Khách tha hồ lựa mua đông dược quý hiếm, “cao lương mỹ vị” qua "chợ ảo"

Trần Quang Thứ tư, ngày 22/12/2021 06:30 AM (GMT+7)
Với chủ đề “Làng nghề Việt Nam trong kinh tế số”, Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam trực tuyến năm 2021 diễn ra trong 5 ngày từ ngày 21-25/12, trên công nghệ SmartROOM nền tảng số triển lãm trực tuyến với quy mô 50 gian hàng trực tuyến.
Bình luận 0
Khách tha hồ lựa mua đặc sản vùng miền qua "chợ ảo" - Ảnh 1.

Các đại biểu ấn nút khai mạc Hội chợ làng nghề và các sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2021. Ảnh: TQ

Với chủ đề "Làng nghề Việt Nam trong kinh tế số", Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam trực tuyến năm 2021 là nơi quy tụ 50 gian hàng trực tuyến đến từ gần 20 tỉnh thành phố trong cả nước. 

Hội chợ trưng bày giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, nông sản và sản phẩm OCOP 3-4 sao như: Lụa tơ tằm, trái cây 3 miền; gạo hữu cơ, chả mực; yến sào (hay còn gọi là tổ yếu,một trong 8 món ăn “cao lương mỹ vị”), đông trùng hạ thảo (một loại đông dược quý hiếm); trà, cà phê các loại…

Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam trực tuyến năm 2021 được xây dựng dưới hình thức trực tuyến với các tính năng cho phép kết nối trong thời gian thực giữa những người tham dự, nhà tổ chức, và các đơn vị tham gia gian hàng tại Hội chợ trực tuyến.

Hội chợ có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, được mô phỏng một mô hình hội chợ trực tiếp dưới hình thức 3D.

 Giao diện của Hội chợ trực tuyến sẽ tạo môi trường thân quen cho khách hàng thăm quan, thuận tiện cho tìm hiểu thông tin tại mỗi khu vực chức năng, tương tác với các doanh nghiệp tham gia gian hàng thông qua các công cụ kết nối trực tuyến.

Hội chợ trực tuyến bao gồm 5 phân khu chức năng chính như: Phần trang chủ: Mô phỏng hình ảnh tòa nhà Triển lãm Nông nghiệp gàn gũi với người tham quan; Khu vực gian hàng Hội chợ trực tuyến; Khu gian hàng trưng bày triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ chung; Khu tổ chức các sự kiện trực tuyến bên lề Hội chợ và Khu vực sàn thông tin chào mua – chào bán sản phẩm nông nghiệp.

Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới việc tổ chức hội chợ trực tiếp thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là một hướng đi tất yếu, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp  kỳ vọng, thông qua các hoạt động của hội chợ trực tuyến sẽ là điều kiện tốt nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm của các làng nghề truyền thống; là cầu nối sản xuất và tiêu thụ góp phần nâng cao hình ảnh và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề trên thị trường.

Bên cạnh đó, hội chợ còn giúp đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị nông sản Việt, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, gắn kết với hoạt động của Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản do Tổ diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản triển khai.

Bên lề hội chợ diễn ra "Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom với sự tham gia của 100-150 đại biểu tại các điểm cầu.

Sau khi kết thúc hội chợ, nền tảng kết nối trực tuyến vẫn được Ban tổ chức kéo dài các giao dịch trong vòng 1 tháng đến hết ngày 21/1/2022 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tiếp tục các hoạt động của hội chợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem