói gì, còn mẹ tôi thì chảy nước mắt vừa khuyên nhủ, dỗ dành tôi. Tôi tìm mọi cách để thuyết phục mẹ cho tôi được nghỉ học. Mẹ vẫn một mực bắt tôi phải đến trường. "Khổ mấy mẹ cũng chịu được…mẹ xin con đừng bỏ học". Ngày mai là hạn cuối nộp hồ sơ vào lớp 10. Đêm đó cả hai mẹ con tôi đều trằn trọc không ngủ được. Sáng đó tôi dậy thật sớm, mở cửa phên phía sau. Nhanh chóng dắt trâu ra đồng, như chạy trốn khỏi giờ quyết định nộp hồ sơ. Suốt một buổi chăn trâu ngoài đồng, mẹ chẳng hề tìm tôi. Tôi nghĩ thế là mẹ đã chấp nhận cho mình nghỉ học. Vậy là từ đây tôi đã giã từ sách vở, vậy là từ đây mẹ đỡ lo lắng cho mình. Buồn và mừng, tủi và tiếc. Tâm trạng tôi lúc đó thật khó tả. Năm sáu ngày trôi qua, cả nhà chẳng ai nhắc đến việc học của tôi.

Thế rồi thật bất ngờ, đúng một tuần kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ, tôi nhận được giấy báo từ trường. Tôi ngơ ngác không hiểu thế nào. Chị gái của tôi mới cho tôi biết, chính mẹ đã âm thầm làm hồ sơ và cái buổi sáng tôi đi chăn trâu sớm đó mẹ đã xin nghỉ một buổi làm đồng, bảo chị tôi mượn xe của bác Hoà hàng xóm chở mẹ lên trường cấp 3 nộp hồ sơ vào lớp 10 cho tôi. Cầm tờ giấy báo tôi oà khóc, lại một lần nữa tôi nhất định không chịu đến trường chỉ vì sợ mẹ khổ. Vài sào ruộng khoán của ba, vườn rau của mẹ, lấy đâu đủ tiền cho tôi ăn học. Không hiểu sao, khác với các lần trước, lúc này nét mặt mẹ tôi nghiêm khắc. Mẹ nói như ra lệnh (lần đầu tiên tôi thấy mẹ to tiếng với mình) : "Con không chịu đi học, ngày mai mẹ sẽ bán hết trâu và lợn, mẹ không cần con chăn trâu, hái rau. Kể từ đây đừng gọi mẹ là mẹ nữa, con muốn làm gì thì làm". Trưa đó, đi làm ruộng về, mẹ giao công việc nấu ăn cho chị tôi, mẹ lên giường nằm và bỏ bữa ăn trưa. Tôi không dám đến gần mẹ, hình như mẹ tôi đang giấu tiếng khóc vào trong lòng. Ba tôi, các anh chị trong nhà người thì bảo tôi cứng đầu cứng cổ, người thì nhẹ nhàng khuyên tôi tiếp tục theo học cấp 3 để mẹ được vui. Tôi thật sự hoang mang, bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu lúc này : Lấy xe đạp đâu mà đi học? Tiền đóng học phí? Tiền mua sách vở? Mỗi lần nhìn dáng mẹ tảo tần với đôi quang gánh từ cánh đồng trở về trong sắc nắng chiều tà, nhìn màu da nắng gió mặn mòi của ba, tôi sợ đến trường lại thêm gánh nặng…

Kể chuyện làng: Tấm lòng mẹ nơi làng quê nghèo - Ảnh 2.

Người phụ nữ quê tôi.

Sau 3 ngày suy nghĩ, 3 ngày mẹ im lặng với tôi, tôi quyết định đến trường nhập học. Không thể nói hết niềm vui sướng của mẹ. Tôi nhìn thấy trên khuôn mặt đang nở nụ cười của mẹ là hai giọt nước mắt. Mẹ động viên tôi : "Cố gắng lên con, khổ bao nhiêu mẹ cũng chịu được, các anh chị đã thất học, giờ chỉ còn con. Đừng lo, ba mẹ lo được mà, miễn là con đến trường". Những ngày sau đó, mẹ ra đồng sớm hơn, đến chợ chiều nhiều hơn. Bao nhiêu gà, khoai sắn mẹ mang ra chợ bán, mẹ bán luôn đôi khuyên tai được ngoại tặng cho ngày đi lấy chồng, mẹ sắm cho tôi một chiếc xe đạp và may bộ áo quần mới…


Ba năm cấp 3 học ở trường huyện, có những lúc đạp xe mệt nhoài, bụng đói cồn cào vì cơm chẳng đủ no, nhưng chưa bao giờ tôi nản chí. Lời động viên của mẹ gắng lên con, khổ bao nhiêu mẹ cũng chịu được cứ thúc giục tôi. Tôi quyết tâm chinh phục những bài toán khó, những đề văn hay. Rời mái trường phổ thông, thi vào ngành sư phạm, rồi tốt nghiệp Đại học. Tôi được phân công về một trường cấp 3 ở thành phố Huế, cách nhà 45 cây số. 25 năm đứng trên bục giảng, tôi kể cho học trò mình nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm với một niềm tự hào và xúc động chân thành.

Tất bật nắng mưa nơi cánh đồng làng, lo lắng cho đàn con, bước sang tuổi 65 mẹ tôi ốm nặng. Mỗi lần về quê thăm mẹ, chính đôi mắt hiền từ và nụ cười hiền hậu của mẹ đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho tôi trong cuộc sống và trong công việc. Không thể nói bằng lời, từ tận đáy lòng tôi muốn nói thầm với mẹ, với cuộc đời rằng : "Cám ơn mẹ - người phụ nữ  tuyệt vời nhất trong cuộc đời con. Chính  đôi bàn tay lao động rám nắng, nụ cười hiền hậu của mẹ nơi miền quê nghèo đã nuôi dưỡng và trở thành động lực để tôi đạt được ước mơ của mình. Đặc biệt nếu không có cái ngày mẹ lặng lẽ đi nộp hồ sơ vào cấp 3 cho con thì có lẽ ước mơ đứng trên bục giảng của con mãi mãi chỉ là mơ ước…".

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

                                                  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem