Kết cục bi đát của nhân vật “Hoàng đế” trong Thủy Hử

Thanh Xuân Thứ tư, ngày 25/09/2019 18:32 PM (GMT+7)
Với nhiều thế hệ độc giả Thủy Hử, “Thiên tử” – hoàng đế nhà Bắc Tống – trong danh tác của Thi Nại Am có lẽ là một trong những nhân vật… đáng ghét nhất. Bởi nếu đây thực sự là một đấng minh quân, thì kết cục của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc đã không bi đát đến vậy.
Bình luận 0

Nhân vật “Thiên tử” trong Thủy Hử

Nhân vật “Thiên tử” được nhắc tới nhiều trong 50 hồi sau của Thủy Hử (phần Tục Thủy Hử) qua nỗ lực được triều đình chiêu an của Tống Giang, ở cuộc hội ngộ với Yến Thanh ở nhà của Lý Sư Sư; các quyết định dung nạp nghĩa quân Lương Sơn; chuyện truyền lệnh đánh Liêu, dẹp Điền Hổ, Vương Khánh, bình Phương Lạp…

img

Nhân vật “Thiên tử” trong Thủy Hử chính là vua Tống Huy Tông.

“Thiên tử” của Thủy Hử hiện lên với hình ảnh là một vị Hoàng đế có Tâm nhưng không có Tầm. “Thiên tử” ấy cũng có những cảm xúc, suy tư nhân tình thế thái nhưng lại thiếu hoàn toàn các quyết sách, hành động để làm vững mạnh triều cương, vì dân vì nước. Đúng như lời Lý Sư Sư từng nói: “Bệ hạ tuy là đấng thánh minh, ở ngôi cửu trùng nhưng bị bọn gian thần rào đường rấp lối, ngăn cản người hiền, biết làm sao được?”.

Kết cục của những hảo hán Lương Sơn sống sót trở về sau trận chiến Phương Lạp, nhậm chức làm quan rồi bị bè lũ gian thần (Sái Kinh, Đồng Quán, Dương Tiễn, Cao Cầu) lập mưu hại chết, rõ ràng “Thiên tử” phải chịu trách nhiệm không nhỏ. Một vị vua mà sau khi được Tống Giang báo mộng về cái chết oan khuất của mình cũng như các huynh đệ hảo hán khác chỉ biết “buồn rầu thương xót khôn nguôi”.

Lời nói cuối cùng của “Thiên tử” trong danh tác Thủy Hử của Thi Nại Am là câu quát mắng bọn “Tứ đại ác nhân” đứng sau cái chết của Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa: “- Các ngươi là gian thần hại nước, làm hư nát cả thiên hạ của trẫm!”. Nhưng sau đó thì sao? “hoàng đế bị bốn tên gian thần quanh co che giấu nên không bắt tội được chúng, chỉ quát đuổi bọn Cao Cầu, Dương Tiễn ra ngoài”. Một vị vua nhu nhược, gần như bù nhìn!

img

Vua Tống, trong danh tác của Thi Nại Am, là Hoàng đế có Tâm nhưng thiếu Tầm.

Tống Huy Tông: Hoàng đế vô năng

Với những chi tiết và nhân vật lịch sử được Thi Nại Am nhắc tới, thì “Thiên tử” của Thủy Hử chính là Tống Huy Tông, Hoàng đế thứ 8 của triều đại Bắc Tống trong lịch sử Trung Quốc. Huy Tông, tên thật Triệu Cát, trị vì từ năm 1100 đến năm 1126 thì nhường ngôi, trở thành Thái thượng hoàng. Sử gia nổi tiếng thời nhà Nguyên - Thoát Thoát bình luận về Huy Tông thế này: “Tống Huy Tông mọi sự đều có khả năng, chỉ riêng việc làm vua thì vô năng”.

Và đấy là một bình luận tuy ngắn gọn nhưng hoàn toàn chính xác về Huy Tông: một Hoàng đế có tài năng xuất chúng về nghệ thuật nhưng về mặt chính trị lại u mê, trọng dụng gian thần, chỉ thích hưởng lạc, tiêu pha vô độ, khiến triều đình hủ bại, lòng dân oán thán.

Thời gian trị vì của Huy Tông gắn liền với rất nhiều quyết định thiếu chính xác, đặc biệt là chính sách đối ngoại. Huy Tông sinh hoạt xa xỉ, dùng nhọc sức triều đình để thỏa mãn những nhu cầu của mình. Huy Tông bỏ trung dùng gian, để cho tham quan lộng hành dẫn tới khởi nghĩa nông dân trong nước suốt mười mấy năm, khiến triều cương bị lũng đoạn, đất nước rối ren và suy yếu. Sự kết thúc thời kỳ trị vì của Huy Tông, quanh sự kiện Tĩnh Khang, đánh dấu một giai đoạn đầy thảm họa cho nhà Tống.

img

Huy Tông tin dùng gian thần như Sái Kinh, Cao Cầu khiến nhà Tống suy yếu và diệt vong.

