Nhớ lại hơn chục năm trước, buôn Sút M’Đrang (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) là một điểm nóng về an ninh trật tự. Những phần tử Fulro lưu vong luôn tìm cách gây rối, chống phá chính quyền. 90% dân trong buôn là hộ nghèo. Năm 2004, Hội Nông dân tỉnh và Công ty Cao su Đăk Lăk đã nhận kết nghĩa để giúp đỡ buôn Sút M’Đrang. Các đơn vị đã cử tổ công tác thường xuyên bám buôn, tổ chức hàng chục đợt phát động quần chúng. Mỗi dịp lễ, tết đều cử các đoàn về tặng quà, giao lưu văn nghệ, thể thao với bà con. Các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chăm sóc cây trồng, hỗ trợ phân bón, cho vay vốn chăn nuôi theo hình thức luân chuyển với kinh phí hàng trăm triệu đồng… Sau 10 năm, buôn Sút M’Đrang giờ chỉ còn 17 hộ nghèo trong tổng số 157 hộ, hơn 90% gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"…
Nhiều hộ đồng bào dân tộc ở Đăk Lăk đã thoát nghèo nhờ được hướng dẫn cách làm ăn mới.
Buôn Ea Na (xã Ea Na, huyện Krông Ana) từ khi kết nghĩa với Công ty Phân bón Bình Điền đã “lột xác” hoàn toàn. Trưởng buôn Ea Na - ông Y Bá Êban, phấn khởi cho biết: “Từ ngày kết nghĩa, đời sống người dân trong buôn đổi thay thấy rõ. Nếu trước đây buôn chỉ có 20 hộ giàu thì giờ đã tăng gấp 10, nhiều hộ còn sắm được ô tô”. Bà H’Ngoắt Hmok - Phó Trưởng ban Dân vận tỉnh Đăk Lăk cho biết: Từ năm 2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đăk Lăk có chủ trương triển khai kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các buôn làng DTTS. Đến nay, hàng ngàn cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến huyện, đã thực hiện kết nghĩa với hàng trăm thôn buôn, giúp các buôn làng này thực sự khởi sắc.
Hà Lê (Hà Lê)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.