Cả nước chỉ có 6 phòng phân tích
Ngày 12.4, Thanh tra chuyên ngành Bộ NNPTNT đã tổ chức bắt giữ vụ Chi nhánh Công ty TNHH Hồng Triển tại Mỹ Hào (Hưng Yên) đang sản xuất, kinh doanh 8,3 tấn thức thức ăn chăn nuôi (TACN) nghi có chứa chất cấm. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã gửi mẫu đi phân tích, song theo thông tin NTNN mới nắm được, đến nay số mẫu TACN bắt được từ công ty này vẫn… chưa được phân tích.
|
Lấy mẫu kiểm tra chất lượng thịt ở Hà Nội. |
Ông Phạm Văn Hiền- Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT cho biết: “Chúng tôi có gọi hỏi họ, nhưng lúc đầu họ có nói là chưa làm được cho mình, sau đó phòng phân tích lại bảo chưa có kết quả, vẫn phải chờ. Vì thế, đến nay chúng tôi vẫn chưa biết xử lý lô hàng trên ra sao”.
Trước đó, ông Hiền cho biết, chỉ cần sau 7-10 ngày sẽ có kết quả phân tích từ mẫu TACN thu được của Công ty Hồng Triển. Theo ông Hiền, có thể do đợt này, hàng đợi phân tích quá nhiều, nên họ chưa thể gửi kết quả đúng thời gian.
Trường hợp trên là điển hình trong rất nhiều vụ mà trong suốt thời gian qua, các ngành chức năng chỉ thấy công bố bắt được vụ nọ, vụ kia, chứ không thấy công bố cụ thể mẫu TACN bắt được có chứa chất cấm như thế nào.
Lý giải về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Đăng Vang- Ủy viên Hội đồng chính sách khoa học- công nghệ Quốc gia cho biết: “Thông thường chỉ cần 2 ngày sau khi lấy mẫu, các phòng phân tích sẽ kiểm tra và cho kết quả ngay. Song do hiện cả nước có 15 phòng phân tích chất lượng TACN, nhưng chỉ có 6 phòng, trong đó 2 phòng ở miền Bắc và 4 phòng ở miền Nam có khả năng phân tích về định lượng được chất Beta-agonist trong TACN”.
Theo ông Vang, các phòng phân tích này thường được chỉ định bởi Bộ chuyên ngành là Bộ NNPTNT, sau khi phân tích định lượng rồi, để kết luận đúng- sai, từ đó làm căn cứ xử phạt, lại phải gửi mẫu sang phòng phân tích trọng tài (kiểm chứng) của Nhà nước để kiểm tra tiếp.
Chậm công bố sẽ làm nhiễu thông tin
Ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cũng cho rằng, hiện Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng được theo tiêu chuẩn của quốc tế về phân tích TACN với kết quả có được sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, theo ông Lịch: “Thực tế, trong thời gian vừa qua, việc chậm công bố hoặc công bố chưa chính xác các kết quả xét nghiệm mẫu chất cấm sử dụng trong TACN đã làm cho thông tin bị nhiễu, người tiêu dùng hoang mang, còn người chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề”.
Có một thực tế là, trong quá trình lấy mẫu, thường có sự phối hợp liên ngành giữa nông nghiệp, công an và công thương, nên phương pháp lấy mẫu- bước đầu tiên để tiến hành xét nghiệm có thể có những “trục trặc” về nghiệp vụ.
Một số cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt hành chính, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào liên quan đến việc sử dụng, tiêu thụ chất cấm bị khởi tố.
Ông Nguyễn Xuân Dương
Theo ông Lịch, muốn có kết quả chính xác, cần phải phân tích từng bước từ định tính (Elisa) đến định lượng bằng phương pháp sắc khí ký hoặc sắc ký lỏng khối phổ. Nếu chỉ phân tích định tính mà đã đưa ra kết luận cuối cùng thì vô cùng nguy hiểm vì thực tế nó chỉ chính xác khoảng 50-60%”.
Trao đổi với NTNN chiều qua (23.4), ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Hiện nay, cơ quan công an vẫn đang tiếp tục truy xuất nguồn gốc các chất cấm đã bị phát hiện, thu giữ. Một số cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt hành chính, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào liên quan đến việc sử dụng, tiêu thụ chất cấm bị khởi tố”.
Về kết quả phân tích chất cấm, ông Dương cho biết: “Trước mắt, các địa phương vẫn tiếp tục tăng cường lấy mẫu để sớm phát hiện chất cấm sử dụng trong chăn nuôi sớm có hướng xử lý. Còn kết quả cụ thể thế nào, chúng tôi vẫn đang đợi các phòng phân tích thông báo”.
Ngọc Lê - Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.