An toàn với sản xuất nông nghiệp?
TS Phạm Thị Liên- Phó Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) cho biết: “Viện đã tiến hành khảo nghiệm đánh giá ảnh hưởng của ngô MON 89034 và NK603 so với giống ngô đối ứng C919 do Công ty TNHH Dekalb Việt Nam đăng ký.
|
Lãnh đạo Bộ NNPTNT thăm cánh đồng khảo nghiệm ngô biến đổi gen của Dekalb VN tại Đăk Lăk. |
Sau 2 năm triển khai tại các vùng sinh thái khác nhau cho thấy, ngô biến đổi gen MON 89034 và NK603 có các đặc điểm sinh trưởng, phát triển và tính mẫn cảm với bệnh hại ngô tương tự giống ngô nền C199, không chuyển gen ở mỗi vùng sinh thái, không biểu hiện nguy cơ trở thành cỏ dại, dịch hại hay xâm lấn môi trường đa dạng sinh học”.
Đối với chương trình khảo nghiệm đánh giá rủi ro biến đổi gen với giống của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred Việt Nam, theo đánh giá của Viện Bảo vệ thực vật cũng có kết luận, giống ngô biến đổi gen NK66Bt11x GA21 không thể hiện nguy cơ trở thành cỏ dại, không trở thành dịch hại nông nghiệp; chưa ghi nhận được giống ngô trên gây ảnh hưởng xấu đến sinh vật không chủ đích và nguy cơ làm thay đổi bất lợi đến hệ sinh thái xung quanh.
PGS - TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết: “Khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen event TC 1507 của Pioneer Hi-Bred đã cho thấy kết quả không có nguy cơ trở thành dịch hại, do đó chúng tôi đề nghị Bộ NNPTNT công nhận giống ngô chuyển gen này an toàn với đa dạng sinh học và môi trường sinh thái tại Việt Nam”.
Còn nhiều tranh cãi
Đánh giá về kết quả khảo nghiệm vừa qua, GS - TS Nguyễn Lân Dũng đặt vấn đề: “Khi các cơ quan được giao tiến hành khảo nghiệm, chúng ta có khảo sát các nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc sử dụng giống này như thế nào chưa. Chúng ta phải xem khi trồng giống biến đổi gen, đất có thể ít bị ảnh hưởng, nhưng còn phải xem, loại giống này ảnh hưởng như thế nào đến hệ vi sinh vật”.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng: “Đây mới chỉ kết quả khảo nghiệm bước đầu, chúng ta vẫn còn 4 bước khảo nghiệm nữa, trong đó sẽ tiến hành đánh giá tới góc độ an toàn sức khoẻ của vật nuôi, con người… để đi tới quyết định tiến hành sử dụng giống biến đổi gen đại trà hay không.
GS - TS Trần Hồng Uy - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô cũng cho rằng: “Để đưa ra kết luận, giống ngô biến đổi gen có an toàn với sinh thái, môi trường hay không, ít nhất phải tiến hành khảo nghiệm từ 3- 6 vụ, vì có những nghiên cứu của chúng tôi trước đây, còn phải tiến hành khảo nghiệm tới 9 vụ và liên tiếp có kết quả khả quan mới được công nhận, áp dụng đại trà trên diện rộng”.
Trong khi đó, GS - TS Trần Duy Quý- Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá: “Chỉ mới khảo nghiệm trong 2 vụ là chưa đủ kết luận, cần phải tiếp tục khảo nghiệm thêm. Đặc biệt, khi tiến hành khảo nghiệm, cần xác định vi sinh vật trước và sau khi thu hoạch để có những đánh giá tác động đối với môi trường.
Theo GS Quý, cách đây vài năm, cây trồng biến đổi gen được coi như thành tựu của khoa học, nhưng hiện tại công nghệ biến đổi gen đang xuất hiện hàng loạt vấn đề mà ngay cả các nước như Mỹ cũng đề xuất cần xem xét tẩy chay sản phẩm biến đổi gen… Chúng tôi ủng hộ đưa cây trồng biến đổi gen vào trong sản xuất nông nghiệp nhưng phải tiến hành khảo nghiệm thật kỹ, đạt hiệu quả.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.