Tài năng nghệ thuật của Huy Tông

Tống Huy Tông được hậu thế biết đến như một vị Hoàng đế chuyên về văn hóa nghệ thuật rất nổi tiếng, một tài tử phong lưu và một nhà thơ, nhà thư pháp, họa sĩ và nhạc công xuất sắc. Ông cũng là người sưu tầm hội họa, thư pháp và đồ cổ, cho xây dựng các bộ sưu tập lớn cho mỗi đam mê của mình. Huy Tông có nhiều bài thơ hay, lại được biết đến như là một họa sĩ luôn khao khát cống hiến. Ông đã tạo ra kiểu thư pháp riêng của mình, quan tâm tới kiến trúc và thiết kế vườn, và thậm chí còn viết các chuyên luận về y học và Đạo giáo.

Trong số các tác phẩm đáng chú ý của Huy Tông có Phù dung cẩm kê đồ, Đào cưu đồ, Thụy hạc đồ. Ông cũng sao chép lại các bức họa Quắc quốc phu nhân du xuân đồ (lưu giữ tại Viện Bảo tàng tỉnh Liêu Ninh) và Đảo luyện đồ của Trương Huyên thời Đường (hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật, Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ.

Huy Tông chính là người sáng tạo ra "Sấu kim thể" một kiểu viết chữ trong nghệ thuật thư pháp. Tên gọi "Sấu kim thể" là do kiểu viết của Huy Tông thanh mảnh tương tự như sợi vàng, xoắn và đảo ngược. Ông cũng cho biên soạn "Tuyên Hòa họa phổ", "Tuyên Hòa thư phổ" và "Tuyên Hòa bác cổ lục" là những sách về mĩ thuật có giá trị lớn. Huy Tông là người say mê trà, tự tay ông viết cuốn sách Đại Quan trà luận gồm 20 chương, với những miêu tả chi tiết và bậc thầy về các kiểu pha chế và thưởng thức trà cầu kỳ thời nhà Tống.

img

Huy Tông được hậu nhân nhớ tới bởi tài năng nghệ thuật xuất chúng của ông, chứ không phải với tư cách một vị vua.

Năm 1114, Huy Tông đã gửi tới Kinh đô Khai Thành của triều đình Cao Ly (Triều Tiên sau này) một bộ nhạc cụ để sử dụng cho nhạc cung đình. Vào năm 1116, ông lại gửi một món quà khác lớn hơn (tổng cộng 428 nhạc cụ) cho Triều đình Cao Ly, mở đầu cho truyền thống aak (nhã nhạc) của quốc gia này.

Sự kiện Tĩnh Khang & cái kết nhục nhã của Huy Tông

Tháng 11/1125, nhà Kim (Kim Thái Tông) chính phạt Trung Nguyên, đánh thẳng vào Yên Kinh, chiếm trọn các vùng đất Yên, Vân giáp sông Hoàng Hà. Quân Bắc Tống thua liên tiếp nhiều trận, tin thất bại truyền về Biện Kinh, triều đình Huy Tông bàng hoàng, khiếp hãi. Trước sức ép mạnh mẽ của quân Kim, ngày 18/1/1126, Huy Tông xuống chiếu nhường ngôi cho Khâm Tông, chính thức thành Thái thượng hoàng, rồi cùng bọn Đồng Quán rút chạy về Nam Kinh.

Quân Tống dưới sự chỉ huy của đại tướng Lý Cương chống trả quyết liệt, buộc người Kim phải lui binh vào tháng Hai. Tháng Tư năm đó, Thượng hoàng Huy Tông nghe tin chiến sự đã yên, liền về kinh. Sau đó người Kim lấy cớ Tống muốn khôi phục Khiết Đan lại tiến hành nam tiến lần nữa. Tháng 1/1127, thành Biện Kinh chính thức bị Kim phá. Vua Tống Khâm Tông sang trại Kim bàn chuyện hòa nghị, bị Kim bắt. Thượng hoàng Huy Tông, Thái hậu và các phi tần, công chúa... cùng toàn bộ hậu cung, tổng cộng khoảng 3000 người, bị Kim bức ra khỏi thành.

img

Sự kiện Tĩnh Khang và kết cục thảm hại của Hoàng đế vô năng Tống Huy Tông.

Ngày 20/3/1127, Kim Thái Tông hạ lệnh phế Thượng hoàng Huy Tông và vua Khâm Tông làm thứ nhân. Huy Tông sau đó bị đưa đưa đến kinh đô nước Kim vào cuối tháng 8/1128, ép phải mặc áo xô gai vào lạy ở miếu Kim Thái Tổ rồi bị giải vào triều, bị vua Kim làm nhục. Kim Thái Tông phong Huy Tông làm Hôn Đức công rồi dời ông đến Hàn Châu tháng 10 năm đó. Tháng 6 năm 1135, Hôn Đức công qua đời ở thành Ngũ Quốc, thọ 53 tuổi.

Để tăng thêm sự sỉ nhục, khoảng 300 thê thiếp, công chúa, quận chúa nhà Tống bị nhà Kim bắt đến Tẩy Y viện làm tạp dịch, nhiều người trong số đó còn bị bắt làm kỹ nữ phục vụ cho tướng lĩnh nhà Kim hoặc bị quý tộc Kim nạp làm thê thiếp, thậm chí bị đem ban thưởng như chiến lợi phẩm. Sự kiến Tĩnh Khang là mối hận khủng khiếp đối triều đình và thần dân nhà Tống, cũng là nỗi nhục hiếm thấy đối với 1 triều đại trong lịch sử Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem